Nếu như khoảng hơn 10 năm trước đây, những cây thế mạnh của Tây Ninh như cao su, mía, mì… giá cả bấp bênh, người trồng trọt làm “được chăng hay chớ”! Thì những năm gần đây ba loại cây trồng kể trên không chỉ là “cây xoá nghèo” mà nhiều người đã trở thành đại gia có nhà “ba tấm” xe bốn bánh (ô tô đắt giá bạc tỷ) nhờ thu hoạch mủ cao su, mía cây, củ mì…
Như vậy, từ việc cây trồng “lên ngôi” kéo theo hệ quả đất đai tăng giá là chuyện tất yếu. Gần đây, nhiều người đổ xô đi tìm đất. Đại gia có tiền tỷ thì tìm mua đất, còn người ít vốn hơn thì đi thuê đất theo mùa vụ để trồng cây công nghiệp ngắn ngày. Thế là Tây Ninh bỗng rộ lên cơn sốt đất…
|
Một DN Việt Nam liên doanh với đơn vị bạn Campuchia khai thác đất giáp ranh biên giới để trồng mía, mì |
Cây thoát nghèo
Chúng tôi có dịp trở lại những vùng quê từng là chiến khu xưa, như Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành hay Dương Minh Châu, những miền quê năm nào nổi danh là… nghèo khó. Người nông dân cố cựu bám đất, năm này qua năm khác “nghèo vẫn hoàn nghèo”. Hôm nay thì đã hoàn toàn thay đổi. Một hộ nông dân chỉ cần “trúng” một vụ mì thì không chỉ xoá được cái nợ “lưu niên” mà còn nên nhà nên cửa. Chạy dọc theo tỉnh lộ 786 (địa phận ấp Trà Sim, xã Ninh Điền, Châu Thành), chúng tôi say sưa ngắm nhìn những ngôi nhà tường mới mọc lên còn thơm mùi sơn mới. Hình ảnh đó khiến vùng quê yên bình như sáng hẳn lên. Bao quanh các “biệt thự” của dân là những cánh đồng mì, cao su… xanh rờn ngút ngàn. Gia đình chị Nguyễn Thị Hai, có diện tích đất trồng không đến một mẫu tây (ha), chỉ nhờ trồng mì mà nay gia đình chị đã đổi đời. Vì ít vốn, chị chỉ đầu tư có 10 triệu đồng cho cây mì trên diện tích ít ỏi kể trên. Vậy mà đến cuối vụ, gia đình thu được lãi ròng tròm trèm 50 triệu. Thế là chị đã trả được nợ ngân hàng, lại còn sắm được chiếc xe mô tô, lo chuyện học hành của hai đứa con.
Còn những trường hợp cỡ “trung gia” như anh Huỳnh Văn Phước, nhà ở Hoà Thành, vừa qua “trúng mì” như trúng vé số giải độc đắc. Anh trồng xen cây mì trong 10 ha cao su. Đến thời điểm thu hoạch, nhiều lái mì đến trả giá cả đám (khoảng 9 ha mì) với giá 1,2 tỷ đồng. Anh nhất quyết không chịu bán. Do nhà có phương tiện xe tải, máy cày, anh quyết định kêu công nhổ đem đến tận nhà máy bán, và thu được 1,3 tỷ đồng. Như vậy chỉ cực công có vài ngày, gia đình anh “có thêm” một trăm triệu đồng. Theo kinh nghiệm của nhà nông, đầu tư cho một ha mì ít hơn so với cao su, mía, thế nhưng tiền lãi cũng không kém. Chỉ cần đầu tư mức độ bình thường (khoảng 20 triệu đồng). Cuối vụ thu hoạch sản lượng chừng 30 tấn/ha, với giá như hiện nay (2.700 đồng/kg, hàm lượng bột 30%), thì cũng kiếm được 70-80 triệu đồng/ha.
Hiện nay gia đình nào chỉ cần có vài ha cao su ở tuổi thu hoạch thì xem như “vô tư”, nằm ngủ một đêm cũng có bạc triệu trong tay mà không cần phải lo nghĩ nhiều. Anh T.V.N -một sĩ quan công an vừa nghỉ hưu, cũng nhờ 6 ha cao su trồng cách đây 8 năm, mà nay anh sống nhẹ nhàng, êm ái. Bởi vì, theo anh tính mỗi ha cao su vào lúc chính vụ, mỗi tháng sau khi trừ hết các khoản chi phí cũng dư được 20 triệu đồng. Số tiền này hơn gấp năm, sáu lần so với thu nhập của một công chức Nhà nước.
Tình hình sản xuất nông nghiệp như hiện nay thì cây mì đang ở thế “thượng phong”. Do vậy cuộc cạnh tranh giữa hai cây mía-mì ngày càng sôi động. Các nhà máy sản xuất mía lo ngại “mất” diện tích trồng mía, nên đã cử nhiều trạm, tổ nhân viên nông vụ tung về khắp các địa bàn trong tỉnh để khuyến khích việc nhận đầu tư. Thậm chí các nhà máy hợp đồng với nông dân sẵn sàng “bao” từ A đến Z cho cây mía. Họ sẵn sàng đầu tư tận tay cho nông dân từ tiền cày, giống mía, vật tư nông nghiệp cho đến cả tiền thuê đất... Hiện nay tiền lãi ròng của một ha mía cũng ngang ngửa với việc trồng mì. Tuy nhiên, tiền vốn đầu tư cho cây mía là khá nhiều (gần 40 triệu đồng/ha), đồng thời có thêm sự lo ngại do rủi ro (như cháy chẳng hạn). Nhưng việc trồng mía được cái lợi hơn là chỉ tập trung đầu tư nhiều cho vụ đầu, còn mấy mùa sau thì vốn bỏ vô rất ít, mà sản lượng gần như ngày càng tăng dần…
Cơn sốt đất và những cuộc săn tìm…
Theo ghi nhận của chúng tôi, giá chuyển nhượng một ha đất (đã có “giấy đỏ”), hiện nay khoảng trên dưới 400 triệu đồng, nếu là “đất đẹp”, gần đường lớn. Nhiều đại gia có tiếng như các doanh nghiệp H.D, Đ.N đã tìm mua đất trồng cây cao su, có doanh nghiệp bỏ hàng chục tỷ đồng để mua cả vườn cây cao su vài chục ha. Theo kinh nghiệm của các bậc lão nông thì đất tốt màu mỡ, hợp thổ nhưỡng để trồng ba loại cây trên là vùng đất ở hai huyện Tân Châu và Tân Biên. Chính vì thế mà giá cả đất đai các nơi này vô cùng đắt đỏ.
|
Nhiều nông dân giàu lên nhờ cây cao su, cây mì |
Hiện nay “cơn sốt đất” không chỉ biểu hiện qua việc sang nhượng, mà nhiều người còn đổ xô nhau đi thuê đất. Do giá thuê đất trong tỉnh quá cao nên có nhiều người đi lên tận các tỉnh Tây Nguyên, thậm chí sang Campuchia, Lào để thuê đất trồng các loại cây trên. Nếu trước đây chỉ một năm thôi, tiền thuê đất một ha chỉ năm ba triệu đồng, thì nay giá thuê đội lên ngất ngưỡng ngoài 20 triệu đồng. Vậy mà cũng không phải dễ tìm được đất để thuê. Anh T.V.L, một công chức Nhà nước, có 4 ha đất thuộc địa phận xã Tân Hà, Tân Châu, năm 2010, anh cho thuê với giá chỉ 5 triệu đồng ha, thì nay có người hỏi thuê giá 25 triệu đồng/ha. Còn anh H.X.B, dù gia đình đã có hàng chục ha cao su, mì, nhưng anh cũng lên tận tỉnh Đắc Nông mua đất. Anh cho biết, giá đất ở đấy vẫn còn “mềm” so với tỉnh mình. Đất có “sổ đỏ” đàng hoàng, giá sang nhượng chỉ tầm 70-80 triệu đồng/ha. Do vậy mà hiện nay dòng người ở tỉnh ta rong ruổi lên Tây Nguyên tìm mua, thuê đất rất nhiều. Những nơi ấy là vùng đất đỏ Bazan, cực tốt cho cây công nghiệp, nhưng giá thuê chỉ 5-7 triệu đồng/ha.
Và hiện nay “cơn sốt đất” không chỉ “tràn lên” Tây Nguyên mà còn lan sang nước láng giềng Campuchia. Nhiều doanh nghiệp có tư cách pháp nhân ở Việt Nam đã sang ký kết hợp tác với một số doanh nghiệp các tỉnh Kampong Cham, Svay Rieng, Kracheh… để đầu tư trồng các loại cây công nghiệp. Cụ thể việc hai bên hợp tác sản xuất chủ yếu ở những khu vực gần biên giới của hai nước để trồng mì, mía. Theo ghi nhận của chúng tôi, hình thức hợp tác này thể hiện ở hai dạng. Một là doanh nghiệp Việt Nam thuê đứt đoạn (giá chỉ khoảng 5-7 triệu đồngg/ha/năm). Hai là đôi bên cùng bỏ vốn đầu tư ngay từ đầu, cuối vụ sau khi thu hoạch, trừ các khoản chi phí, sẽ chia lợi nhuận theo tỷ lệ phần trăm góp vốn… Điển hình như doanh nghiệp K.N, đã sang tận tỉnh Kracheh thuê cả ngàn ha đất trong vòng 70 năm để trồng cây cao su…
Tây Ninh từ xưa vốn là đất “thiên thời, địa lợi”, những cây thế mạnh thật sự đã đem lại mùa màng bội thu, giá cả nay đang ở mức lãi cao, thật là sự ưu đãi. Nếu như “bức tranh nông nghiệp” được mùa, được giá luôn được ổn định, bền vững thì nhà nông Tây Ninh không chỉ vượt khó, thoát nghèo, mà còn “đổi đời” bay cao bay xa hơn nữa…
LÊ MINH