Nguồn tin từ Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn (NN& PTNT) cho biết, để có cơ sở lập đề án nông thôn mới
giai đoạn 2010-2020, tỉnh đã tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng
nông thôn ở 82 xã nông thôn trên địa bàn tỉnh. Qua đó cho thấy vẫn còn nhiều xã
đạt thấp so với Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
Theo đánh giá của Sở NN& PTNT, sau
hơn 20 năm đổi mới, bộ mặt nông thôn Tây Ninh đã thay đổi khá toàn diện. Tính
đến nay, toàn tỉnh có 95% số ấp đã có điện lưới quốc gia và hơn 97% số hộ dân có
điện sử dụng. Hệ thống giao thông nông thôn được nâng cấp, mở rộng, trong đó
láng nhựa 925 km, cấp sỏi đỏ hơn 2.100 km. Hệ thống thuỷ lợi phục vụ tưới tiêu
cho hơn 70.000 ha, trong đó có hơn 130 km kênh mương cấp 2, 3 đã được kiên cố
hoá. Hệ thống y tế, giáo dục được phát triển đều khắp với 100% số xã có trường
tiểu học và trước trung học cơ sở, 85% số xã có bác sĩ. Mạng lưới bưu chính,
viễn thông phát triển rộng khắp các vùng nông thôn. Nhiều trạm cung cấp nước
sạch được xây dựng nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn có nước sạch sử dụng lên hơn 80%.
|
Đường nhựa đến trung tâm xã biên giới
Ninh Điền |
Tuy nhiên, qua kết quả khảo sát
cũng cho thấy so với bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới được Thủ tướng Chính
phủ ban hành thì ở Tây Ninh còn rất nhiều xã chưa đạt. Bộ tiêu chí quốc gia gồm
19 tiêu chí. Tiêu chí đầu tiên là nông thôn phát triển có quy hoạch và thực hiện
theo quy hoạch. Về giao thông thì đường liên xã được nhựa hoá, đường liên ấp
được cứng hoá 100%. Về thuỷ lợi thì có 85% số kênh mương được bê tông hoá. Về
điện thì tỷ lệ hộ có điện sử dụng đạt 99%. Về trường học các cấp- từ mầm non đến
trung học cơ sở có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia. Về cơ sở vật chất văn hoá
thì nhà văn hoá xã và khu thể thao phải đạt chuẩn quốc gia. Về chợ phải đạt diện
tích trên 2.000 m2. Về nhà
ở dân cư thì tỷ lệ hộ có nhà đạt chuẩn 90% và không có nhà dột nát. Về thu nhập
thì bình quân đầu người đạt gần 1,5 lần mức bình quân toàn tỉnh. Về tỷ lệ hộ
nghèo dưới 3%. Bên cạnh đó còn có các tiêu chí khác về: bưu điện; cơ cấu lao
động nông thôn; giáo dục; y tế; văn hoá; hệ thống tổ chức chính trị xã hội; an
ninh trật tự xã hội… phải đạt mức quy định.
Theo Sở NN&PTNT, so sánh thực
trạng các xã nông thôn Tây Ninh sau khi khảo sát với Bộ tiêu chí quốc gia cho
thấy toàn tỉnh chỉ có 5 xã nông thôn đạt trên 80% các tiêu chí về nông thôn mới
và 7 xã nông thôn đạt từ 60-80%. Còn lại 70 xã nông thôn chỉ đạt dưới 60% các
tiêu chí nông thôn mới. Nếu tính theo tỷ lệ thì Tây Ninh chỉ có 15% số xã nông
thôn đạt được trên 60% tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, còn
lại 85% số xã nông thôn thì chỉ đạt dưới 60%. Vì sao trong nhiều năm qua Đảng và
Nhà nước hết sức quan tâm tăng cường đầu tư phát triển nông thôn nhưng vẫn còn
nhiều xã chưa đạt cao các tiêu chí về nông thôn mới? Theo Sở NN&PTNT nguyên nhân
chủ yếu là do đời sống người dân nông thôn phát triển không vững chắc, phụ thuộc
nhiều vào thị trường tiêu thụ nông sản trong khi giá cả thường xuyên biến động.
Hơn nữa, trong những năm gần đây cây trồng, vật nuôi phát triển thiếu ổn định,
năng suất, chất lượng còn thấp. Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và
ngành nghề nông thôn thì phát triển chậm, chưa góp phần tích cực thúc đẩy chuyển
dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động ở nông thôn. Riêng lĩnh vực quản lý quy
hoạch còn hạn chế, vẫn còn tình trạng sử dụng đất đai sai mục đích.
Từ thực trạng nông thôn như vậy,
Sở NN&PTNT đề xuất đến năm 2015 Tây Ninh phấn đấu có 20% số xã đạt tiêu chuẩn
nông thôn mới (khoảng 19 xã) và đến năm 2020 phấn đấu đạt 50% số xã đạt tiêu
chuẩn nông thôn mới (khoảng 47 xã) theo Bộ tiêu chí quốc gia. Hiện nay, tỉnh
đang thành lập Ban chỉ đạo và triển khai công tác tập huấn, tuyên truyền. Dự
kiến mỗi huyện sẽ chọn từ 2 đến 3 xã để chỉ đạo điểm, từ đó rút kinh nghiệm để
triển khai xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh.
SƠN TRẦN