Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO)- Quần thể Khu di tích lịch sử núi Bà Đen (Tây Ninh) có bề rộng 24 km2, là ngọn núi cao nhất vùng Đông Nam bộ (986 mét), được tạo thành bởi 3 ngọn núi: Núi Heo, Núi Phụng và Núi Bà Đen.
Xen lẫn với khoảng 1.600 ha rừng đặc dụng trên các ngọn núi là các vườn cây ăn trái (xoài, chuối, mãng cầu…) của người dân địa phương, đặc biệt là lớp thảm thực vật (cỏ mỹ) rất tươi tốt trong mùa mưa và khô rạp vào mùa nắng nóng. Ngoài ra, khu vực núi Bà Đen còn có khu du lịch với hệ thống chùa chiền, hang động, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm đến đây tham quan, phúng viếng, đốt lửa trại vào ban đêm, nhất là vào những tháng mùa khô (tháng giêng âm lịch hàng năm). Tất cả những yếu tố trên đây có khả năng gây ra nguy cơ cháy lớn, tác động tiêu cực rất cao đến diện tích cây rừng thiên nhiên trong khu di tích lịch sử núi Bà Đen.
Trong mùa khô năm 2014, trên khu di tích lịch sử núi Bà Đen đã xảy ra 2 vụ cháy lớn, gây thiệt hại hơn 1 ha rừng, trong đó có 0,6 ha thiệt hại từ 80- 100% , do người dân dùng lửa bất cẩn gây cháy.
Để chủ động phòng chống cháy rừng trong mùa khô năm nay, với mục tiêu là bảo vệ an toàn tuyệt đối diện tích rừng thiên nhiên hiện có của khu di tích, ngay từ giữa tháng 1.2015 Ban Quản lý Khu rừng văn hóa Lịch sử Núi Bà phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị đang hoạt động, sản xuất kinh doanh trên địa bàn núi đã thống nhất phương án, kế hoạch phòng chống cháy trong suốt mùa khô này, trọng tâm là thời điểm trước, trong và sau lễ hội mùa xuân Núi Bà (từ tháng 2 đến tháng 4 dương lịch), thời gian có đông du khách đến tham quan, sinh hoạt lễ hội.
Tỉnh xác định có 2 khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy lớn là khu vực tiểu khu 65 và tiểu khu 66, khu vực xung quanh chùa Bà, trên đỉnh núi…từ đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy như: Ban Quản lý Khu rừng Lịch sử Văn hóa Núi Bà chủ trì, phối hợp với UBND hai xã Thạnh Tân (TP. Tây Ninh) và Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu) tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ sinh sống, sản xuất trong khu vực núi không sử dụng lửa và đốt lửa trong rừng vào thời gian cao điểm (thời gian khô hanh, nắng, gió); Công ty Cổ phần cáp treo Núi Bà và Ban Quản lý khu di tích có nhiệm vụ xử lý thực bì tại những khu vực trọng điểm như động Thanh Long, động Ma Ha, Chùa Hang… đồng thời thường xuyên tuyên truyền qua loa phát thanh về nguy cơ cháy rừng cho du khách tham quan trong suốt mùa lễ hội;
Đối với khu vực trạm phát sóng của Công an Tây Ninh, Đài Phát thanh – Truyền hình Tây Ninh (khu vực trên đỉnh núi), các đơn vị này có trách nhiệm xử lý thực bì xung quanh khu vực trạm, đường dây điện. Khi có cháy xảy ra ở khu vực đỉnh núi (do địa hình cao, thời gian tiếp cận đám cháy chậm), các đơn vị tại đây sẽ dùng lực lượng, thiết bị tại chỗ khống chế ngay, không để đám cháy lan rộng, đồng thời báo cho thường trực phòng cháy chữa cháy rừng của Ban Quản lý huy động lực lượng ứng cứu. Ngoài ra, các đơn vị khai thác đá, kinh doanh trong khu vực núi Bà cũng tự trang bị phòng cháy, chữa cháy để cùng phối hợp tác chiến, dập tắt lửa khi xảy ra cháy.
Lực lượng thường trực làm nòng cốt trong công tác phòng cháy, chữa cháy của khu di tích cũng được tổ chức chặt chẽ và túc trực 24/24 giờ tại các khu vực trọng điểm như: Khu vực trường bắn – Khu du lịch, khu Cáp treo núi Bà, Khu Núi Heo, Núi Phụng, Khu khai thác đá (thuộc tiểu khu 66); phía xã Phước Ninh (thuộc tiểu khu 65) được bố trí mỗi nơi 2 nhân viên bảo vệ và 2 nhân viên kỹ thuật, phối hợp với các lực lượng của khu du lịch, trạm phát sóng của Công an, Đài Phát thanh – Truyền hình và lực lượng các xã…được trang bị đầu đủ các phương tiện phòng cháy, chữa cháy như: Phuy chứa nước, máy xịt động cơ, rựa phát hoang…đáp ứng đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện dụng cụ tại chỗ và hậu cần tại chỗ) để phối hợp ứng phó kịp thời khi có xảy ra cháy lớn.
Lê Đức Hoảnh