Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Để chủ động phòng chống cháy rừng trong thời gian cao điểm mùa khô 2012, lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị chủ rừng không chủ quan trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân địa phương nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ rừng

(BTNO)- Trước tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, hơn 60.000 ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh đều có nguy cơ cháy cao ở cấp độ cực kỳ nguy hiểm, các dự án rừng phòng hộ Dầu Tiếng (huyện Tân Châu), Khu rừng Văn hóa Lịch sử Chàng Riệc và VQG Lò Gò – Xa Mát đang triển khai khẩn cấp công tác phòng chống cháy, bảo vệ rừng, quyết tâm không để xảy ra cháy lớn, cháy lây lan nhằm bảo vệ tốt diện tích rừng.
Trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, đơn vị Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho biết (BQL): đã xác định được trên 30 khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy lớn, các đồng cỏ, trảng tranh, đồng mía ven đường tại các xã Tân Hoà, Tân Thành và Suối Ngô để phân công các ca, kíp trực 24/24 giờ; đồng thời thường xuyên phân công cán bộ tuần tra, mời ra khỏi rừng những trường hợp người dân vào rừng rà sắt, đốt lửa bắt ong, đốt cỏ bắt rắn... là những tác nhân dễ gây ra cháy. Do được chuẩn bị tốt về phương tiện, trang thiết bị, công trình PCCCR phục vụ công tác chữa cháy như: máy cày, máy kéo chở nước, xe honda, bình phun nước có động cơ, bình bơm tay, bồn chứa nước, máy cắt cỏ, chòi canh lửa, băng cản lửa,…BQL Khu rừng Văn hóa Lịch sử Chàng Riệc còn chủ động hợp đồng tác chiến với lực lượng dân quân tự vệ và người dân địa phương thường xuyên tuần tra, canh gác và ứng cứu kịp thời về nhân lực, phương tiện khi có cháy lớn xảy ra.
![]() |
Bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta |
Bên cạnh việc chuẩn bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật và nhân lực cần thiết, thực hiện chế độ trực 24/24 giờ để sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có cháy, VQG Lò Gò Xa Mát còn chủ trương cho đóng cửa rừng vào thời điểm cao điểm của mùa khô, không cho người lạ vào rừng để hạn chế các tác nhân gây cháy. Ngoài ra, VQG còn huy động thêm tám máy kéo của các xã Tân Lập, Tân Bình, Hòa Hiệp để sẵn sàng tiếp ứng khi có xảy ra sự cố cháy rừng, cũng như tổ chức tuyên truyền trong dân về ý thức khi sử dụng lửa ven rừng, tác hại của cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng, tổ chức phát động phong trào quần chúng tham gia bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Thế nhưng, với tổng diện tích phải bảo vệ đến hơn 18.800 ha, VQG Lò Gò - Xa Mát rất cần được trang bị thêm các phương tiện, dụng cụ PCCR để kịp thời khống chế hiệu quả những đám cháy lớn nếu có xảy ra, bảo vệ an toàn cho VQG Lò Gò - Xa Mát, nơi có khu rừng nguyên sinh duy nhất còn lại trong tỉnh.
Theo ông Tạ Văn Đáo - Thường trực Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống cháy và chống phá rừng của tỉnh, do các chủ rừng làm tốt các bước chuẩn bị phòng chống cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) nên đầu mùa khô năm 2012 đến nay, toàn tỉnh chưa có trường hợp cháy rừng nào xảy ra, mặc dù thời tiết khắc nghiệt, có nguy cơ cháy rừng cao.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn cho biết, trong vài tuần tới, thời tiết cả nước vẫn tiếp tục hanh khô và có gió mạnh, rất dễ xảy ra cháy rừng, vì vậy, mọi người hãy cảnh giác và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy rừng.
|
Băng cản lửa được tạo ra nhằm phòng chống cháy rừng tại VQG Lò Gò - Xa Mát |
Để chủ động phòng chống cháy rừng trong thời gian cao điểm mùa khô 2012, lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị chủ rừng không chủ quan trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân địa phương nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ rừng, không mang lửa và vật dụng dễ cháy vào rừng; đồng thời tích cực tham gia cùng lực lượng bảo vệ rừng dập tắt lửa kịp thời khi có cháy lớn xảy ra tại khu rừng của địa phương. Các đơn vị chủ rừng dự trữ thêm nguồn nước, trang bị thêm các phương tiện kỹ thuật cho lực lượng dân quân tự vệ và người dân các xã có rừng để kịp thời ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra.
Trước đó, ngày 4.3, Cục Kiểm lâm, thuộc Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cảnh báo, trong cả nước đã có 9 tỉnh là An Giang, Bình Phước, Bình Thuận, Điện Biên, Đắc Lắc, Đồng Tháp, Kon Tum, Tây Ninh và Lai Châu đang có các khu vực bị báo động cháy rừng ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Trong đó, hai tỉnh Tây Ninh và Đồng Tháp bị "báo động đỏ" trong phạm vi toàn tỉnh.
Hữu Thiện