Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đến nay, Tây Ninh được quy hoạch 9 khu công nghiệp trong danh mục KCN Việt Nam đến 2015, tầm nhìn 2020 với tổng quy mô diện tích 4.485 ha (chưa bao gồm đất đô thị - dịch vụ). Ngoài ra, còn có hàng chục cụm công nghiệp quy mô từ 50- 70 ha đã được quy hoạch phát triển.
Sẽ chuyển dần và tăng mạnh sang công nghiệp chế biến |
Đến nay, Tây Ninh được quy hoạch 9 khu công nghiệp (KCN) trong danh mục KCN Việt Nam đến 2015, tầm nhìn 2020 với tổng quy mô diện tích 4.485 ha (chưa bao gồm đất đô thị - dịch vụ). Hiện đã có 5 KCN được thành lập gồm: KCN Trảng Bàng (190 ha), KCX&CN Linh Trung 3 (203 ha), KCN Bourbon- An Hoà (760 ha), KCN Phước Đông- Bời Lời (2.190 ha) và KCN Chà Là giai đoạn 1 (42 ha) với quy mô đất tự nhiên tại 5 KCN là 3.385 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê xây dựng nhà xưởng là 2.162 ha. Ngoài ra, Tây Ninh còn có hàng chục cụm công nghiệp (CCN) quy mô từ 50- 70 ha đã được quy hoạch phát triển, trong đó các CCN Tân Bình, Ninh Điền, Bến Kéo và Thanh Xuân có khả năng triển khai trong giai đoạn 2011-2015. Theo BQL các KCN Tây Ninh, trong 2 năm 2009- 2010, các KCN đã tạo ra quỹ đất sạch khoảng 2.000 ha sẵn sàng tiếp nhận các dự án. Đây là một trong những tiền đề ban đầu rất quan trọng để có thể “bứt phá” công nghiệp hoá của địa phương trong thời kỳ 2011-2015.
Theo BQL các KCN Tây Ninh, trong việc triển khai thực hiện thành công một KCN, vấn đề quyết định là có thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp vào xây dựng nhà xưởng, tổ chức sản xuất hay không? Đây mới là “thước đo” cho sự đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của KCN.
Do đó, bên cạnh mục tiêu nhanh chóng lấp đầy diện tích đất KCN, trong thời gian tới, các KCN sẽ được quan tâm phát triển về chiều sâu, chuyển mạnh từ công nghiệp gia công sang công nghiệp chế biến các nguyên liệu trong nước và công nghiệp chế tạo nhằm nâng cao giá trị gia tăng và tính cạnh tranh. Định hướng chung thu hút đầu tư trong thời gian sắp tới sẽ có sự chọn lọc vào các lĩnh vực quan trọng như công nghệ cao; công nghiệp phụ trợ; phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực; chế biến nông sản, phát triển các vùng khó khăn, nông nghiệp và nông thôn; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; các ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn; các ngành có ý nghĩa về an sinh xã hội (khám chữa bệnh, công nghiệp dược và vắcxin, sản phẩm tinh sau đường, sau bột mì).
Để thu hút đầu tư đúng định hướng, BQL các KCN cho rằng cần ưu tiên cân đối ngân sách và tranh thủ nguồn hỗ trợ của TW, vốn vay ưu đãi tập trung cải thiện nâng cấp hạ tầng giao thông của tỉnh, đặc biệt là các tuyến kết nối KCN, CCN với quốc lộ, tỉnh lộ. Hầu hết các doanh nghiệp tại KCN, CCN tập trung sản xuất hàng xuất khẩu nên nhu cầu luân chuyển hàng hoá ra vào rất nhiều, thời gian di chuyển chậm sẽ tốn phí thêm cho doanh nghiệp. Song song đó, tỉnh cần sớm quy hoạch phát triển hệ thống cảng sông, bến sông và ủng hộ các dự án đầu tư phát triển giao thông thuỷ sớm được triển khai, góp phần giảm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp.
Nguồn lao động cũng là một lợi thế của Tây Ninh với hơn nửa triệu người trong độ tuổi lao động, trong có 48% tham gia lao động nông nghiệp nên còn khả năng huy động sang công nghiệp và dịch vụ trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, hầu hết lao động của địa phương chưa qua đào tạo nên khó đáp ứng cho các dự án có hàm lượng công nghệ khá. Vì vậy, sắp tới tỉnh sẽ tăng cường hoạt động dịch vụ giới thiệu việc làm, thiết lập kênh thông tin lao động giữa các KCN với các địa phương, đồng thời quan tâm nâng cao đời sống công nhân làm việc tại các KCN, CCN, tạo ra lực hút kéo lao động về với các KCN, CCN trong tỉnh.
Nhiều dự án đầu tư hiện chỉ là công nghiệp gia công |
“Vấn đề đặt ra là cần sớm nghiên cứu xây dựng các chính sách để đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế xã hội địa phương theo hướng CNH, HĐH. Trong đó việc lấp đầy nhanh các KCN, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, xem nhà đầu tư và DN là “đối tượng phục vụ”, là “đối tác tin cậy”, tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất kinh doanh hiệu quả cũng là các giải pháp góp phần cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương”, một cán bộ quản lý các KCN Tây Ninh nói.
BẢO TÂM