Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc 2024:
Tây Ninh có 12 mô hình, sản phẩm tham gia
Thứ sáu: 06:44 ngày 30/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cuộc thi nhằm khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của thanh - thiếu niên, nhi đồng trong cả nước; đồng thời giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, xây dựng ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai.

Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 20 (năm 2024) do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức (Quỹ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam VIFOTEC là đơn vị thường trực).

 

Đại diện Ban Trường học Tỉnh đoàn giới thiệu mô hình/sản phẩm dự thi.

Các em từ 6-18 tuổi trong cả nước đều có quyền dự thi ở các lĩnh vực: Đồ dùng dành cho học tập; Phần mềm tin học; Sản phẩm thân thiện với môi trường; Các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; Các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Tại Tây Ninh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn tổ chức tuyên truyền, phát động, tiếp nhận hồ sơ dự thi và tuyển chọn mô hình/sản phẩm (MH/SP) tham dự cuộc thi toàn quốc. Kết quả, Hội đồng đã xét tuyển 12 MH/SP trên tổng số 21 MH/SP (được sơ tuyển từ gần 300 MH/SP của Tỉnh đoàn và Sở Giáo dục và Đào tạo).

Trong số 12 MH/SP dự thi có 5 MH/SP thuộc lĩnh vực Đồ dùng dành cho học tập; 2 MH/SP thuộc lĩnh vực Phần mềm tin học; 1 MH/SP thuộc lĩnh vực Sản phẩm thân thiện với môi trường; 2 MH/SP thuộc lĩnh vực Các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; 2 MH/SP thuộc Giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế.

Đáng chú ý là mô hình “Máy bắn cầu lông” (lĩnh vực Đồ dùng dành cho học tập) của Nguyễn Lê Ngọc Linh và Lâm Trường Thịnh (lớp 8D - Trường THCS Mạc Đĩnh Chi - Hoà Thành) đã được tạo thành sản phẩm và đưa vào thử nghiệm, hoạt động rất tốt, hỗ trợ nhu cầu tập luyện môn cầu lông, tiết kiệm thời gian và công sức, tăng lượng vận động, giúp nâng cao hiệu quả tập luyện bộ môn, giúp giáo viên và các bạn trợ giảng có nhiều thời gian để quan sát chỉnh sửa kịp thời cho các bạn tập sai và bao quát lớp học hiệu quả hơn.

MH/SP “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hoá Óc-eo tại Tây Ninh” (lĩnh vực Đồ dùng dành cho học tập) của em Tạ Bảo Kiệt (lớp 10A2 Trường THPT Hoàng Văn Thụ, Châu Thành) vừa là dự án học tập hoạt động giáo dục địa phương Tây Ninh của học sinh trong học tập, vừa là nội dung quảng bá hình ảnh nền văn hoá xưa tại Tây Ninh đến với mọi người.

Thiết kế của dự án chia sẻ trên các trang mạng xã hội (ứng dụng quét mã QR), từ đó dễ dàng truyền tải thông tin về di sản văn hoá Óc-eo Tây Ninh (tiêu biểu là tháp Chót Mạt và tháp Bình Thạnh) đến với mọi người.

Hội đồng sơ tuyển tỉnh Tây Ninh đang làm việc.

Lĩnh vực Phần mềm tin học ghi nhận 2 MH/SP là “Ứng dụng luyện từ vựng học tiếng Anh” (Nguyễn Phan Khang - lớp 5D Trường TH Kim Đồng, thành phố Tây Ninh) và phần mềm “Game to learn English” (Lê Minh Thư và Võ Phương Vy - lớp 9A5 Trường THCS Lý Tự Trọng - Hoà Thành) được xây dựng trên phần mềm lập trình kéo thả Scratch kết hợp với phần mềm Microsoft PowerPoint, dễ dàng sử dụng và triển khai đại trà, có thể thay thế cho cách học trên giấy truyền thống bằng cách học mà chơi cùng máy tính với những hình ảnh trực quan, sinh động, những trò chơi hấp dẫn, giúp các bạn học sinh tiếp thu nhanh kiến thức.

MH/SP “Nhang muỗi thiên nhiên từ cây tràm khuynh diệp, cây ngải cứu và bã cà phê” (lĩnh vực Sản phẩm thân thiện với môi trường) của Đinh Quốc Huy và Phạm Hoài Như (lớp 9.1 Trường THCS Trần Hưng Đạo, Gò Dầu) được phối hợp từ các nguyên liệu 100% thiên nhiên, không phụ gia hoá học, an toàn cho sức khoẻ và thân thiện với môi trường, qua thực nghiệm có hiệu suất xua đuổi muỗi khá cao. Ngoài các nguyên liệu chính có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, kháng nấm giúp xua đuổi côn trùng- nhất là muỗi, còn có cây bời lời đóng vai trò chất kết dính (chất keo) trong hỗn hợp. Bã cà phê là chất độn chứa một hàm lượng đáng kể cafein, khi đốt toả ra mùi nồng và làm cho các loại muỗi khó chịu, tránh xa.

Trong lĩnh vực “Các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em”, gây ấn tượng có MH/SP “Máy chống cận cho học sinh THCS” (Phan Hoài Phú và Nguyễn Hoàng Phương Anh- lớp 8A1 và 9A2 Trường THCS Thạnh Bình, huyện Tân Biên) là thiết bị có lắp 1 cảm biến hồng ngoại với cách thức hoạt động rất đơn giản: cảm biến gồm 2 phần chính là đầu phát và đầu thu hồng ngoại. Đầu phát sẽ phát ra một tia hồng ngoại ở một khoảng cách có thể điều chỉnh được phạm vi phát và góc chiếu để phù hợp với kết cấu bàn ghế và vóc dáng từng người. Khi học sinh ngồi quá cúi đầu xuống sách vở thì sẽ chắn tia hồng ngoại đang phát và tia đó sẽ phản xạ quay lại đầu thu, kích hoạt còi điện báo học sinh cần giữ đúng khoảng cách. Việc này lặp đi, lặp lại sẽ giúp học sinh hình thành thói quen học tập đúng và không bị cận thị. Thiết bị dùng nguồn điện 5V, cắm trực tiếp vào sạc điện thoại và có nguồn pin bên trong để tích điện nên dễ dàng mang đi học hoặc dùng khi mất điện.

Ở lĩnh vực này, còn có MH/SP “Phao cứu sinh điều khiển từ xa” (Trần Ngọc Quỳnh, Huỳnh Trung Hiếu - lớp 8 Trường THCS Nguyễn Công Trứ, huyện Tân Biên) có khả năng sử dụng để cứu hộ người bị nạn đang có nguy cơ bị đuối nước bám vào phao và di chuyển vào bờ an toàn mà người cứu hộ không cần phải bơi ra để ứng cứu. Trong những trường hợp mưa bão hay sóng nhiều, người cứu hộ không thể tiếp cận nạn nhân được thì phao cũng có khả năng di chuyển đến vị trí người bị nạn để ứng cứu và đưa vào bờ an toàn. Sản phẩm đã được sử dụng thực nghiệm và mang lại hiệu quả thiết thực.

MH/SP “Sử dụng hệ vi sinh từ dạ cỏ kết hợp giun đỏ xử lý rác thải hữu cơ hộ gia đình” và “Sản phẩm phân bón hữu cơ từ rác thải sinh hoạt và từ những nguyên liệu phổ biến trong tự nhiên” (Giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế) cũng có ứng dụng cao khi thực nghiệm trên rau củ và thu được kết quả phát triển tốt; được Trung tâm CASE kết luận trong phiếu xét nghiệm là có thể được sử dụng trong trồng trọt.

Có thể nói, các MH/SP tham dự Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc 2024 đều mang tính sáng tạo và khả năng ứng dụng cao trong cuộc sống cũng như môi trường học tập của các em. Các MH/SP ngoài bản thuyết minh, mô tả còn có video clip minh hoạ quá trình thực hiện, hiệu quả của MH/SP cũng như thiết kế mô hình cụ thể (thu nhỏ) của sản phẩm đính kèm bài dự thi.

Tuy không tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng vòng tỉnh, nhưng hầu hết các MH/SP đều đã đạt giải tại “Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học tỉnh Tây Ninh” của Sở Giáo dục và Đào tạo và “Cuộc thi Sáng tạo trẻ” của Tỉnh đoàn.

Hải Âu

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục