Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tây Ninh có nhiều nỗ lực trong phòng, chống HIV/AIDS
Thứ năm: 23:31 ngày 09/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tây Ninh đã đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, kiểm soát tốt lây nhiễm HIV trong cộng đồng, đặc biệt trong nhóm MSM. Tây Ninh cũng đang hướng về mục tiêu 95-95-95 và kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030

Bà Nguyễn Thị Vân Anh- Cố vấn kỹ thuật cải thiện chất lượng Dự án EpiC phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị sơ kết hoạt động phòng, chống HIV/AIDS năm tài chính 2022-2023 và định hướng công tác phòng, chống HIV/AIDS năm tài chính 2023-2024 tại tỉnh Tây Ninh, Dự án EpiC đưa ra các mục tiêu hoạt động gồm: Tập trung lấp đầy các khoảng trống (lỗ hổng) trong hoạt động dự phòng, tìm ca và điều trị HIV, đồng thời tạo nên sự bền vững lâu dài nhằm đạt được và duy trì việc kiểm soát dịch.

Hướng tới 4 mục tiêu đạt và duy trì

Theo bác sĩ Đỗ Hồng Sơn- Phó Giám đốc Sở Y tế, hoàn thành mục tiêu và duy trì kiểm soát dịch HIV/AIDS (EpiC) là dự án toàn cầu nhằm duy trì và kiểm soát dịch HIV/AIDS, được tài trợ bởi Kế hoạch Cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

FHI 360 là tổ chức giữ vai trò nòng cốt trong việc triển khai dự án. EpiC được thiết kế nhằm giải quyết các rào cản tồn tại lâu nay, hoàn thành mục tiêu 95-95-95 trong các nhóm nguy cơ cao và nhóm ưu tiên, thúc đẩy việc tự lực quản lý các chương trình phòng, chống HIV quốc gia.

Bác sĩ Đỗ Hồng Sơn- Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, sự hỗ trợ của Dự án EpiC tại Tây Ninh giúp đạt được mục tiêu chiến lược quốc gia, kết thúc dịch bệnh AIDS thời gian tới.

Dự án EpiC đặt ra 4 mục tiêu đạt được gồm: duy trì kiểm soát dịch HIV trong nhóm nam giới, phụ nữ có nguy cơ cao và các nhóm ưu tiên; duy trì kiểm soát dịch HIV trong các nhóm nguy cơ cao; cải thiện việc quản lý chương trình (bao gồm cả hệ thống thông tin y tế, nguồn nhân lực cho y tế và hệ thống tài chính nhằm bảo đảm đạt được và duy trì kiểm soát dịch; hỗ trợ chuyển đổi từ tài trợ chính và triển khai sang các đối tác địa phương có năng lực, hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 chuyển giao 70% nguồn kinh phí cho các đối tác địa phương, tiến tới chấm dứt đại dịch AIDS).

Bác sĩ Sơn cho biết thêm, từ 2018, Dự án EpiC đã ký hợp đồng với Sở Y tế Tây Ninh để hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ kỹ thuật trong việc tiếp cận, dự phòng, xét nghiệm, điều trị và quản lý HIV; hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tây Ninh do Sở Y tế quản lý, để thiết kế, triển khai các giải pháp kỹ thuật và hành chính thiết thực cải thiện hiệu suất công việc tại các cơ sở dịch vụ, đẩy mạnh các dịch vụ thân thiện với khách hàng nhóm nguy cơ cao; cũng như theo dõi, xác minh và sử dụng dữ liệu thúc đẩy cải thiện chương trình.

Dịch HIV tại Việt Nam vẫn tập trung chủ yếu trong các nhóm có nguy cơ cao, bao gồm nhóm MSM (Men Sex Men), người tiêm chích ma tuý, phụ nữ bán dâm và người chuyển giới, do đó, hỗ trợ bền vững cho các dịch vụ HIV phù hợp là việc làm thiết yếu nhằm kiểm soát dịch.

Các lỗ hổng trong tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm, điều trị và dự phòng HIV trong các nhóm nguy cơ cao và nhóm ưu tiên chính là những hạn chế đối với tác động của việc đầu tư sâu rộng hơn cho phòng, chống HIV cấp quốc gia.

Điều này cho thấy, cần có các biện pháp tiếp cận toàn diện hơn, phù hợp với sở thích và nhu cầu của các nhóm nguy cơ cao, nếu không, có thể họ sẽ bị bỏ lại phía sau.

Hoàn thành mục tiêu 95-95-95 trong các nhóm nguy cơ cao và nhóm ưu tiên

Báo cáo của CDC Tây Ninh, lây nhiễm HIV trong những năm gần đây chủ yếu qua đường tình dục và trong nhóm MSM. Tuy nhiên, nhờ được ưu tiên triển khai Dự án EpiC từ năm 2018, tỉnh Tây Ninh đã đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, kiểm soát tốt lây nhiễm HIV trong cộng đồng, đặc biệt trong nhóm MSM.

Tây Ninh cũng đang hướng về mục tiêu 95-95-95 và kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh tập trung vào những giải pháp chính như: phát hiện người nhiễm HIV mới và điều trị sớm để giúp họ đạt tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện, ngăn ngừa lây nhiễm HIV ra cộng đồng; mở rộng hệ thống điều trị ARV, giảm kỳ thị trong cộng đồng với người nhiễm HIV nói chung và nhóm MSM nói riêng…

Nhân viên tiếp cận cộng đồng Tây Ninh Pride tư vấn cho người có nguy cơ nhiễm HIV.

Định hướng hoạt động USAID EpiC năm tài chính 2023-2024, bà Nguyễn Thị Vân Anh- Cố vấn kỹ thuật cải thiện chất lượng Dự án EpiC đưa ra một số hoạt động chính và chỉ tiêu từ ngày 1.10.2023 đến 30.9.2024 cùng chính sách bảo đảm an toàn của FHI 360.

Trong đó, tăng cường tìm ca (ARV/PrEP) từ tiếp cận trực tuyến (Facebook, Zalo, các app hẹn hò...) đến trực tiếp và tiếp cận qua mạng lưới xã hội của NCH (người có H) và mạng lưới khách hàng đích.

Tiếp tục triển khai mô hình phát triển mạng lưới dựa vào khách hàng nguồn (EPOA). Tiếp cận các cá nhân nhóm đích/nhóm ưu tiên qua các hình thức khác nhau để tư vấn, sàng lọc HIV và kết nối các khách hàng có phản ứng (dương tính) vào dịch vụ xét nghiệm khẳng định và điều trị ARV.

Hỗ trợ các khách hàng mới điều trị ARV và duy trì điều trị trong ít nhất 3 tháng, đồng thời sàng lọc HIV, kết nối khách hàng có nguy cơ HIV và đang âm tính với HIV vào điều trị PrEP. Hỗ trợ các khách hàng PrEP mới duy trì điều trị 3 tháng, hỗ trợ người có nhu cầu sử dụng PrEP ngoài giờ.

Tiếp tục cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tại các cơ sở cố định, xét nghiệm khẳng định, xét nghiệm mới và phối hợp chặt chẽ với cơ sở điều trị để hỗ trợ khách hàng duy trì điều trị...

Theo bác sĩ Đỗ Hồng Sơn, sự hỗ trợ của Dự án EpiC đã giúp tỉnh xây dựng kế hoạch, phân tích các vấn đề ưu tiên, đặt mục tiêu cụ thể để đạt được mục tiêu chiến lược quốc gia, kết thúc dịch bệnh AIDS.

Ông nhấn mạnh, thông qua bản hợp đồng với tỉnh Tây Ninh, EpiC bảo đảm hỗ trợ bền vững cho các hoạt động can thiệp quan trọng trong chuỗi dịch vụ HIV, với sự hợp tác của các cơ quan chính phủ.

Đồng thời, Dự án cũng sẽ cung cấp các cơ hội cải thiện khả năng tiếp cận, chất lượng, và đổi mới chương trình dựa trên các cách thức tốt nhất tại địa phương cũng như trên quốc tế.

Việc sử dụng dữ liệu để đưa ra quyết định cũng như rà soát ý kiến phản hồi của các bên thụ hưởng cũng sẽ trở thành trọng tâm trong việc triển khai tất cả các dịch vụ và hoạt động theo bốn mục tiêu của EpiC.

Các nhóm kỹ thuật và đối tác của Dự án EpiC sẽ hợp tác để bảo đảm dữ liệu chất lượng, sẵn có, được tóm tắt và thường xuyên sử dụng cung cấp thông tin và cải thiện hoạt động chương trình. Các hoạt động chương trình có liên quan đến tiếp cận cộng đồng sẽ do tỉnh giám sát và do các doanh nghiệp xã hội, tổ chức cộng đồng quản lý, trực tiếp hỗ trợ, cũng như được EpiC hỗ trợ tài chính thông qua các hợp đồng riêng biệt.

Tây Ninh mong muốn EpiC tiếp tục hỗ trợ cho các đơn vị có hoạt động điều trị và mở rộng đối tượng hưởng lợi nhằm tăng hiệu quả hoạt động điều trị HIV và giảm thiểu số người nhiễm HIV trên địa bàn.

Tâm Giang

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục