Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thật ra chẳng riêng Tây Ninh, mà bến Đình luôn là một địa danh quen thuộc với các tỉnh thành Nam bộ.
Nhưng ở Tây Ninh, đây là những bến sông trên miền “thượng” của sông Vàm Cỏ Đông. Sông còn chưa có “bát ngát chân trời miền Hạ” như ở đoạn chảy qua Bến Lức (Long An). Vậy chắc phải có những nét duyên riêng cho người ta nhớ, hoặc yêu. Chẳng thế mà Hoàng Việt đã viết được “Lên ngàn” ngay sau mùa lũ lịch sử Nhâm Thìn 1952. Hoặc Hoài Vũ sau này đã viết trong thơ với những lời da diết: “Anh gọi mãi với lòng tha thiết/ Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông”.
Bến đình Trường Đông.
Bến Đình, là bến có đình. Vậy thôi! Nhiều ngôi đình Tây Ninh cứ ở cặp bờ sông, mặt hướng ra sông. Có ngôi vẫn có bến Đình nhưng lại có cách xa sông đến gần cây số. Đấy là đình Long Thành và đình Thạnh Đức. Lại có nơi chẳng có ngôi đình nào nhưng vẫn gọi Bến Đình. Như là Bến Đình giữa xã Cẩm Giang (Gò Dầu) và Tiên Thuận (Bến Cầu). Nhưng vẫn có lý do để gọi. Đấy là nơi cư dân sông nước cập bờ, để lên cúng đình.
Tôi dám chắc, rằng ai từng đến các bến Đình Tây Ninh, thì đều neo giữ trong lòng một niềm thương nhớ. Cả khi vào hội cúng kỳ yên hoặc những ngày thường. Ai thương nhớ ngày xưa với “sân đình bến nước cây đa” thì đến đình Trường Tây thuộc huyện Hòa Thành. Cây đa cổ thụ râu rễ lòng thòng ấy đã rủ thêm một bộ râu dài xuống làm thân bên kia bức tường của xí nghiệp gạch.
Rước tro trên bến đình Long Thành.
Đấy cũng là sân chơi cho trẻ em xóm nghèo ở ấp Trường Huệ vào mỗi mùa hè. Còn vào độ cúng đình tháng Hai thì 2 cây đại (sứ) già luôn cháy đỏ hai vồng hoa rực rỡ. Bến này đến nay vẫn luôn đông vui. Người ta khi thì kéo thuyền lên sơn lại, hoặc túm tụm nhau từng đám chuyện trò chờ ghe đón sang sông mỗi vụ cấy hay là vụ gặt. Tiếng máy ghe, hay máy gặt đập hòa vào tiếng cười nói làm rộn vang khắp mặt sông dài.
Không vui bằng vào những ngày thường, nhưng lại đông vui nhất vùng vào lễ kỳ yên 16.1 âm lịch hàng năm là đình Trường Đông, cách đình Trường Tây chỉ khoảng 1 km, về phía thượng lưu sông.
Bến đình Trường Tây.
Xin kể thêm rằng cả hai đình này đều thuộc thôn Trường Hòa, tổng Triêm Hóa, huyện Quang Hóa ngay từ đầu thời Tây Ninh lập phủ (1836). Đông vui nhất, vì nơi đây có tiết mục thả thuyền “tống ôn” thịnh soạn và long trọng nhất vào trưa ngày 16. Lân sư, nhạc lễ còn theo ghe chở thuyền ra đến giữa sông, trước mắt cả ngàn người chứng kiến.
Thuyền có trôi chảy (thuận buồm xuôi gió) ra đi, thì người ở lại mới yên lòng. Một tập tục tốt đẹp nữa được lưu giữ đến nay là tan lễ thì đem các mâm xuôi cúng, hoa quả chia cho trẻ em. Coi như thừa lộc của thánh thần cho thế hệ tương lai đất nước.
Bình phong đá Bến Đình Thạnh Đức.
Đình Long Thành- di tích cấp quốc gia thì đến 17.3 âm lịch mới làm lễ kỳ yên. Cũng là một trong vài lễ hội đông vui nhất xứ. Trước lễ có nghi thức rước tro từ mộ Thành hoàng. Kiệu thờ, nghi trượng rình rang, lân múa tưng bừng, nhạc lễ ngân nga làm thức dậy cả hồn làng xưa cũ. Đình ở gần sát cảng xưa Bến Kéo, nhưng cũng có một bến Đình riêng. Bến nay có một xóm chài vài chục nóc nhà cặp kề bên mép nước. Vào các mùa lũ lớn, cả xóm cứ sôi lên sùng sục. Lớp chống ngập, lớp lưới chài, đếm đong bán cá. Làm cả một vùng vịnh sông náo nức tưng bừng.
Bến đình Long Thành mùa lũ.
Bến đình Cẩm Giang mùa lũ 2016.
Vậy mà ba cái bến Đình kể trên đều đang chịu chung “kiếp nạn” lục bình. Gặp lúc triều cường, lục bình ùn ứ dày đặc mặt sông, những chiếc xuồng con nhọc nhằn chèo chống. Việc làm ăn, qua lại giữa đôi bờ trở nên quá sức nhọc nhằn.
Cầu Bến Đình hôm nay.
Nhưng vẫn còn một bến Đình đã thoát nạn. Là bến Đình Cẩm Giang- Tiên Thuận. Từ ngày 30.8.2016, đã có một cây cầu bê tông lừng lững cho người xe hối hả qua sông. Xây xong cầu thì lũ lớn, con đường chưa được trải nhựa đã chìm nghỉm giữa mênh mông nước lũ. Thế là các bác nông dân hai xã lập tức đem máy cày, rơ-móc ra chở khách vượt qua. Cái tình người trong lũ ấy khiến người ta nhớ lắm!
Vậy mà bây giờ, đường bê tông nhựa láng o. Cảnh sắc đôi bờ lại tươi tốt quá. Quang cảnh ấy dễ làm người ta say lòng mà quên phứt chuyện ngày xưa. Quên gì thì quên, nhưng khi lắng lại thì hình ảnh những bến đình Tây Ninh trong trí nhớ lại ngập tràn.
N.Q.V