BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh có thêm 3 Nghệ sĩ ưu tú

Cập nhật ngày: 20/05/2012 - 01:03

Mới đây, Bộ VH-TT&DL công bố các quyết định về việc tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”. Trong đợt này, Tây Ninh có 3 người đạt danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, đó là nghệ sĩ Thanh Thanh Mai – Phó trưởng Đoàn Nghệ thuật cải lương, nhà văn-nhà báo- đạo diễn truyền hình Nguyễn Đức Thiện, nhà quay phim truyền hình Nguyễn Thanh Nhàn.

NSƯT Thanh Thanh Mai

Nghệ sĩ Thanh Thanh Mai – Phó trưởng Đoàn nghệ thuật cải lương Tây Ninh tên thật là Diệp Thị Ngọc Mai, sinh năm 1963 tại Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh. Vốn là xướng ngôn viên của Đài Truyền thanh Đức Huệ, tỉnh Long An, nhưng vì đam mê cải lương, chị đã vượt qua bao nhiêu khó khăn, trở ngại để đến với “bến đỗ” của mình- Đoàn Cải lương Tây Ninh 2 vào năm 1980 (khi đó soạn giả Thanh Hiền làm trưởng đoàn). Đến năm 1982, chị về Đoàn Cải lương Tây Ninh 1, giờ là Đoàn Nghệ thuật cải lương Tây Ninh. Hơn 30 năm qua, nghệ sĩ Thanh Thanh Mai  đã giành được không ít giải thưởng cấp khu vực và toàn quốc, đơn cử như: huy chương bạc Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp năm 1985 tại Quy Nhơn trong vai bé Hân- vở “Người trong cõi nhớ”; huy chương vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp năm 1990 tại TP.Hồ Chí Minh trong vai Huệ- vở “Ánh sáng phù du”; huy chương bạc Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp khu vực Đông Nam bộ năm 2002 trong vai Vân- vở “Nỗi đau không tên”; huy chương vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp năm 2009 trong vai người mẹ- vở “Khu vườn của thượng đế”…

“Việc được trao danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú là niềm vinh dự rất lớn đối với tôi sau bao nhiêu năm nỗ lực phấn đấu. Tôi sẽ cố gắng đóng góp những kinh nghiệm của mình, giúp các em trẻ, đi sau, nối tiếp và phát huy truyền thống gần 50 năm qua của Đoàn Nghệ thuật cải lương Tây Ninh” – Nghệ sĩ Thanh Thanh Mai tâm sự.

NSƯT Nguyễn Đức Thiện

Cùng được trao danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú đợt này, nhà văn- nhà báo- đạo diễn truyền hình Nguyễn Đức Thiện kể chuyện mình: “Những năm 1983,1984, khi còn ở Thái Nguyên, tôi đã viết kịch bản phim tài liệu cho Xưởng Phim tài liệu khoa học Trung ương. Ông Quang Thịnh- Giám đốc Xưởng Phim lúc đó đã lên Thái Nguyên hướng dẫn tôi viết kịch bản, rồi cho tôi theo đạo diễn Xuân Lịch và Võ Huế làm phim. Những phim nhựa như Sức lửa hai mươi năm, Hai mươi năm dòng điện Thái Nguyên là những tác phẩm điện ảnh đầu tay của tôi. Năm 1986, đến Tây Ninh, tôi bắt đầu làm phim tài liệu, phóng sự. Lặn lội trong rừng sâu với những người thợ sơn tràng ở biên giới Tân Biên; thức đêm trong dòng người buôn lậu ở Mộc Bài; đội nắng với người trồng mía, trồng mì ở Tân Châu; tắm mưa với công nhân ngành điện suốt dọc tuyến đường điện ở Dương Minh Châu, Trảng Bàng, Gò Dầu, để làm kịch bản văn học cho những phim tài liệu, phim phóng sự. Có nhiều phim đã thành công. Các phim: Tình mẹ bao la, Theo dấu chân xưa, Bám chốt, Mầm độc, Rồi cái nghèo sẽ vào cổ tích, Quê tôi là Hoà Thạnh, Tà Bình, Tiếng đàn, Còn đâu rừng Tây Ninh xưa, Điểm nóng chống buôn lậu ở Tây Ninh, 16 năm dòng điện Tây Ninh, Kể vui về điện ở Tây Ninh… đã được trao huy chương vàng, huy chương bạc trong các kỳ liên hoan truyền hình toàn quốc, Liên hoan truyền hình quân đội và công an nhân dân. Và hôm nay, tôi nhận được danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú ở cương vị là một đạo diễn truyền hình, đó là một vinh dự thật lớn lao đối với tôi”.

NSƯT, nhà quay phim Nguyễn Thanh Nhàn

Khi chưa nghỉ hưu, cái tên Nguyễn Đức Thiện gần như “dính chặt” với cái tên Nguyễn Thanh Nhàn– một trong những tay quay phim kỳ cựu nhất của Đài Phát thanh – Truyền hình Tây Ninh. Ông cũng là người đã từng trải qua một thời máu lửa trong kháng chiến chống Mỹ. Tham gia cách mạng từ năm 1968, đến tháng 11.1972, Nguyễn Thanh Nhàn được cử đi học lớp trung cấp quay phim do Cục Điện ảnh giải phóng đào tạo. Tháng 4.1974, tốt nghiệp, ngay lập tức ông trở lại chiến trường. Rất nhiều thước phim tài liệu chiến tranh của ông hiện còn được lưu giữ tại Viện Tư liệu phim. Và một điều cũng cần phải nhắc lại rằng, trong số những tấm ảnh về chiến thắng giải phóng núi Bà Đen của Liên đội 7 anh hùng hiện còn lưu giữ tại Bảo tàng Tây Ninh, có khá nhiều tấm do chính ông Nhàn chụp.

Sau ngày giải phóng, gắn bó với Đài PT- TH Tây Ninh, nhà quay phim Nguyễn Thanh Nhàn đã đoạt nhiều huy chương vàng, bạc trong các kỳ liên hoan truyền hình toàn quốc, liên hoan truyền hình của quân đội, công an. Một số phim tài liệu, phóng sự truyền hình của ông đoạt giải vàng như Theo dấu chân xưa, Mầm độc, Tình mẹ bao la, Tiếng đàn, Nghị lực của bác Thuyên…

Như vậy, nếu không tính những tài danh gốc Tây Ninh đã được Nhà nước vinh danh, hiện Tây Ninh có 4 Nghệ sĩ ưu tú (tính cả nghệ sĩ Kim Thoại đã được phong tặng năm 2007)- có thể nói là còn ít so với nhiều tỉnh, thành bạn.

ĐẶNG HOÀNG THÁI