Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), sau khi sáp nhập, tổ chức lại, toàn tỉnh có 415 đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập gồm: 106 cơ sở mầm non, 174 cơ sở tiểu học, 101 THCS, 26 THPT, 7 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và 1 Trường Cao đẳng sư phạm.


Trong đó, bậc học mầm non có 131 trường (công lập 106 trường, tư thục 25 trường) với 96 điểm lẻ của trường, giảm 3 trường (2 công lập và 1 tư thục) so với cùng kỳ.
Toàn tỉnh có 126 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập (gọi chung là cơ sở giáo dục mầm non độc lập) - tăng 17 cơ sở giáo dục mầm non độc lập so với cùng kỳ.
Bậc học phổ thông có 303 cơ sở, trong đó có 174 trường tiểu học, giảm 3 trường so với đầu năm học do sắp xếp lại quy mô trường lớp. Cấp THCS có 101 trường, THPT có 28 (bao gồm 1 trường chuyên, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú và 2 trường tư thục).
Hệ giáo dục thường xuyên có 7 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên 9 điểm trung tâm, sau khi hợp nhất một số trung tâm.
Tại thời điểm năm 2021 (tròn 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Trung ương), số lượng đơn vị sự nghiệp công lập cũng đã giảm mạnh do hợp nhất, sáp nhập. Cụ thể, lĩnh vực giáo dục và đào tạo giảm 81/521 đơn vị trường học (tỷ lệ giảm 15,54%).
Số lượng trường THPT giảm 5/31 trường, trường THCS giảm 4/105 trường, trường tiểu học giảm 60/261 trường và trường mầm non, mẫu giáo giảm 12/123 trường.
Sau khi sắp xếp, tổ chức lại các trường mầm non, tiểu học, phổ thông, trên địa bàn tỉnh hình thành 4 trường phổ thông nhiều cấp học: Trường TH&THCS Long Phước, Trường TH&THCS xã Phan, Trường TH&THCS Bến Củi, Trường TH&THCS Trưng Vương. Như vậy, tính đến cuối năm 2021, tổng số trường học mầm non và phổ thông trên địa bàn tỉnh còn 440 trường.
Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giảm 1 trong tổng số 17 trung tâm và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể, hợp nhất Trường trung cấp nghề khu vực Nam Tây Ninh và Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh thành Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh; quyết định thành lập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở tổ chức lại 9 trung tâm giáo dục thường xuyên huyện, thị xã, thành phố thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, giao về UBND cấp huyện quản lý.
Tiếp theo, từ năm 2021 đến cuối năm 2024, từ 440 trường mầm non và phổ thông, đến nay chỉ còn 415 trường.
“Việc tinh gọn bộ máy đã tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn lực chi cho đầu tư phát triển. Công tác tinh giản tổ chức, bộ máy, biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thí điểm thực hiện hợp nhất đơn vị được triển khai khá hiệu quả...
Từ đó, khắc phục được một số hạn chế, tồn tại, giảm đầu mối, biên chế, góp phần xây dựng tổ chức, bộ máy từng bước hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Ngành Giáo dục từng bước đẩy mạnh giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập đã tạo chuyển biến mới trong tư duy, nhận thức của các đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Các đơn vị đã chủ động, chú trọng khai thác sử dụng hiệu quả tài sản, nguồn lực để triển khai, mở rộng hoạt động dịch vụ, phục vụ Nhân dân tốt hơn, tăng nguồn thu, nâng cao thu nhập, giảm chi thường xuyên cho ngân sách...
Sau sắp xếp, hoạt động các cơ quan, đơn vị đi vào nền nếp, không có nhiều xáo trộn; tâm tư của cán bộ, đảng viên ổn định, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao”- lãnh đạo Sở GD&ĐT đánh giá.
Việt Đông