BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh đã có bán xăng sinh học E5

Cập nhật ngày: 24/03/2013 - 10:51

Tây Ninh đã có một số cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) kinh doanh xăng này với giá tương đương xăng A92.

Một cửa hàng có bán xăng E5

 (BTN) - Ngày 22.11.2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg về lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống. Theo Quyết định này, từ ngày 1.12.2014, xăng E5 sẽ bắt buộc sử dụng ở 7 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu. Và kể từ ngày 1.12.2015, xăng E5 được sử dụng trên cả nước. Dù còn gần 3 năm nữa mới đến thời điểm toàn quốc sẽ sử dụng xăng E5, nhưng ở Tây Ninh đã có một số cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) kinh doanh xăng này với giá tương đương xăng A92.

Tiêu thỤ chẬm

Theo thông báo của PV OIL, hiện cả nước có trên 140 cửa hàng có bán xăng sinh học E5. Trong đó, Tây Ninh có 7 cửa hàng kinh doanh xăng này, từ cửa hàng số 1 đến cửa hàng số 7 thuộc hệ thống PV OIL Tây Ninh (tại các huyện Hoà Thành, Gò Dầu, Bến Cầu, Tân Châu, Thị xã, Trảng Bàng). Các cửa hàng này bắt đầu nhập xăng E5 về bán từ giữa năm 2011. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên tại một số cửa hàng có kinh doanh xăng E5 thì được cho biết, lượng tiêu thụ xăng E5 rất thấp. “Mỗi tháng, bình quân cửa hàng này chỉ bán ra được khoảng trên dưới trăm lít E5 là cùng”, nhân viên ở một cửa hàng xăng dầu cho biết.

Mặc dù, hiện giá xăng E5 rẻ hơn xăng A92 khoảng 50 đồng/lít, tuy nhiên, chưa có mấy khách hàng biết đến loại xăng này nên không sử dụng. “Tôi chưa từng nghe nói đến xăng E5 nên không biết. Nhưng trước giờ xài xăng thông thường như A92, A95 quen rồi nên cứ xài thôi, đổi tới đổi lui chi mất công?”, một khách hàng mua xăng nói với phóng viên.

Bên cạnh việc kinh doanh “thầm lặng”, còn một nguyên nhân khác khiến lượng tiêu thụ xăng E5 tiêu thụ chậm dù xuất hiện ở Tây Ninh đã gần 2 năm nay là do nhiều người có tâm lý “sợ xăng lạ”. Nhiều người cho biết xăng “truyền thống” đã được sử dụng phổ biến khắp thế giới từ rất lâu đến giờ và hiện vẫn đang được sử dụng. Còn “xăng sinh học gì đó” thì mới chỉ nghe nhắc đến loáng thoáng gần đây, chưa được công bố cũng như kinh doanh rộng rãi nên khó mà biết chất lượng, độ an toàn của loại xăng mới. “Thường thì chỉ những người đã sử dụng xăng E5 rồi, họ thấy “được” mới tiếp tục sử dụng. Cho nên, hầu hết khách hàng sử dụng E5 là khách quen”, nhân viên bán xăng E5 cho biết thêm.

Việc xăng E5 “ế”, người tiêu dùng chưa biết đến hoặc biết nhưng không hiểu nhiều về xăng này cho thấy công tác truyền thông của hệ thống kinh doanh mặt hàng này còn hạn chế.

Xăng sinh hỌC sẠCh hơn...

Theo tài liệu của Tổng công ty Dầu Việt Nam, kết quả nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế cho thấy, năng lượng dầu mỏ và khí đốt hiện chiếm khoảng 60-80% năng lượng thế giới. Với tốc độ tiêu thụ như hiện nay và trữ lượng dầu mỏ hiện có, nguồn năng lượng này sẽ bị cạn kiệt trong vòng 40 - 50 năm tới. Để đối phó tình hình đó, cần tìm ra các nguồn năng lượng thay thế, ưu tiên hàng đầu cho các nguồn năng lượng tái tạo và thân thiện với môi trường. Trong số các nguồn năng lượng thay thế dầu mỏ đang sử dụng hiện nay (năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng hạt nhân…), năng lượng sinh học đang là xu thế phát triển tất yếu, nhất là ở các nước nông nghiệp và nhập khẩu nhiên liệu. Nguồn năng lượng này có nhiều lợi ích như: công nghệ sản xuất không quá phức tạp, tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp, không cần thay đổi cấu trúc động cơ cũng như cơ sở hạ tầng hiện có và giá thành cạnh tranh so với xăng dầu.

Nhiên liệu sinh học (NLSH) là nhiên liệu có nguồn gốc từ các vật liệu như củi, gỗ, rơm, trấu, phân và mỡ động vật... nhưng đây chỉ là những dạng nhiên liệu thô. NLSH dùng cho giao thông vận tải chủ yếu gồm: các loại cồn sản xuất bằng công nghệ sinh học để sản xuất ra Gasohol (Methanol, Ethanol, Buthanol, nhiên liệu tổng hợp Fischer Tropsch); các loại dầu sinh học để sản xuất diesel sinh học (dầu thực vật, dầu thực vật phế thải, mỡ động vật). Hay nói cách khác, NLSH là loại nhiên liệu được hình thành từ các hợp chất có nguồn gốc động, thực vật (sinh học). Ví dụ như nhiên liệu chế xuất từ chất béo của động, thực vật (mỡ động vật, dầu dừa...), ngũ cốc (lúa mì, ngô, đậu tương...), chất thải trong nông nghiệp (rơm rạ, phân...), sản phẩm thải trong công nghiệp (mùn cưa, sản phẩm gỗ thải...). Loại nhiên liệu này có nhiều ưu điểm nổi bật so với các loại nhiên liệu thông thường (dầu khí, than đá...) như: thân thiện với môi trường, sinh ra ít hàm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính (một hiệu ứng vật lý khiến trái đất nóng lên) và ít gây ô nhiễm môi trường hơn các loại nhiên liệu thông thường. Đây còn là nguồn nhiên liệu tái sinh, giúp giảm sự lệ thuộc vào nguồn tài nguyên nhiên liệu không tái sinh.

Tuy nhiên, hiện nay vấn đề sử dụng NLSH vào đời sống còn nhiều hạn chế do chưa hạ được giá thành sản xuất xuống thấp hơn so với nhiên liệu thông thường. Trong số các dạng NLSH này, Bio-ethanol là loại nhiên liệu thông dụng nhất hiện nay trên thế giới vì có khả năng sản xuất ở quy mô công nghiệp từ nguyên liệu chứa đường như mía, củ cải đường và nguyên liệu chứa tinh bột như ngũ cốc, khoai tây, sắn…

… ... và tỐt hơn

Ở Việt Nam, xăng sinh học E5 (hay còn gọi là gasohol) là hỗn hợp của 95% xăng không chì và 5% ethanol nhiên liệu biến tính (nồng độ 97%). Nói dễ hiểu hơn, xăng E5 là xăng A95 có pha 5% cồn sinh học và đã được lưu hành tại Việt Nam từ năm 2010.

Về băn khoăn “liệu xăng sinh học có an toàn, có bảo đảm chất lượng?”, các tài liệu của PV OIL cho biết: Do cồn có trị số octan cao nên khi pha vào xăng sẽ làm tăng trị số octan cho hỗn hợp nhiên liệu. Trị số octan này giúp làm giảm hiện tượng kích nổ, tăng hiệu suất cháy, cho động cơ vận hành êm hơn và tăng tuổi thọ động cơ. Mặt khác, lượng khí độc hại thải ra môi trường của xăng sinh học ít hơn so với xăng thông thường nên khi sử dụng xăng sinh học, chúng ta đã góp phần làm giảm hiệu ứng nhà kính, giúp cho môi trường được an toàn và trong sạch hơn. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, xăng E5 sản xuất trong nước sử dụng an toàn trên các động cơ xăng đang lưu hành ở Việt Nam mà không cần phải thay đổi kết cấu hay vật liệu chi tiết. Việc sử dụng xăng E5 sẽ giúp cải thiện công suất động cơ, suất tiêu hao nhiên liệu, giảm phát thải HC, CO.

Theo quyết định số 53/2012/QĐ-TTg, từ ngày 1.12.2016, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa – Vũng Tàu là xăng E10. Từ ngày 1.12.2017, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc là xăng E10. Xăng E10 là xăng A95 được pha 10% cồn sinh học.

HOÀNG THI