Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh đặc biệt quan tâm đến phát triển nông nghiệp 

Cập nhật ngày: 08/08/2021 - 09:18

BTNO - Vừa qua, cử tri trong tỉnh có ý kiến đề nghị lãnh đạo tỉnh và ngành chức năng quan tâm đến vấn đề quy hoạch nông nghiệp, đầu ra nông sản và giá cả các mặt hàng vật tư nông nghiệp không ổn định; đầu tư hạ tầng thuỷ lợi, kênh mương nội đồng; phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Mới đây, UBND tỉnh có văn bản trả lời như sau:

Công trình đưa nước thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà vượt sông Vàm Cỏ Đông.

Về quy hoạch nông nghiệp, thực hiện Luật Quy hoạch, các quy hoạch ngành đều được tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh, hiện đơn vị tư vấn đang triển khai lập quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến  năm 2050, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tham mưu xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25.2.2021 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Về vấn đề đầu ra nông sản và giá cả các mặt hàng vật tư nông nghiệp không ổn định, UBND tỉnh cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tình hình sản xuất, kinh doanh nông sản gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ thu hẹp, giá cả bấp bênh. Các mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng đầu ra trong khi giá cả các mặt hàng vật tư nông nghiệp có xu hướng tăng.

Sở NN&PTNT đã hỗ trợ các cơ sở (HTX, tổ liên kết, doanh nghiệp) đạt chứng nhận VietGAP trên cây rau, quả; tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội nghị, hội chợ triễn lãm... nhằm giúp các cơ sở này liên kết tiêu thụ và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Bò thịt được nuôi theo hướng công nghệ cao ở một trang trại trên địa bàn thị xã Trảng Bàng.

Ngoài ra, Sở hỗ trợ người sản xuất đưa một số sản phẩm nông sản an toàn lên sàn thương mại điện tử “Kết nối cung cầu nông sản thực phẩm an toàn” (https://sannongsan.tayninh.gov.vn); hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi chuyển đổi mạnh từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, bán công nghiệp, an toàn dịch bệnh theo chuỗi giá trị.

Hiện nay, giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi...) đồng loạt tăng giá do giá nguyên liệu sản xuất cùng với chi phí vận chuyển tăng, nguồn nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu, dẫn đến giá thành sản xuất tăng, gây khó khăn cho người nông dân.

Ngành Nông nghiệp khuyến cáo các tổ chức, cá nhân sản xuất vật tư nông nghiệp cần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nguyên liệu để hạ giá thành sản xuất; tăng cường giải pháp tìm kiếm và tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu; thực hiện chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ các mặt hàng vật tư nông nghiệp.

Song song đó, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường tổ chức thanh, kiểm tra đột xuất về điều kiện kinh doanh và chất lượng sản phẩm hàng hóa tại các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tích trữ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Về hạ tầng thuỷ lợi, UBND tỉnh cho biết, giai đoạn 2016-2020, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tây Ninh nâng cấp, sửa chữa, kiên cố hóa, nạo vét, phát cỏ, vớt rong các tuyến kênh với kinh phí gần 130 tỷ đồng; UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện 34 dự án kênh tiêu với tổng kinh phí gần 42 tỷ đồng. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương nội đồng đạt 70,42%.

Để đồng bộ, kết nối kênh thủy lợi nội đồng có diện tích tưới nhỏ hơn 50 ha với công trình thủy lợi, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT hoàn chỉnh kế hoạch phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, sẽ đầu tư nâng cấp, sửa chữa và bê tông hóa 230 kênh và công trình trên kênh với tổng chiều dài hơn 70km, diện tích tưới thiết kế là 4.871 ha với kinh phí dự kiến hơn 93 tỷ đồng; đầu tư xây dựng 2 đê bao nhỏ với diện tích bảo vệ là 540 ha với tổng kinh phí đầu tư hơn 28 tỷ đồng.

Nhân công dán tem trên sản phẩm chuối già Nam Mỹ được trồng xuất khẩu ở Tân Châu.

Ngành Nông nghiệp cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định quy định chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh. Đây là giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, ứng dụng tiến độ khoa học công nghệ, góp phần hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi từ đầu mối đến mặt ruộng, kết nối đồng bộ, nâng cao năng lực quản lý nhằm phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi.

Tỉnh cũng đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đã hình thành một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm “hình mẫu” như: sản xuất rau, dưa lê, dưa lưới công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới … Hầu hết đều sử dụng công nghệ tự động hóa trong các khâu tưới nước, bón phân, áp dụng công nghệ trong việc kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và áp dụng công nghệ sinh học trong quá trình thụ phấn cho cây trồng.

Hay như mô hình chăn nuôi trang trại lạnh, khép kín quy mô lớn, sử dụng hệ thống làm mát Cooling Pad để điều chỉnh nhiệt độ; có hệ thống phân phối thức ăn, nước uống tự động; sử dụng robot đẩy thức ăn, dàn vắt sữa tự động, sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý trang trại…

Điển hình là trang trại bò sữa Vinamilk đạt chuẩn GlobalGAP với 8.000 con tại huyện Bến Cầu; Công ty TNHH SX TM DV Phúc Thịnh Vượng áp dụng dây chuyền công nghệ hiện đại từ khâu chăn nuôi bò đến chế biến thịt bò theo tiêu chuẩn của VietGAP tại huyện Trảng Bàng. Hay như Công ty TNHH QL Vietnam Agroresources chuyên nuôi gà lấy trứng theo phương pháp hiện đại, khép kín toàn phần, công nghệ châu Âu.

Hoặc mô hình nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả cao như: nuôi ba ba (Tân Châu, Dương Minh Châu); nuôi cá tra thâm canh, xuất khẩu (Trảng Bàng); nuôi cá lóc đen, lóc bông (Dương Minh Châu)... Trong khi đó, Công ty Cổ phần Nafoods Group đã triển khai xây dựng đề án Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Tân Châu...

Công đoạn đóng thùng sản phẩm chuối già Nam Mỹ xuất khẩu ở Tân Châu.

Đến nay, tỉnh cũng đã triển khai thực hiện các chính sách thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025; chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020–2025.

Ngoài ra, tỉnh cũng đang xúc tiến dự án đầu tư chuỗi giá trị nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (đầu tư thủy lợi, giao thông vùng sản xuất kết nối với giao thông bên ngoài từ nguồn vốn vay ADB).

An Khang