Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh dần hình thành chuỗi giá trị chăn nuôi 

Cập nhật ngày: 20/07/2022 - 08:13

BTNO - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, sản lượng thịt heo của tỉnh là 42.300 tấn. Bình quân hằng ngày, toàn tỉnh sản xuất khoảng 115 tấn thịt.

Gà đẻ trứng ở Công ty QL Việt Nam.

Toàn tỉnh hiện có 40 cơ sở giết mổ heo, cung cấp cho 730 quầy sạp thịt và khoảng 97 cửa hàng cung cấp thịt an toàn của hệ thống siêu thị và cửa hàng bán thịt khác. Bình quân, số lượng heo thịt phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh khoảng 1.000 - 1.100 con/ngày.

Thời gian qua, ngành NN&PTNT tổ chức thực hiện mô hình liên kết chăn nuôi gia công - giết mổ - tiêu thụ sản phẩm gồm 64 trang trại (118.820 con). Trong đó được cấp chứng nhận VietGAHP, an toàn dịch bệnh 112.550 con. Mô hình này có 2 chuỗi giá trị:

Chuỗi thịt heo tươi cung cấp cho các chợ truyền thống (heo thịt từ các cơ sở chăn nuôi gia công được các thương lái mua, giết mổ tại 36 cơ sở giết mổ, phân phối đến 730 quầy sạp thịt của các chợ trong tỉnh với số lượng khoảng 18.980 tấn/năm, chiếm 45% sản lượng thịt heo của tỉnh).

Kế đến là chuỗi thịt heo tươi cung cấp cho các điểm cung cấp thịt heo an toàn của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Tây Ninh. Ở chuỗi này, heo thịt từ các cơ sở chăn nuôi gia công được chuyển đến 4 cơ sở giết mổ, phân phối đến 97 điểm bán thịt an toàn (các siêu thị, cửa hàng...) với số lượng khoảng 4.380 tấn/năm, chiếm 10% sản lượng thịt heo của tỉnh.

Về chuỗi giá trị chăn nuôi bò sữa, Tây Ninh có tổng đàn 14.600 con, trong đó, Trang trại bò sữa Vinamilk 8.200 con, nuôi nông hộ 6.400 con, năng suất sữa bình quân 15kg/con/ngày (nông hộ) và 27kg/con/ngày (Trang trại bò sữa Vinamilk).

Gà thịt được nuôi ở một trang trại.

Sản lượng sữa sản xuất bình quân khoảng 142 tấn/ngày. Trong đó của Trang trại bò sữa Công ty Vinamilk 110 tấn/ngày, của các hộ dân là 32 tấn/ngày. Số sữa này được các doanh nghiệp thu mua khoảng 20 tấn/ngày thông qua 5 điểm trung chuyển sữa tại thị xã Trảng Bàng. Số lượng sữa còn lại, các hộ vận chuyển bán cho các điểm thu mua sữa tại huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.

Nhìn chung, chuỗi giá trị chăn nuôi bò sữa đã được hình thành, chiếm 92% sản phẩm sữa trên toàn tỉnh, bước đầu gắn kết được giữa sản xuất và tiêu thụ. Tuy nhiên, sản phẩm chưa được chế biến tại địa phương nên chưa nâng cao giá trị sản phẩm. Hiệu quả chăn nuôi chưa cao do chưa được đầu tư nhiều về giống, về chế biến thức ăn. Lợi ích của người chăn nuôi đôi lúc chưa được bảo đảm do giá thu mua không ổn định, còn thấp...

Về chuỗi giá trị chăn nuôi bò thịt, hiện sản lượng thịt bò của tỉnh là 7.500 tấn/năm, bình quân khoảng 20,5 tấn/ngày, tương đương với 130 con/ngày.

Toàn tỉnh có 17 cơ sở giết mổ trâu bò với công suất 135 con/ngày. Nhu cầu giết mổ bò trong tỉnh với sản lượng khoảng 12.300 tấn/năm, bao gồm 6.400 tấn xuất ra thị trường ngoài tỉnh và 5.900 tấn cung cấp cho người tiêu dùng trong tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh có một chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa các nông hộ chăn nuôi bò thịt tại xã Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng. Đây là chuỗi liên kết ngang và chỉ liên kết trong khâu chăn nuôi, bán con giống, chưa gắn kết với các khâu chế biến, giết mổ và tiêu thụ sản phẩm.

Sản xuất trứng ở Công ty QL Việt Nam.

Nhìn chung, đây là lĩnh vực hoạt động theo hình thức chuỗi giá trị yếu nhất so với các loại gia súc, gia cầm khác. Khó khăn lớn nhất của việc hình thành chuỗi là do chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh chủ yếu theo hình thức chăn nuôi nông hộ (nhỏ lẻ) nên rất khó kiểm soát chất lượng đầu vào. Bên cạnh đó, việc gắn kết giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi chưa được hình thành, chủ yếu là thương lái mua bò của người nuôi đem đến cơ sở giết mổ bán.

Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi gà thịt, sản lượng thịt gà của tỉnh khoảng 37.250 tấn/năm, bình quân khoảng 102 tấn/ngày (40.821 con). Trong đó, gà được bán ra ngoài tỉnh khoảng 30 tấn/ngày (12.000 con); người dân tự giết mổ và tiêu thụ tại thị trường Campuchia khoảng 42 tấn/ngày (16.821 con)...

Hiện có 2 chuỗi giá trị chăn nuôi gà thịt đang thực hiện với khoảng 25 tấn/ngày. Đồng thời, chuỗi giá trị chăn nuôi gà gồm nhà máy ấp trứng gia cầm đi vào hoạt động từ tháng 4.2021 (công suất thiết kế trên 19 triệu gà con/năm). Trong năm 2022 sẽ có thêm dự án nhà máy giết mổ Phước Bình (Trảng Bàng).

Sản lượng trứng gà của tỉnh là 683.201.480 trứng/năm, bình quân khoảng 1.871.784 trứng/ngày. Hiện có 2 chuỗi giá trị chăn nuôi gà trứng đang thực hiện: chuỗi gà trứng của Công ty TNHH QL Việt Nam với sản lượng khoảng 1,5 triệu trứng/ngày, chiếm 80% sản lượng trứng gà của tỉnh, tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước. Gà do công ty nuôi, tự chế biến thức ăn. Trứng sau khi sản xuất được phân loại, tiệt trùng, đóng gói và phân phối đến người tiêu dùng. Sản phẩm của doanh nghiệp này đã được công nhận GlobalGAP, HACCP.

Thứ hai là chuỗi gà trứng của Công ty TS Farm Việt Nam, có sản lượng khoảng 150.000 trứng/ngày, chiếm 8% sản lượng trứng gà của tỉnh, được tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Riêng về chuỗi giá trị chim yến, theo Sở NN&PTNT, phần lớn nhà yến được xây dựng từ vài năm trở lại đây nên sản lượng tổ yến còn thấp. Ước sản lượng bình quân toàn tỉnh khoảng 2.160kg tổ yến/năm. Hầu hết người nuôi có thực hiện sơ chế tổ yến nhưng giá bán còn thấp do sản phẩm chỉ được chế biến ở dạng thô. Có 6 cơ sở chế biến tổ yến được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng sản lượng chế biến không nhiều, khoảng 300kg/năm, chiếm 14% sản lượng. Tổ yến được tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh do chưa có cơ sở chế biến quy mô lớn, hầu hết chưa có thương hiệu cho sản phẩm.

An Khang