Pháp luật   Tư vấn pháp luật

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh: Đẩy mạnh giải quyết các vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài

Cập nhật ngày: 19/02/2021 - 18:20

BTNO - Hiện nay, các vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, kèm theo đó là những khó khăn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và ngành Toà án nói riêng.

TAND tỉnh vừa chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của chị L.T.G.H (sinh năm 1995, ngụ TP.Tây Ninh). Theo đơn trình bày của chị H, qua mai mối, năm 2018, H kết hôn với người chồng quốc tịch Hàn Quốc, 51 tuổi.

Sau khi kết hôn, người chồng trở về nước và không quay trở lại Việt Nam. Sau đó, chồng cắt đứt liên lạc, chị H nhắn tin, gọi điện, nhưng không có hồi âm. Gần 2 năm trôi qua, nhận thấy tình cảm vợ chồng không còn tồn tại, mục đích hôn nhân không đạt nên chị H làm đơn xin ly hôn.

 Năm 2020, TAND tỉnh thụ lý 300 vụ, việc hôn nhân gia đình; đã giải quyết được 113 vụ, việc hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài.

Theo lời kể của chị H.N.N (ngụ huyện Gò Dầu), năm 2017, thông qua sự giới thiệu của người quen, chị và người chồng quốc tịch Đài Loan tìm hiểu được khoảng 2 tháng thì đăng ký kết hôn. Sau khi kết hôn, ông ở lại Việt Nam một thời gian và làm thủ tục bảo lãnh chị N qua Đài Loan.

Quá trình chung sống, vợ chồng không hợp tính nhau, bất đồng về ngôn ngữ, văn hoá nên không có tình cảm. Sau đó, chồng cắt đứt liên lạc với chị N; phát hiện chồng có biểu hiện bất thường về mặt tâm lý nên chị N từ chối không muốn đến Đài Loan chung sống và yêu cầu được ly hôn.

Ông Đỗ Văn Thinh - Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết, phụ nữ Việt Nam có xu hướng lấy chồng nước ngoài ngày càng nhiều, đặc biệt là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia… Tuy nhiên, do sự bất đồng về ngôn ngữ, văn hoá, lối sống, tập tục, môi trường và các yếu tố khác... nên nhiều người muốn ly hôn với người chồng nước ngoài.

Đa số các trường hợp yêu cầu ly hôn này là phụ nữ có độ tuổi còn rất trẻ và do công dân Việt Nam đứng nguyên đơn, việc xét xử thường là vắng mặt bên phía nước ngoài. Hầu hết các trường hợp ly hôn này đều chưa có con và tài sản chung.

Đối với trường hợp người Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với người Việt Nam ở nước ngoài và chỉ cung cấp được địa chỉ nơi cư trú cuối cùng ở Việt Nam của bị đơn mà không cung cấp được địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài (nếu có căn cứ để xác định họ vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước, nhưng thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cũng như không thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai về cho Toà án), thì đây được coi là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết.

Nếu Toà án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ cũng không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức và không thông báo cho bị đơn biết thì Toà án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung.

Sau khi xét xử, Toà án gửi ngay cho thân nhân của bị đơn bản sao bản án hoặc quyết định để những người này chuyển cho bị đơn, đồng thời niêm yết công khai bản sao bản án, quyết định tại trụ sở UBND cấp xã nơi bị đơn cư trú cuối cùng và nơi thân nhân của bị đơn cư trú để đương sự có thể sử dụng quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật tố tụng (Công văn 253/TANDTC-PC ngày 26.11.2018 của TAND tối cao hướng dẫn về giải quyết vụ án ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ).

Theo Phó Chánh án TAND tỉnh, hiện việc giải quyết án ly hôn có yếu tố nước ngoài gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn, trường hợp “mập mờ” về địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài. Không ít trường hợp công dân Việt Nam không chịu tìm hiểu kỹ điều kiện, địa chỉ cụ thể của người nước ngoài. Khi khởi kiện đến Toà án thì không xác định được địa chỉ hoặc không có địa chỉ người nước ngoài, khiến Toà án rất khó khăn trong xác định địa chỉ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nguyên đơn.

Về thời hạn giải quyết đối với những vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài được quy định tại Điều 476 Bộ luật Tố tụng dân sự, phiên toà phải được mở sớm nhất là 9 tháng và chậm nhất là 12 tháng, nếu hoãn thì thời hạn là 1 tháng kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý.

Mặt khác, Toà án không thể tống đạt trực tiếp cho đương sự ở nước ngoài mà phải thông qua đường bưu điện hoặc uỷ thác tư pháp. Trong đó, nếu tống đạt qua đường bưu điện thì thời gian để một văn bản tố tụng cụ thể đến tay người nhận và phản hồi cho Toà án nhanh nhất cũng mất vài tháng.

Đối với việc uỷ thác tư pháp, nhiều trường hợp- từ khi Toà án gửi hồ sơ yêu cầu uỷ thác tư pháp cho Bộ Tư pháp đến khi cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài nhận được hồ sơ mất khá nhiều thời gian, gây khó khăn cho việc  bảo đảm thời hạn xét xử.

Năm 2019, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc Toà án Việt Nam uỷ thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài có kết quả trả lời rất chậm, thậm chí nhiều trường hợp không nhận được sự trả lời, làm cho vụ việc bị kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự.

Trong thời gian tới, TAND tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm giải quyết tốt vụ, việc; thực hiện có hiệu quả công tác hoà giải...

Đối với công dân Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với người nước ngoài đang cư trú ở nước ngoài, theo Điều 123 Luật Hôn nhân và gia đình, Điều 35, Điều 37 của Bộ luật Tố tụng dân sự, thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước thuộc TAND cấp tỉnh.

Trong trường hợp đặc biệt được quy định tại khoản 4 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự, nếu việc ly hôn diễn ra với công dân Việt Nam với công dân nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thì thẩm quyền thuộc TAND cấp huyện. Công dân Việt Nam chuẩn bị hồ sơ ly hôn gồm giấy chứng nhận kết hôn, các giấy tờ chứng minh về quyền tài sản trong thời kỳ hôn nhân, giấy tờ tuỳ thân của hai bên và đơn xin ly hôn nộp tại Toà án đề cập trên.

Thiên Di