Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tây Ninh: Đẩy nhanh nhân giống mì kháng bệnh khảm lá cung cấp cho nông dân
Thứ năm: 15:44 ngày 08/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau hơn 4 năm triển khai, đến nay đã xác định 2 giống HN3 và HN5 có khả năng chống chịu được bệnh khảm lá mạnh nhất. Hai giống mì này cũng cho năng suất và hàm lượng tinh bột tương đương với giống KM140 và KM419 (được trồng phổ biến trên địa bàn tỉnh hiện nay).

Ruộng mì giống HN3 phát triển tốt, hoàn toàn không bị khảm lá được trồng tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên.

Nhiều năm qua, Tây Ninh được mệnh danh là thủ phủ cây khoai mì (sắn) tại Việt Nam, với diện tích trồng và sản lượng hàng năm đứng đầu cả nước. Đây là cây trồng truyền thống mang lại lợi nhuận kinh tế cao so với nhiều loại cây trồng khác tại địa phương như mía, lúa, hoa màu.

Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, bệnh khảm lá trên cây khoai mì lần đầu xuất hiện tại Tây Ninh và sau đó nhanh chóng lây lan nhanh ra nhiều tỉnh, thành trong nước và trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho ngành sản xuất và công nghiệp chế biến tinh bột mì tại Việt Nam.

Để duy trì và phát triển vùng trồng khoai mì, từ năm 2018 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Trồng trọt và BVTV) phối hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) triển khai chương trình nghiên cứu và thử nghiệm khoảng 250 dòng/giống khoai mì sạch bệnh, có tính kháng hoặc chống chịu tốt với bệnh khảm lá dưới áp lực bệnh thực tế trên đồng ruộng.

Sau hơn 4 năm triển khai, đến nay đã xác định 2 giống HN3 và HN5 có khả năng chống chịu được bệnh khảm lá mạnh nhất. Hai giống mì này cũng cho năng suất và hàm lượng tinh bột tương đương với giống KM140 và KM419 (được trồng phổ biến trên địa bàn tỉnh hiện nay).

Ông Nguyễn Văn Hồng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, Chi cục đã phối hợp với các hộ nông dân tiếp tục nhân rộng 2 giống khoai mì HN3 và HN5 trên diện tích 7 ha tại các huyện Tân Châu (04 ha), Dương Minh Châu (02 ha) và Tân Biên (01 ha).

Ruộng mì giống kháng khảm lá của ông Bùi Công Ngọc có trồng xen kẽ với giống mì KM505 để đổi chứng.

Nhận trồng thử nghiệm hơn 1 ha mì bằng giống HN3 và HN5 do Chi cục Trồng trọt và BVTV chuyển giao, ông Bùi Công Ngọc (ngụ xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu) cho biết, sau hơn 2 tháng trồng và chăm sóc, đến thời điểm hiện tại, cây giống mì HN5 hoàn toàn kháng được bệnh khảm lá, phát triển vượt trội so với những giống mì địa phương hiện có. Trong khi đó, giống mì KM 505 được trồng xen kẽ để đối chứng lại bị khảm lá khá nặng.

Dù mới chỉ hơn 3 tháng tuổi nhưng ruộng mì giống HN5 của gia đình ông Võ Minh Đẩu (nông dân xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu) phát triển xanh tốt, cây cao bằng đầu người lớn (hơn 160cm) cuốn lá to, lá xoè rộng kín hết mặt đất.

Theo ông Đẩu, ruộng mì này ông trồng từ ngày 29.3.2021 là giống HN5 do Chi cục Trồng trọt và BVTV chuyển giao trồng thử nghiệm và nhân giống với diện tích gần 2 ha. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, ông nhận thấy giống mì này có khả năng kháng 100% đối với bệnh khảm lá thường bị trên các giống mì địa phương.

Bên cạnh đó, giống mì này cũng khá thích hợp với thổ nhưỡng địa phương nên phát triển vượt trội, cây to cao, phân nhánh sớm, lá lớn, củ phát triển to khoẻ, nên ông chưa dùng đến bất kỳ loại thuốc BVTV nào để diệt trừ bọ phấn trắng, đồng thời, tiết kiệm được chi phí nhân công diệt cỏ.

Củ mì phát triển tốt khi cây mới được 2 tháng tuổi.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, hiện nay, các diện tích trồng giống mì HN3 và HN5 được khoảng 1 – 3 tháng và chưa ghi nhận biểu hiện bệnh khảm lá. Chi cục Trồng trọt và BVTV tiếp tục phối hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp theo dõi đánh giá tính kháng bệnh, năng suất, chữ bột của 2 giống trên. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ nhân giống, dự kiến đến năm 2022 sẽ nhân rộng được khoảng 50–70 ha khoai mì giống có thể kháng bệnh khảm lá.

Củ khoai mì giống HN5 phát triển mạnh ở giai đoạn 3 tháng tuổi.

Việc nhân rộng giống khoai mì kháng bệnh khảm lá trong thời gian tới giúp nông dân trồng khoai mì trên địa bàn tỉnh có giống mì sạch bệnh, tiết kiệm chi phí canh tác, hạn chế sử dụng thuốc BVTV, bảo đảm năng suất và chất lượng tinh bột mì của Việt Nam.

Minh Dương

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục