BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh đề nghị rà soát lại chính sách giảm nghèo

Cập nhật ngày: 06/02/2015 - 06:02

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 – 2020 và Bộ trưởng Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Giàng Seo Phử chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh có ông Trần Lưu Quang- Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện các ban, ngành có liên quan.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị trực tuyến.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, theo tổng hợp báo cáo sơ bộ của các địa phương, đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 1,8-2%/năm (từ 7,8% xuống còn 5,8-6%). Riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a giảm bình quân 5%/năm (từ 38,20% năm 2013 xuống còn 33,20% năm 2014), đảm bảo theo kế hoạch đầu năm.

Hội nghị đã nghe ý kiến của lãnh đạo nhiều địa phương xung quanh chủ trương giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 – 2020.

Tham gia phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Lưu Quang đề nghị Chính phủ cần rà soát lại chính sách đối với người nghèo vì hiện có những chính sách không còn phù hợp nữa.

Theo ông Quang, cần tách một số nhóm đối tượng không thể thoát nghèo ra khỏi chính sách dành cho người nghèo; thay vào đó, nên liệt các nhóm đối tượng quá khó khăn vào diện bảo trợ xã hội.

Kết luận cuộc họp trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh ý kiến phát biểu của các địa phương. Theo Thủ tướng, công tác giảm nghèo trong thời gian qua đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, tình trạng tái nghèo còn lớn, nghĩa là giảm nghèo nhưng chưa bền vững.

Thủ tướng cho biết, sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành nghị định giao rừng (khoảng 4 triệu hécta từ các nông lâm trường) cho người dân, xem đó như một trong ba giải pháp hỗ trợ đất sản xuất dành cho người nghèo, gồm: trồng cây lương thực, nuôi gia súc và phát triển rừng.

Đ.V.T