Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh: Đề phòng dịch tả heo châu Phi quay trở lại 

Cập nhật ngày: 29/05/2020 - 09:09

BTNO - Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ đầu năm 2020, với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt, tình hình dịch tả heo châu Phi trên cả nước cơ bản được khống chế, hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất có thể.

Người chăn nuôi tái đàn.

Tại Tây Ninh, theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, ổ dịch tả heo châu Phi xuất hiện đầu tiên tại Tây Ninh vào ngày 6.7.2019, tại một hộ chăn nuôi ở ấp Bắc Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành. Sau đó, dịch lây lan nhanh ra 78/95 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Số heo đã chết và phải tiêu hủy là 32.040 con của 1.915 hộ chăn nuôi.

Đến ngày 26.1.2020, tình hình dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh được khống chế, 9/9 huyện, thị xã, thành phố công bố hết dịch. Đây là điều kiện quan trọng để người chăn nuôi trong tỉnh tổ chức tái đàn, tăng đàn heo, bù đắp lượng thịt thiếu hụt do heo bị tiêu hủy. Tính đến tháng 5.2020, ước tính tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh khoảng 183.547 con, đạt 93% kế hoạch.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, dịch tả heo châu Phi tiếp tục xảy ra tại một số địa phương, hiện dịch bệnh này đã tái phát tại 155 xã, phường, thị trấn của 20 tỉnh, thành phố trong nước; số heo buộc phải tiêu hủy lên đến gần 4.000 con. Nguy cơ dịch tả heo châu Phi tiếp tục tái phát và lây lan trên diện rộng trong thời gian tới là rất cao, đặc biệt trong điều kiện người chăn nuôi đang tập trung tái đàn, tăng đàn, trong khi việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn hạn chế.

Trước tình hình trên, nhằm chủ động ngăn chặn dịch tả heo châu Phi tái phát và ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh, ngày 27.5.2020, Sở NN&PTNT ban hành Công văn số 1993/SNN-CCCN&TY về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Sở NN&PTNT yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố Tây Ninh và Chi cục Chăn nuôi và Thú y khẩn trương thực hiện các nội dung sau:

Kiểm tra, rà soát số lượng đàn heo của địa phương; tăng cường công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh, tránh lây lan ra diện rộng.

Tổ chức kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao tái phát dịch bệnh như các ổ dịch cũ, khu vực tiêu hủy, cơ sở thu gom, giết mổ, các quầy, sạp thịt heo... nhằm chủ động phòng, chống dịch.

Tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo và các sản phẩm heo; đặc biệt là vận chuyển, buôn bán heo để làm giống, nuôi thương phẩm và heo đến cơ sở giết mổ; heo vận chuyển từ ngoài tỉnh vào trong tỉnh phải xuất phát từ cơ sở không nhiễm bệnh, có giấy chứng nhận kiểm dịch và có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả heo châu Phi.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở giết mổ, các điểm thu gom heo trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, giết mổ lậu, hoạt động không phép hoặc không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y; kiểm tra tình trạng vệ sinh thú y heo nhập vào lò mổ; chỉ cho nhập vào lò mổ heo khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng; tiếp tục duy trì xác nhận nguồn gốc heo trước khi nhập vào cơ sở giết mổ (nhưng không thu phí) như đã thực hiện trong công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi năm 2019.

Người dân tập trung chăn nuôi sau dịch tả heo châu Phi.

Rà soát việc thực hiện ký cam kết chỉ đưa vào giết mổ heo khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng của các chủ cơ sở giết mổ, các thương lái.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở chăn nuôi tái đàn, tăng đàn bảo đảm an toàn sinh học; yêu cầu thực hiện việc kê khai với chính quyền cơ sở trước khi nuôi tái đàn; chính quyền cơ sở và cơ quan thú y tổ chức kiểm tra, xác nhận điều kiện nuôi tái đàn theo quy định tại Công văn số 13/BCĐDTLCP ngày 19/12/2019 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi.

Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học theo Công văn số 2163/SNN-CCCN&TY ngày 09/08/2019 của Sở NN&PTNT về việc tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học để phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về tình hình dịch bệnh; các biện pháp phòng, chống dịch và các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học qua nhiều hình thức khác nhau như: hội thảo, tập huấn, tọa đàm, tài liệu bướm,… cho các cơ sở giết mổ, cơ sở chăn nuôi heo.

Minh Dương