Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chương trình khống chế bệnh lở mồm, long móng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011 – 2015 có tổng kinh phí hơn 17 tỷ đồng.

(BTNO) – Mới đây, Sở NN&PTNT – Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm đã đề nghị UBND tỉnh xem xét phê duyệt Chương trình khống chế bệnh lở mồm, long móng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2011 – 2015, với tổng kinh phí hơn 17 tỷ đồng.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm tỉnh, những năm gần đây, bệnh lở mồm, long móng (LMLM) trên gia súc thường xuyên xuất hiện ở nước ta, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Từ tháng 9.2010 đến tháng 5.2011, dịch LMLM xảy ra trên 2.000 xã, phường của 39 tỉnh, thành phố, làm hơn 150.000 con gia súc mắc bệnh, trong đó số bị chết và tiêu huỷ hơn 45.000 con.
Tại Tây Ninh, năm 2006, bệnh LMLM xuất hiện trên heo tại 01 lò mổ ở xã Tân Đông, huyện Tân Châu. Cuối tháng 8.2010, bệnh LMLM tiếp tục được phát hiện trên đàn bò nhập lậu từ Campuchia về Châu Thành bị Đồn biên phòng 839 tịch thu. Tháng 3.2011, xảy ra 2 trường hợp heo mắc bệnh LMLM tại 2 hộ chăn nuôi thuộc huyện Gò Dầu và Dương Minh Châu.
![]() |
Chương trình sẽ tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh LMLM trên gia súc |
Tất cả những trường hợp bệnh LMLM trên đều được xử lý theo quy định, tiêu độc sát trùng và tiêm phòng bao vây xung quanh nên kịp thời dập tắt và không phát tán thành dịch.
Mục tiêu của Chương trình khống chế bệnh LMLM trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2011 – 2015 là khống chế bệnh, làm giảm tỷ lệ nhiễm bệnh mới, giảm số ổ dịch, ngăn chặn dịch lây lan từ ngoài tỉnh. Phấn đấu đến năm 2015, cơ bản khống chế bệnh LMLM trên toàn tỉnh. Xây dựng hệ thống giám sát dịch bệnh từ tỉnh đến huyện, xã, thị trấn nhằm phát hiện sớm, thông tin kịp thời tình hình dịch bệnh và khống chế trên diện hẹp, ngăn chặn sự lây lan.
Chương trình sẽ tiêm phòng định kỳ 2 đợt/năm cho gia súc, chủ yếu là trâu, bò (đợt 1 vào tháng 3-6, đợt 2 vào tháng 9-11). Tỷ lệ tiêm phòng tối thiểu là 80% so với tổng đàn và 100% diện tiêm. Ngoài ra, Chương trình cũng sẽ thực hiện các hoạt động như xử lý gia súc mắc bệnh, chết; giám sát dịch bệnh và huyết thanh học; kiểm dịch trâu bò qua biên giới, chống nhập lậu gia súc; vệ sinh tiêu độc môi trường; tăng cường công tác tuyên truyền…
Theo đó, tổng kinh phí thực hiện chương trình trong 5 năm hơn 17,242 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh chi gần 9,7 tỷ đồng. Ước số lượng đàn trâu, bò phải tiêm phòng năm 2015 hơn 85.600 con.
HY UYÊN