Dự kiến, từ nay đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cần xây dựng mới 43 chợ, 11 trung tâm thương mại, 13 khu thương mại – dịch vụ…
(BTNO) – Theo dự thảo Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh do Sở Công thương thực hiện, từ nay đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cần xây dựng mới 43 chợ, 11 trung tâm thương mại – trung tâm bán buôn – hội chợ triển lãm, 13 khu thương mại – dịch vụ, 34 bến bãi – kho hàng ven sông và 19 kho thương mại – kho chuyên dùng.
Tây Ninh rất cần những trung tâm hội chợ - triển lãm. Trong ảnh, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa (thứ hai từ trái sang) cùng lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng triển lãm của tỉnh Tây Ninh tại Hội chợ ngành Công thương- Xây dựng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đông Nam bộ |
Theo dự thảo quy hoạch này, trong giai đoạn 2011 – 2015, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có tốc độ tăng bình quân hằng năm khoảng 11,9%/năm, tổng doanh thu đến năm 2015 dự kiến đạt khoảng 52.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ tăng bình quân hằng năm khoảng 10,3%/năm, tổng doanh thu đến năm 2020 dự kiến đạt khoảng 85.000 tỷ đồng.
Tỷ trọng mức bán lẻ hàng hoá theo thành phần kinh tế đến năm 2015: khu vực kinh tế trong nước (bao gồm khu vực kinh tế nhà nước và ngoài nhà nước) chiếm khoảng 90%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 10%. Tỷ trọng này đến năm 2020 tướng ứng là 80% và 20%.
Tỷ trọng mức bán lẻ hàng hoá theo loại hình thương mại hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, mạng lưới cửa hàng tiện lợi…) đạt 15%, khoảng 7.800 tỷ đồng vào băm 2015, đến năm 2020 đạt 20%, khoảng 17.000 tỷ đồng.
Mục tiêu đến năm 2020 là hiện đại hoá kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ, đặc biệt là hệ thống bán buôn, bán lẻ hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm mua sắm, khu thương mại – dịch vụ, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, trung tâm logistics, tổng kho bán buôn, trung tâm hội chợ - triển lãm…) ở các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, hoàn thành về cơ bản chương trình phát triển các loại hình chợ (chợ dân sinh ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và chợ trung tâm, chợ chuyên doanh, chợ đầu mối ở các vùng sản xuất nông sản tập trung, các thị trường tiêu thụ lớn).
Dự kiến quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở bán buôn, bán lẻ qua hệ thống chợ, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh sẽ có 133 chợ và trung tâm bán buôn, bán lẻ. Trong đó có 15 chợ và trung tâm vừa bán buôn, vừa bán lẻ; 118 chợ bán lẻ.
Dự kiến tập trung phát triển hệ thống trung tâm thương mại tại Thị xã Tây Ninh và tại trung tâm các huyện, thị. Tuy nhiên, căn cứ vào điều kiện phát triển dân số, quy hoạch dân cư và phát triển đô thị cũng như quá trình cải thiện thu nhập và mở rộng nhu cầu tiêu dùng của dân cư, quá trình phát triển sản xuất và mở rộng các nguồn cung ứng hàng hoá… hệ thống trung tâm thương mại được hình thành mới sẽ khác nhau về số lượng, quy mô cũng như thời gian xây dựng tuỳ theo từng địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 trung tâm thương mại là Hiệp Thành hạng I, trung tâm thương mại dịch vụ quốc tế Phi Long thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và trung tâm thương mại Long Hoa, thị trấn Hoà Thành đang được xây dựng, quy mô hạng III. Dự kiến phát triển thêm 8 trung tâm thương mại tại các huyện, thị như sau: Thị xã 02 TTTM, Tân Châu 01 TTTM, Trảng Bàng 02 TTTM, Gò Dầu 01 TTTM, Dương Minh Châu 01 TTTM, Châu Thành 01 TTTM. Ngoài ra, còn có các trung tâm hội chợ - triển lãm, sàn giao dịch, trung tâm giới thiệu sản phẩm hàng hoá…
Trên địa bàn tỉnh hiện nay đã có 8 siêu thị, chủ yếu trong khu KTCK Mộc Bài. Dự kiến đến năm 2020, phát triển thêm 11 siêu thị, trong đó Thị xã 03 siêu thị, Tân Biên 01 siêu thị, Tân Châu 02 siêu thị, Trảng Bàng 01 siêu thị, Bến Cầu 10 siêu thị, Hoà Thành 01 siêu thị và Châu Thành 02 siêu thị.
Đến năm 2020, sẽ phát triển 13 khu thương mại – dịch vụ, bao gồm các loại hình như các cửa hàng thương mại phục vụ nhu cầu tiêu dùng, mua bán của khu dân cư và các khu, cụm công nghiệp tại các địa bàn đó; các dãy cửa hàng chuyên doanh và tổng hợp, các dịch vụ ăn uống, giải trí, mỹ viện, sửa chữa và may mặc… Dự kiến sẽ xây dựng 01 khu thương mại tại Thị xã, 03 khu tại Tân Châu, 02 khu tại Tân Biên, 02 khu tại Trảng Bàng, 02 khu tại Châu Thành. Các huyện Bến Cầu, Gò Dầu, Dương Minh Châu, mỗi huyện 01 khu.
Ngoài ra, từ nay đến năm 2020, dự kiến quy hoạch phát triển 13 kho hàng gắn với 34 bến bãi hiện hữu hoặc phát triển thêm dọc theo sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn nhằm phục vụ cho hoạt động trao đổi, vận chuyển hàng hoá bằng đường sông giữa Tây Ninh với các địa bán khác, chủ yếu là các tỉnh miền Tây Nam bộ. Mỗi kho hàng và bến bãi có diện tích từ 2.000 – 3.000 m2, vốn đầu tư xây dựng dự kiến khoảng 2 tỷ đồng/ kho hàng và bến. Tổng vốn đầu tư cho hệ thống kho hàng, bến sông đến năm 2020 dự kiến khoảng 39,5 tỷ đồng.
Chợ Long Hoa |
Bên cạnh việc xây dựng các kho hàng gắn với các bến bãi ven sông, Tây Ninh cần phải xây dựng các cụm kho thương mại tổng hợp để đáp ứng nhu cầu dự trữ, phát luồng của các nhà phân phối chuyên nghiệp, các nhà sản xuất… nhằm cung ứng vật tư cho sản xuất, nhu yếu phẩm cho tiêu dùng và tổ chức tiêu thụ sản phẩm hàng hoá sản xuất trong tỉnh ra bên ngoài. Dự kiến đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh sẽ có 19 cụm kho thương mại, kho chuyên dùng với diện tích hoảng 68ha, vốn đầu tư dự kiến 170,5 tỷ đồng.
Thực tế trong những năm qua cho thấy tình hình đầu tư xây dựng mạng lưới bán buôn, bán lẻ từ nguồn vốn ngân sách rất khó khăn. Do đó, Tây Ninh sẽ phải triệt để thực hiện chủ trương xã hội hoá trong đầu tư để huy động tiềm lực từ các thành phần kinh tế nhằm khắc phục hạn chế về vốn trong đầu tư phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ từ ngân sách địa phương. Dự thảo Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 của Sở Công thương cho biết, căn cứ chủ trương xã hội hoá đầu tư và chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ, dự kiến phân bổ nguồn vốn đầu tư như sau: Vốn ngân sách chủ yếu hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ, dự kiến khoảng 220 – 250 tỷ đồng (ngân sách trung ương: 100 – 120 tỷ đồng; ngân sách tỉnh: 120 – 150 tỷ đồng); Vốn đầu tư ngoài ngân sách dự kiến khoảng 4.000 – 5.000 tỷ đồng (DN trong nước: 1.500 – 2.000 tỷ đồng; DN khác: 2.500 – 3.000 tỷ đồng).
HY UYÊN