BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh - “Điểm nóng” bệnh lao

Cập nhật ngày: 22/03/2011 - 10:57

Theo số liệu của Trung tâm Phòng chống lao và bệnh phổi Tây Ninh (Trung tâm PCL), đến hết năm 2010, toàn tỉnh Tây Ninh có 2.256 bệnh nhân lao- đứng thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ người nhiễm lao (chỉ sau An Giang). So với năm 2009, tỷ lệ này đã tăng thêm 7,33%. Bác sĩ Phan Công Bình, Phó Giám đốc Trung tâm PCL cho biết, nhiều năm qua, Tây Ninh vẫn luôn nằm trong tốp 3 các địa phương có tỷ lệ người nhiễm lao cao nhất nước.

Mặc dù hiện nay các xã, phường trong tỉnh đều có cán bộ chuyên trách lao, đưa thuốc đến tận tay người bệnh nhưng việc điều trị bệnh lao vẫn còn gặp quá nhiều khó khăn. Trong một bộ phận người dân, nhất là người dân ở vùng nông thôn, vẫn có tâm lý kỳ thị xa lánh bệnh nhân lao và gia đình họ. Nhiều bệnh nhân đến khám, điều trị tại Trung tâm PCL đều đề nghị bác sĩ không công bố bệnh. Thường sau bước điều trị ban đầu tại Trung tâm, bệnh nhân lao được chuyển về điều trị tại địa phương. Nhiều cán bộ chuyên trách lao tại địa phương cho biết, tâm lý nhiều bệnh nhân rất ngại đến trạm vì sợ gặp người quen. Vì vậy thường không theo đuổi đến cùng việc điều trị. Cán bộ chuyên trách phải đến nhà vận động, thuyết phục rất vất vả. Có bệnh nhân khi biết mình nhiễm lao, đã “né” trạm y tế, tự đi điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân. Một số khác tự ra nhà thuốc tây mua thuốc uống một cách tuỳ tiện.

Thầy thuốc đang điều trị cho người bị bệnh lao ở Trung tâm Phòng chống lao

Đây là cách làm rất sai lầm khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

Số liệu từ Trung tâm PCL cho thấy, tỷ lệ người có vi trùng lao trong đàm ở Tây Ninh là 114/100.000 người. Bệnh nhân phần lớn nằm trong độ tuổi từ 15 đến 40, nam giới mắc nhiều hơn nữ giới. Đây là nguồn lây lan lớn trong cộng đồng. Một số bệnh nhân lao di chuyển đi nhiều nơi, không uống thuốc đúng, đủ liều, gây khó khăn cho việc điều trị.

Lao thường được xem là “bệnh nhà nghèo”, do hầu hết bệnh nhân là người nghèo. Môi trường sống ẩm thấp, thiếu vệ sinh, cơ thể suy nhược, đề kháng kém, lao động quá sức, chế độ dinh dưỡng kém… là điều kiện “cần và đủ” để bệnh lao phát triển.

Ở Việt Nam, lao là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong cho các bệnh nhân HIV. Tây Ninh có 6,2% bệnh nhân lao đồng thời bị nhiễm HIV, cao hơn tỷ lệ chung của cả nước. Lao và HIV được xem là “bạn đồng hành” với nhau, bởi bệnh nhân HIV rất dễ bị nhiễm lao. Việc điều trị đối tượng bệnh nhân này gặp nhiều khó khăn do tâm lý người bệnh dễ bi quan, chán nản. Ở Trung tâm PCL, khi gặp những ca này, bác sĩ phải giúp bệnh nhân ổn định tinh thần, tích cực điều trị vì quyền lợi của bệnh nhân và phòng tránh lây lan trong cộng đồng. Trung tâm đã phải tăng cường các hoạt động phối hợp chẩn đoán và điều trị lao/HIV.

Với khối lượng công việc như hiện nay, theo bác sĩ Phan Công Bình, Trung tâm PCL đang cần ít nhất 15 bác sĩ. Trong khi thực tế hiện nay chỉ mới có 11. Do thiếu bác sĩ, việc mở rộng các chuyên khoa gặp khó khăn. Việc thu hút các bác sĩ về đây không đơn giản, do thu nhập ở đây còn rất thấp so với chế độ đãi ngộ bác sĩ của các cơ sở y tế tư nhân.

Là một “điểm nóng” về bệnh lao trong nước, Tây Ninh còn gặp khá nhiều thách thức trong nỗ lực cùng cả nước thực hiện mục tiêu của chương trình chống lao quốc gia: đến năm 2015 giảm 50% số người mắc lao so với năm 2000, tiến tới thanh toán bệnh lao vào năm 2030. Hiện tại, Dương Minh Châu và Hoà Thành là hai địa phương có tỷ lệ người mắc bệnh lao cao nhất tỉnh.

H. Kiêm