BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh đóng góp ý kiến về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 

Cập nhật ngày: 09/08/2023 - 09:35

BTN - Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Giáo viên phát biểu ý kiến đóng góp.

Vừa qua, tại Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, Cục Quản lý chất lượng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên ở Tây Ninh nhằm xây dựng quy chế, quy định chính thức về kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Phương án tổ chức kỳ thi này như thế nào đang được dư luận, đặc biệt cha mẹ học sinh và giáo viên mong chờ để định hướng chọn nghề nghiệp cho tương lai cho các em.

Đại diện Cục Quản lý chất lượng cho biết, Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến của nhiều địa phương trong cả nước. Thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2025 theo bài thi hay môn thi, thi mấy môn, môn nào bắt buộc, môn nào tự chọn cũng chưa có quyết định.

Phương án đang được thăm dò hiện nay là, thi tốt nghiệp THPT 4 môn bắt buộc, hai môn thi tự chọn trong số những môn học tự chọn. Những học sinh chuyển đổi tổ hợp môn học sau một năm học lớp 10 thì sẽ đăng ký thi như thế nào, môn Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật) không triển khai dạy, vì không có giáo viên, nếu học sinh đăng ký thi môn học này thì tính toán ra sao...

Về hình thức thi, đại diện Cục Quản lý cho biết, tinh thần chung là trừ môn Ngữ văn thi bằng đề tự luận, những môn còn lại đề thi trắc nghiệm. Thời gian thi hai hay ba ngày, nếu chỉ thi hai ngày thì mỗi môn thi bao nhiêu thời gian; môn Lịch sử nên bắt buộc thi hay để cho học sinh có quyền lựa chọn. “Đây là những vấn đề đặt ra, đang gặp nhiều luồng ý kiến khác nhau”- lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng nêu và đề nghị cán bộ quản lý, giáo viên ở Tây Ninh đóng góp ý kiến.

Tháng 3.2023, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội. Phần nội dung chính của dự thảo (phương thức tổ chức thi và lộ trình thực hiện), Bộ GD&ĐT nêu, từ năm 2025-2030 giữ ổn định phương thức thi trên giấy, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với những môn thi trắc nghiệm (đối với địa phương có điều kiện). Sau năm 2030, phấn đấu tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện tổ chức thi trên máy tính trong cả nước đối với những môn thi trắc nghiệm.

Môn thi, hình thức thi: tổ chức thi theo môn, trong đó có bốn môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và Lịch sử (đối với giáo dục phổ thông) và Ngữ văn, Toán, Lịch sử (đối với giáo dục thường xuyên). Các môn thi tự chọn gồm Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông, ngoài bốn môn thi bắt buộc sẽ chọn thêm hai môn trong số bốn môn học đã chọn. Tương tự, thí sinh hệ giáo dục thường xuyên, ngoài ba môn thi bắt buộc sẽ chọn thêm hai môn thi trong số bốn môn học đã chọn. Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi đề trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi và đề thi cho tất cả các môn được ra theo hướng phát triển năng lực.

Việc phân cấp phân quyền tổ chức kỳ thi tương tự như các kỳ thi tốt nghiệp hiện tại, tức Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chung, trong đó có việc ra đề thi, các địa phương tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp. Kết quả kỳ thi vừa để công nhận tốt nghiệp vừa làm căn cứ cho trường đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Lịch sử- môn thi bắt buộc hay tự chọn?

Đóng góp ý kiến cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, đối với môn Lịch sử, 2 trong 3 ý kiến phát biểu đề nghị cho học sinh quyền lựa chọn thi hoặc không thi môn này, 1 ý kiến đề nghị Lịch sử phải thành môn thi bắt buộc.

Nhóm ý kiến đề nghị không bắt buộc thi Lịch sử lập luận, số lượng môn thi bắt buộc đã đủ, thêm môn Lịch sử e rằng học sinh quá tải, vì ngoài thi tốt nghiệp THPT, học sinh còn phải ôn thi theo tổ hợp môn để xét tuyển đại học. Trong khi đó, theo ý kiến đề nghị Lịch sử phải là môn thi bắt buộc, môn học này là môn bắt buộc, nếu không thi, học sinh không quan tâm đến việc học.

Nếu Lịch sử là môn thi bắt buộc, mỗi thí sinh phải thi tổng cộng 6 môn (4 môn bắt buộc, hai môn tự chọn); còn không phải môn thi bắt buộc, học sinh chỉ phải thi 5 môn, giảm được 1 môn. Ý kiến khác cũng chỉ ra rằng, nếu Lịch sử thành môn thi bắt buộc, học sinh đang học tổ hợp môn học xã hội có nhiều lợi thế cả trong thi tốt nghiệp THPT cũng như tuyển sinh đại học.

Một vấn đề khác được giáo viên, cán bộ ở Tây Ninh quan tâm: những học sinh, vì lý do nào đó, đổi tổ hợp môn học sau năm học lớp 10 thì quy chế xét tuyển vào đại học như thế nào cho khoa học, hợp lý, công bằng.

Chẳng hạn, học sinh đăng ký ngành Y khoa nhưng chỉ học môn Sinh lớp 11, 12, do đó, kết quả học tập môn học này không có trong học bạ lớp 10. Căn cứ vào học bạ để tuyển sinh, trường đại học lấy kết quả học tập ở cả 3 năm (lớp 10, 11 và 12). Vậy, dựa trên cơ sở nào để tuyển sinh bằng học bạ khi chỉ học môn Sinh học có hai năm lớp 11, 12?

Thi chọn học sinh giỏi quốc gia- Tây Ninh ủng hộ tăng số lượng thí sinh

Về quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia, nhiều ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên ở Tây Ninh ủng hộ nâng số lượng thí sinh của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ 6 em lên 10 em.

Lý do, nếu mỗi đội tuyển thi chọn học sinh giỏi quốc gia chỉ 6 em, trong quá trình bồi dưỡng ôn thi, vì một lý do, nguyên nhân nào đó không thể dự thi (ốm đau chẳng hạn) thì có em khác thay thế. Tăng đội tuyển thi chọn học sinh giỏi quốc gia từ 6 lên 10 cũng tạo cơ hội cho những địa phương vùng sâu vùng xa tăng cơ hội đạt giải.

Việc giới hạn tối đa số lượng 10 thí sinh mỗi đội tuyển còn cho phép các địa phương linh hoạt trong lựa chọn thí sinh dự thi, nếu không thể chọn đủ 10 em, địa phương có thể cử dưới số lượng đó nhưng nhiều hơn 6 em. Cán bộ, giáo viên ở Tây Ninh cũng tán thành thay đổi thời gian thi chọn học sinh giỏi quốc gia lên tháng 12 (cuối năm) thay vì tháng 1 đầu năm sau.

Liên quan quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia, hồi đầu năm nay, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 02/2003/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia. Theo tinh thần này, thí sinh dự thi là học sinh đang học ở cấp trung học phổ thông, có xếp loại hạnh kiểm (rèn luyện) và học lực (học tập) từ khá trở lên theo kết quả cuối kỳ (hoặc năm học) liền kề với kỳ thi và được chọn vào đội tuyển của đơn vị dự thi.

Về số lượng thí sinh, đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị dự thi (trừ đơn vị dự thi Hà Nội) có tối đa 6 thí sinh, đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đạt giải trong hai kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp được Bộ GD&ĐT xét tăng đến tối đa 10 thí sinh.

Một vấn đề được giới chuyên môn đặt ra, quy chế cho phép học sinh cấp THPT được quyền dự thi chọn học sinh giỏi, có nghĩa, không chỉ học sinh lớp 12, học sinh lớp 10, 11 vẫn có quyền dự thi nếu được gọi tên vào đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi.

Nhưng, học sinh lớp 11 của năm học 2023-2024 học Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong khi học sinh lớp 12 của năm học này đang học Chương trình 2006. Nói khác đi, học sinh học hai chương trình khác nhau (đang tồn tại song song) lại thi chung một kỳ thi có hợp lý, khoa học không?

Lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết thêm, Bộ GD&ĐT đang tiếp tục lấy ý kiến của nhiều địa phương trong cả nước trước khi ban hành quy chế, quy định chính thức cho hai kỳ thi trên.

Việt Đông