Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tây Ninh ghi nhận ca đậu mùa khỉ đầu tiên
Thứ ba: 22:21 ngày 14/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tây Ninh vừa ghi nhận ca đậu mùa khỉ đầu tiên trong 56 ca do Bộ Y tế công bố tại Việt Nam từ khi xuất hiện bệnh này trên thế giới

Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh kiểm tra các biện pháp dự phòng bệnh đậu mùa khỉ cho nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV tại các cơ sở y tế công lập.

Đậu mùa khỉ là dịch bệnh mới ghi nhận tại Việt Nam. Mầm bệnh đã lây lan trong cộng đồng, tuy nhiên, vào ngày 11.5.2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây lo ngại trên toàn cầu, và dỡ bỏ mức cảnh báo cao nhất.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tây Ninh, ca đậu mùa khỉ đầu tiên là bệnh nhân nam N.H (31 tuổi, ngụ huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), làm công nhân trên địa bàn huyện Dương Minh Châu.

Qua điều tra dịch tễ, từ tháng 7.2023, bệnh nhân ở trọ tại xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu cùng 1 người khác. Giữa tháng 10.2023, bệnh nhân về thăm gia đình ở huyện Thủ Thừa bằng xe máy trong 2 ngày, sau đó trở lại nhà trọ và tiếp tục đi làm ở Tây Ninh.

Ngày 20.10, bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng sốt, nổi hồng ban dạng bóng nước ở cánh tay, bộ phận sinh dục. Người bệnh không điều trị, không đi làm, không tiếp xúc với ai trong thời gian này.

Đến ngày 23.10, bóng nước xuất hiện toàn thân, kèm đau đầu, đau cơ, cảm giác ớn lạnh nên bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da Liễu TP. Hồ Chí Minh và được chuyển viện đến Bệnh viện bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh để xét nghiệm và điều trị. Kết quả, bệnh nhân dương tính với virus đậu mùa khỉ, sau đó được cách ly, điều trị tại bệnh viện. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, mụn nước không tăng thêm.

Thống kê của Bộ Y tế, số ca bệnh đậu mùa khỉ đang nhiễm HIV chiếm đa số (63% trường hợp). Ngoài TP. Hồ Chí Minh có 46/56 ca (1 ca tử vong), các ca còn lại được ghi nhận tại Lâm Đồng (2 ca), Long An (2 ca), Bình Dương (1 ca), Đồng Nai (1 ca), Tây Ninh (1 ca), Cần Thơ (1 ca) và 2 ca lây nhiễm từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam từ năm 2022.

Các ca đậu mùa khỉ hầu hết là nam giới (chiếm gần 93%), có tuổi trung bình từ 18-49 tuổi. Trong đó, gần 79% có xu hướng tình dục là đồng tính nam và lưỡng tính nam (MSM), dị tính gần 9%. Ngoài những bệnh nhân đang nhiễm HIV, 46% trường hợp mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương giám sát chủ động tại các cơ sở khám, chữa bệnh, sự kiện tại cộng đồng, các cửa khẩu và lồng ghép hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm phát hiện ca bệnh, kịp thời tư vấn, chăm sóc, điều trị, không để lây nhiễm và lây lan ra cộng đồng. Người bệnh và bạn tình được tư vấn xét nghiệm HIV, trường hợp nghi ngờ mắc bệnh được lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur hoặc Vệ sinh dịch tễ khu vực.

Sau khi phát hiện ca đậu mùa khỉ đầu tiên, CDC Tây Ninh khẩn trương phối hợp TTYT huyện Dương Minh Châu và Trạm Y tế xã Chà Là tiến hành khử khuẩn, xử lý môi trường ổ dịch, đặc biệt khu vực bệnh nhân lưu trú, nơi làm việc, đồ vật có tiếp xúc (nền nhà, tay nắm cửa, quần áo, chăn màn, các đồ vật trong nhà...), phương tiện vận chuyển bằng dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05% Clo hoạt tính.

Song song đó, tăng cường phối hợp liên ngành triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, kiểm tra, giám sát các hoạt động tại địa phương, thực hiện hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại nơi bệnh nhân làm việc theo quy định.

Điều tra mở rộng các địa điểm dịch tễ có liên quan đến trường hợp bệnh (nơi ở, nơi làm việc...) theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ.

Điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp bệnh nghi ngờ và tiếp tục theo dõi diễn tiến ca bệnh; đồng thời lập danh sách, hướng dẫn đối tượng có tiếp xúc gần tự theo dõi sức khoẻ trong 21 ngày (đo nhiệt độ 2 lần/ngày).

Các trường hợp có triệu chứng nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau họng, khó chịu, mệt mỏi, phát ban và nổi hạch... cần hạn chế tiếp xúc người khác và thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, lấy mẫu xét nghiệm và điều trị, cách ly kịp thời.

 CDC Tây Ninh khuyến cáo những người tiếp xúc gần trong thời gian theo dõi, kể cả không có triệu chứng, không được hiến máu, tế bào, mô, cơ quan, sữa mẹ hoặc tinh dịch, hạn chế tiếp xúc người khác, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch.

Người chăm sóc người bệnh phải thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang y tế, kính đeo mắt, găng tay,... trong quá trình tiếp xúc gần với người bệnh; rửa tay ngay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh. Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người bệnh và những người khác.

Giang Nguyên Đông

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục