Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Một số dự án, tiểu dự án ít được quan tâm đánh giá hiệu quả, chưa đánh giá rõ được hiệu quả tổng hợp và tác động, đóng góp của từng dự án đối với kết quả giảm từng tiêu chí trong các đối tượng hộ nghèo.
Đại biểu HĐND tỉnh trò chuyện với người dân thuộc thuộc diện hộ nghèo (đúng đối tượng) ở huyện Gò Dầu (Ảnh minh hoạ)
“Việc thực hiện các chính sách, dự án thuộc Chương trình giảm nghèo và các chương trình liên quan đến công tác giảm nghèo tại địa phương, nhìn chung đạt mục tiêu, chỉ tiêu tiến độ kế hoạch đề ra (thể hiện rõ ở tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hiện nay còn rất thấp, năm 2019 toàn tỉnh còn 5.269 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,69% tổng số hộ gia đình). Tây Ninh là 1 trong 5 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất so với cả nước” – HĐND tỉnh đánh giá về kết quả giám sát việc thực hiện Chưong trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn những tồn tại, hạn chế.
Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người nghèo còn có mặt hạn chế, từng lúc, từng nơi còn thiếu tập trung, nội dung và hình thức tuyên truyền chưa phong phú, nên hiệu quả tác động chưa cao. Một bộ phận người nghèo vẫn không muốn vươn lên thoát nghèo, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không quan tâm học nghề, tạo sinh kế để phát triển kinh tế gia đình và thoát nghèo.
Công tác kiểm tra, giám sát toàn diện việc thực hiện Chương trình giảm nghèo của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chưa được thực hiện. Do đó, còn một số dự án, tiểu dự án ít được quan tâm đánh giá hiệu quả; chưa đánh giá rõ được hiệu quả và tác động, đóng góp của từng dự án đối với kết quả giảm từng tiêu chí trong các đối tượng hộ nghèo.
Sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND ngày 29.5.2018 về quy định mức hỗ trợ các đối tượng tham gia dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững tỉnh giai đoạn 2018-2020, việc thực hiện dự án hỗ trợ sản xuất có chuyển biến nhưng vẫn chưa có nhiều đổi mới, chưa đa dạng về mô hình hỗ trợ, cách thức thực hiện.
Việc huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện các dự án còn hạn chế, chưa có sự điều phối chung cũng như lồng ghép các dự án cùng triển khai trên địa bàn đế tập trung nguồn lực thực hiện giảm nghèo.
Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho hộ nghèo chưa hiệu quả, do ngành nghề, hình thức, phương pháp đào tạo chưa thật sự phù hợp nên chưa thu hút được người nghèo tham gia.
Việc rà soát hộ nghèo còn bất cập, chưa có sự đồng bộ giữa các địa phương, tạo sự chênh lệch trong đời sống của hộ nghèo giữa các địa phương trong tỉnh. Việc phân loại hộ nghèo chưa sát thực tế dẫn đến việc hỗ trợ sản xuất nhiều trường hợp không phù hợp. Ở một số địa phương vẫn còn tình trạng tách hộ để hưởng chính sách của hộ nghèo.
Trong một số lần giám sát về chính sách giảm nghèo, HĐND tỉnh ghi nhận có trường hợp cả bốn mẹ con trong một gia đình, sau khi tách khẩu đều thuộc diện hộ nghèo. Mô hình nuôi bò để thoát nghèo cũng còn nhiều bất cập, có hộ nhận bò buổi sáng buổi chiều đã bán.
Đ.V.T