Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tây Ninh: Hoạt động bến thủy nội địa ngày càng đi vào nề nếp
Thứ sáu: 14:08 ngày 15/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra vẫn còn một số bến lắp đặt báo hiệu đường thủy nội địa, bảng nội quy không đầy đủ hoặc không đúng quy định; trong quá trình hoạt động khai thác bến thủy nội địa để đất, cát, đá rơi xuống vùng nước hoặc có hành vi làm ảnh hưởng đến bờ kè; hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa trên các tuyến sông, các công trình vượt sông qua quá trình sử dụng bị bạc màu sơn, không đảm bảo an toàn cho phương tiện thủy lưu thông. Đây là vấn đề mà các cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành đẩy mạnh chấn chỉnh để hoạt động bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp.

Một bến thủy nội địa (xã Thanh Điền, huyện Châu Thành) kinh doanh vật liệu xây dựng ven rạch Tây Ninh.

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có hơn 617km sông, kênh, rạch chính và 27.000ha diện tích mặt nước hồ Dầu Tiếng đã hoạt động đường thủy nội địa tương đối ổn định. Tuy nhiên, các tuyến đường thủy nội địa trên phần lớn chưa được công bố luồng nên công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại địa phương gặp một số khó khăn. 

Cùng với đó,  tình trạng lục bình dày đặc trên sông vào mùa khô gây cản trở hoạt động, gia tăng chi phí nhiên liệu, thời gian lưu thông của các phương tiện thủy, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Vừa qua, Đoàn công tác phối hợp kiểm tra liên ngành đường thủy nội địa năm 2024 đã tổ chức kiểm tra 3 đợt, với 219 lượt cán bộ tham gia. Tổng số cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn gồm 4 cảng, 134 bến thủy nội địa; trong đó, 78 bến và 4 cảng đang hoạt động; 56 bến tạm ngưng hoạt động.

Chủ bến thủy nội địa trong lòng hồ Dầu Tiếng, sông Tha La phải đăng kiểm lại các phương tiện thủy nội địa (tàu hút cát) theo quy định. ảnh minh họa

Đoàn kiểm tra thực hiện tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn Luật Giao thông đường thủy nội địa, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa mới ban hành bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp cho từng đối tượng; tuyên truyền vận động chủ phương tiện, chủ bến khách, người tham gia giao thông về trang bị, sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh.

Đồng thời, tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm, đúng quy định các hành vi vi phạm quy định: về xây dựng, quản lý, khai thác, bảo vệ kết cấu hạ tầng và tổ chức các hoạt động trên đường thủy nội địa; vi phạm quy định về hoạt động của phương tiện; vi phạm quy định về hoạt động của thuyền viên, người lái phương tiện, chủ phương tiện; vi phạm quy tắc giao thông và quy định về tín hiệu của phương tiện; vi phạm quy định về quản lý, khai thác cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu; vi phạm quy định về vận tải đường thủy nội địa; phương tiện không duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giữa hai kỳ kiểm tra, phương tiện chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, quá số người quy định, người điều khiển phương tiện không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chúng chỉ chuyên môn, vi phạm quy định về hoa tiêu,... và các quy định đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Kiểm tra hoạt động vận tải tại các bến khách ngang sông; kiểm tra tình trạng vó cá, bè cá nằm giữa dòng sông gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Các quán ăn lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường thủy trên sông Vàm Cỏ Đông ( huyện Châu Thành) xây cất tạm bợ, sơ sài.

Qua công tác kiểm tra, Đoàn lập biên bản, cho viết cam kết và đề nghị các tổ chức, cá nhân không đưa các phương tiện hết thời hạn kiểm định vào hoạt động, đồng thời tiến hành khắc phục ngay các lỗi vi phạm đã được đoàn kết luận trong biên bản kiểm tra. 

Hướng dẫn và cung cấp biểu mẫu để các chủ cảng, bến lắp đặt lại báo hiệu đường thủy nội địa theo tiêu chuẩn quy định; Đề nghị chủ bến thủy nội địa trong lòng hồ Dầu Tiếng, sông Tha La tiến hành các thủ tục để đăng kiểm lại các phương tiện thủy nội địa (tàu hút cát) theo quy định trước khi đưa vào hoạt động khai thác.

Hầu hết các chủ, cảng bến thủy nội địa đã khắc phục các lỗi vi phạm. Tuy nhiên, tại huyện Châu Thành vẫn còn 1 bến thủy nội địa và 5 hộ kinh doanh quán ăn ven sông chưa khắc phục vi phạm: bến thủy nội địa Tầm Long, Giấy phép bến thủy số 26/QĐ-SGTVT cấp ngày 31.1.2023, thời hạn hoạt động đến ngày 31.12.2025. Vi phạm: không có bảng nội quy hoạt động bến thủy, yêu cầu khắc phục.

Riêng 5 hộ kinh doanh quán ăn ven sông xây nhà không đúng quy định trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng thủy nội địa. Đoàn kiểm tra kiến nghị Ban An toàn giao thông tỉnh chỉ đạo Ban An toàn giao thông huyện Châu Thành xử lý tình trạng các hộ dân kinh doanh ăn uống xây nhà, lều vi phạm kết cấu hạ tầng an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Trao đổi về vấn đề trên, lãnh đạo phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Châu Thành cho biết, sẽ tham mưu UBND huyện có biện pháp xử lý cũng như phối hợp với Ban an toàn giao thông các xã có quán ăn vi phạm xử lý trong thời gian tới.

Nhìn chung qua công tác kiểm tra,  tất cả các cảng, bến thủy nội địa đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đều chấp hành các quy định về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa: sử dụng đúng vùng đất, vùng nước đã được cấp phép; tiếp nhận phương tiện có tải trọng, mớn nước, kích thước phù hợp khi vào, rời cảng, bến; thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường; có phương án phòng, chống cháy nổ theo quy định.

Tuy nhiên, qua kiểm tra vẫn còn một số bến lắp đặt báo hiệu đường thủy nội địa, bảng nội quy không đầy đủ hoặc không đúng quy định; trong quá trình hoạt động khai thác bến thủy nội địa để đất, cát, đá rơi xuống vùng nước hoặc có hành vi làm ảnh hưởng đến bờ kè; hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa trên các tuyến sông, các công trình vượt sông qua quá trình sử dụng bị bạc màu sơn, không đảm bảo an toàn cho phương tiện thủy lưu thông. Đây là vấn đề mà các cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành đẩy mạnh chấn chỉnh để hoạt động bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp.

Thiên Tâm

Tin cùng chuyên mục