Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều với Việt Nam tăng trung bình hằng năm trên 30%. Năm 2009, đạt 1,333 tỷ USD. Ước năm 2010, kim ngạch 2 chiều đạt khoảng 1,7 tỷ USD.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Hùng Việt phát biểu khai mạc Hội thảo. |
(BTNO) - Nằm trong chương trình Hội chợ ngành Công thương - Xây dựng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đông Nam bộ, sáng 22.12, Bộ Công thương phối hợp với Sở Công thương tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội thảo “Phát triển xuất nhập khẩu và đầu tư giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đông Nam bộ với thị trường Campuchia”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Hùng Việt nhấn mạnh, Hội thảo này là cơ hội cho các doanh nghiệp giao lưu, gặp gỡ từ đó nắm bắt và xây dựng chiến lược mở rộng, phát triển thị trường, đặc biệt là Campuchia - thị trường xuất nhập khẩu trọng điểm với tiềm năng hợp tác, kinh doanh là rất lớn. Bên cạnh đó, qua các hoạt động của Hội thảo, UBND tỉnh Tây Ninh và các tỉnh, thành trong khu vực càng thêm gắn bó, liên kết hiệu quả hơn trong lãnh đạo phát triển bền vững.
Ông Đỗ Thanh Hoà – Giám đốc Sở Công thương Tây Ninh cho biết, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đông Nam bộ Việt Nam có 10 tỉnh, trong đó 3 tỉnh tiếp giáp Campuchia là Tây Ninh, Long An, Bình Phước với 4 cửa khẩu quốc tế (Hoa Lư, Bình Hiệp, Mộc Bài, Xa Mát), 6 cửa khẩu chính (Chàng Riệc, Phước Tân, Kà Tum, Tống Lê Chân, Phú Mỹ Tây, Hoàng Diệu) và 15 cửa khẩu phụ. Nhân dân hai nước có những mối quan hệ gắn bó và những nét tương đồng về kinh tế - xã hội, văn hoá, lễ hội truyền thống lâu đời. Với những ưu thế về địa lý, hệ thống các cặp cửa khẩu, các khu kinh tế cửa khẩu, hệ thống giao thông đường bộ, đường sông tương đối thuận lợi, các doanh nghiệp có nhiều lợi thế trong việc thiết lập và phát triển đầu tư, xây dựng hệ thống phân phối hàng hoá và dịch vụ của mình vào 2 thị trường Campuchia và Việt Nam.
Tại hội thảo, ông Chuol Van – Cục trưởng Cục Thương mại địa phương, cố vấn Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia cùng ông Sam Serei Rath – Giám đốc KCN Bavet và ông Tha Ry – Tổng Giám đốc Khu thương mại đặc biệt Tha Ry đã thông tin cho các doanh nghiệp Việt Nam những cơ hội cũng như những ưu đãi trong việc đầu tư vào thị trường Campuchia nói chung và các khu kinh tế, thương mại đặc biệt nói riêng.
Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp các tỉnh, thành phố miền Đông Nam bộ hết sức quan tâm đến thị trường Campuchia. Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều với Việt Nam tăng trung bình hằng năm trên 30%. Năm 2009, đạt 1,333 tỷ USD. Ước năm 2010, kim ngạch 2 chiều đạt khoảng 1,7 tỷ USD.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, kim ngạch xuất khẩu sang Campuchia tuy tăng khá cao nhưng chưa tương xứng do cơ sở vật chất kỹ thuật, thương mại tại khu vực cửa khẩu còn nhiều hạn chế như thiếu trung tâm thương mại, kho ngoại quan, hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm; các hệ thống giao thông, liên lạc, hệ thống thanh toán còn thiếu và yếu, cần phải đầu tư, nâng cấp; công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại còn yếu kém, chưa có sự khảo sát thị trường nghiêm túc, thiếu thông tin về cơ hội thương mại và đầu tư…
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Để đạt mức tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Vùng tăng trung bình 25-30%/ năm, các đại biểu thống nhất cần phải giải quyết những vấn đề tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật tại các cửa khẩu; quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng của nhau; tổ chức các hội chợ, triển lãm hàng Việt Nam tại Campuchia cũng như hàng Campuchia tại Việt Nam; thành lập các Trung tâm thương mại, văn phòng đại diện hoặc chi nhánh công ty tại mỗi nước để thuận tiện cho việc phân phối các sản phẩm…
Chiều cùng ngày, các doanh nghiệp nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và miền Đông Nam bộ đã đến khảo sát và tìm hiểu thông tin về Khu KTCK Mộc Bài và các khu kinh tế - thương mại đặc biệt tại tỉnh Svay Rieng – giáp với Tây Ninh.
Đặng Hoàng Thái