Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ban quản lý Dự án “Quản lý PCB tại Việt Nam” - Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường tổ chức Hội thảo phổ biến thông tin về quản lý các hợp chất hữu cơ khó phân huỷ (POP) và Polyclobyphenyl (PCB).

![]() |
(BTNO) - Chiều 26.9.2011, tại khách sạn Hoà Bình, Ban quản lý Dự án “Quản lý PCB tại Việt Nam” - Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường tổ chức Hội thảo phổ biến thông tin về quản lý các hợp chất hữu cơ khó phân huỷ (POP) và Polyclobyphenyl (PCB) theo yêu cầu của Công ước Stockholm.
Tham dự hội thảo có Giám đốc Sở Công thương Đỗ Thanh Hoà, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Trần Minh Sơn cùng đại diện các ngành Hải quan, Cảnh sát môi trường và Quản lý thị trường các tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Theo Bộ TN&MT, việc kiểm soát các chất POP là điều cần thiết và Việt Nam rất tích cực tham gia quản lý các loại hợp chất độc hại bằng việc phê chuẩn công ước Stockholm; luật bảo vệ môi trường; luật hoá chất và các quy định khác của pháp luật về quản lý hoá chất, bảo vệ sức khoẻ, vệ sinh lao động…Từ nay đến năm 2028, Việt Nam hạn chế sử dụng chất hữu cơ khó phân huỷ và dừng hẳn việc sử dụng hợp chất PCB.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe TS. Nguyễn Ngọc Vinh – Viện Môi trường và Tài Nguyên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh giới thiệu về POP, PCB và một số chất thải nguy hại khác - cách nhận biết POP/PCB; Ông Dương Minh Đức- Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan nói về những kinh nghiệm thực tế của Cơ quan Hải quan về kiểm soát xuất nhập khẩu hoá chất và chất thải qua biên giới; Ông Nguyễn Thành Yên – Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường, VEA giới thiệu về Công ước Basel và các qui định của Công ước Basel; TS. Vũ Thu Hạnh – Đại học Luật Hà Nội giới thiệu về Luật bảo vệ Môi trường, quy định pháp lý của Việt Nam về Quản lý PCB/POP.
Ông Nguyễn Đặng Sinh – Phó trưởng phòng Tổng hợp và phối hợp liên ngành – Cục Quản lý thị trường nêu thực trạng việc tiêu huỷ hàng hoá với một số nhóm hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng của lực lượng Quản lý thị trường; Ông Đỗ Thanh Bái – Chuyên gia An toàn hoá chất và Bảo vệ Môi trường nêu một số vấn đề về an toàn hoá chất ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm PCB/POP; Ông Nguyễn Ngọc Định – Phó trưởng ban Vật tư Xuất nhập khẩu, Tổng công ty Điện lực miền Nam (SPC) phát biểu về vấn đề quản lý và kiểm soát xuất nhập khẩu thiết bị, hoá chất trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng Công ty Điện lực miền Nam; Ông Nguyễn Xuân Sinh- Giám đốc TT Dữ liệu và hỗ trợ ứng phó sự cố hoá chất Bộ Công thương nêu các quy định và hoạt động quản lý xuất nhập khẩu thiết bị/hoá chất độc hại tại Việt Nam; Đại tá Phan Hữu Vinh – Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm về Môi trường chia sẻ kinh nghiệm của cơ quan Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (kiểm soát ô nhiễm hoá chất do hoạt động xuất nhập khẩu) và Ông Trần Hoàng Vy – Phó Chánh Thanh tra môi trường, Tổng cục Môi trường trình bày việc xử lý hành vi vi phạm đối với việc vận chuyển hoá chất, chất thải xuyên biên giới.
Chất hữu cơ khó phân huỷ PCB là một trong 21 nhóm chất của chất hữu cơ khó phân huỷ POP quy định trong Công ước Stockholm.
Loại chất này có thể gây tác hại nghiêm trọng đối với môi trường và sức khoẻ con người như ảnh hưởng về sinh sản, thần kinh, miễn dịch, ung thư, tổn thương gen; đồng thời do có đặc tính điện môi tốt, rất bền vững, không cháy, chịu nhiệt và sự ăn mòn hoá học. PCB được sử dụng khá phổ biến trong công nghiệp làm chất lỏng cách điện, lưu truyền nhiệt trong các máy biến thế, tụ điện, làm phụ gia trong sơn, giấy phôt không chứa cacbon, chất bị kín, chất dẻo.
PCB cũng được sử dụng như chất phụ gia của thuốc trừ sâu, chất chống cháy (trong vải, thảm, bọt polyurethane...) và trong dầu nhờn (dầu kính hiển vi, phanh, dầu cắt...).
DƯƠNG THUÝ TRINH