BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh: Hội thảo về thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến

Cập nhật ngày: 22/10/2010 - 11:41

Ngày 21.10.2010, UBND tỉnh Tây Ninh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo chuyên đề: “Thương mại điện tử và thanh toán trực truyến”. Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Văn Lợi, Viện trưởng Viện Thông tin học doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các chuyên gia, chuyên viên thuộc các cơ quan đại diện các bộ, ngành ở phía Nam, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh và gần 50 doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh.

Thực hiện Quyết định của Chính phủ ban hành Đề án quốc gia 191 về việc triển khai áp dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, cuộc hội thảo được tổ chức nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Tây Ninh cập nhật trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế toàn cầu. Đây là đề án mà Chính phủ quan tâm tạo điều kiện để các doanh nghiệp hội nhập, tiến tới thực hiện đề án “Chính phủ điện tử”.

Các đại biểu dự hội thảo

Hội thảo đã được nghe báo cáo đề dẫn về các chuyên đề: “Thực trạng công nghệ thương mại điện tử tại Việt Nam”. Trong thời gian qua, thương mại điện tử Việt Nam đã có bước phát triển rộng khắp cả nước, bước đầu mới chỉ tập trung ở hai thành phố lớn, nhưng đến nay đã ở 53 tỉnh, thành trong cả nước. Hầu hết các Sở Công thương trong nước đã có biên chế cán bộ, trang thiết bị và ứng dụng công nghệ điện tử. 96% doanh nghiệp trong nước có kết nối internet; 92% doanh nghiệp sử dụng phần mềm kế toán… Chuyên đề: “Thực hiện chữ ký số (thuật toán mã hoá) trong công nghệ thương mại điện tử”, nhằm phục vụ giao dịch thương mại qua mạng điện tử, với việc sử dụng “chữ ký số” mang lại hiệu quả rất lớn cho doanh nghiệp, giảm tối đa các chi phí hành chính, nhưng cũng cần phải thực hiện đúng các yếu tố như: tính an ninh bảo mật, tính nhất quán, tính xác thực, và tính chống chối bỏ. Đây là dịch vụ thương mại điện tử “CA công cộng” đảm bảo được nhiều yêu cầu, bảo đảm an toàn thông tin cho các giao dịch kinh doanh.

Tại hội thảo, đại biểu còn được nghe các chuyên viên an ninh mạng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình bày chuyên đề: “Khuyến cáo về các nguy cơ thanh toán trực tuyến” gồm: Hệ thống thanh toán điện tử hiện nay; tình hình thanh toán trực tuyến; các nguy cơ khi thanh toán trực tuyến, gồm các hành vi lừa đảo, gian lận trong thanh toán trực tuyến; các khuyến cáo khi thanh toán trực tuyến, doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, tiêu chuẩn công nghệ thông tin, phải thực hiện nghiêm ngặt các đặc tính, khi sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến. Đại diện Công ty Smarlink một trong những Công ty cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến, trình bày chuyên đề: “Thanh toán trực tuyến trên internet”. Một dịch vụ rất tiện ích, nhanh chóng và giảm tối đa chi phí hành chính. Hiện nay dịch vụ này đã thu hút nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia, và đang là “thị trường” rất đa dạng, tầm hoạt động rộng, độ chính xác cao.

Về phía Tây Ninh, đại diện Sở Công thương tỉnh báo cáo tình hình ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử trên phạm vi toàn tỉnh. Theo đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh đã khá phổ biến, đang trở thành phong trào thu hút các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân tham gia. Tuy nhiên việc áp dụng thương mại điện tử như giao dịch, đặt hàng, đấu thầu, thanh toán qua mạng, bán hàng trực tuyến hầu như chưa được triển khai thực hiện. Hiện chỉ có 30 doanh nghiệp có trang web riêng, nhưng chỉ có một số ít doanh nghiệp tham gia một số sàn giao dịch, đăng thông tin quảng cáo trên các sàn giao dịch, các website mua bán trực tuyến trong nước. Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo về chương trình hợp tác phát triển công nghệ thông tin, và các dịch vụ truyền thông phục vụ cộng đồng tại Tây Ninh.

Tham gia hội thảo, đại diện các doanh nghiệp đã đưa ra những câu hỏi, thắc mắc, băn khoăn trong thực hiện thương mại điện tử và giao dịch thanh toán trực tuyến như: Vấn đề cấp hoá đơn bán hàng cho khách mua hàng; biện pháp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi giao dịch, mua bán qua mạng; hành lang pháp lý cho các nhà cung cấp dịch vụ; mức phí khi đăng ký sử dụng chữ ký số... Các ý kiến đều đã được đại diện các bộ, ngành trả lời trực tiếp.

Ông Phan Thành Thắm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu tổng kết hội thảo, ghi nhận những báo cáo đề dẫn, báo cáo tham luận và các ý kiến thảo luận, chất vấn để làm cơ sở cho Sở tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 191 của Chính phủ.

KHẮC LUÂN