Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chính sách cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, ngày 20.10.2015 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 100) được Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Tây Ninh (NHCSXH Tây Ninh) triển khai từ tháng 4 năm 2018 đến nay với lãi suất ưu đãi và thời hạn vay kéo dài, đã giúp nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp được an cư lạc nghiệp. Tuy nhiên, việc phân bổ nguồn vốn còn hạn chế, cùng với nhiều yêu cầu về trình tự thủ tục khiến tiếp cận nguồn vốn này hiện gặp nhiều khó khăn.
Căn nhà khang trang vừa mới xây xong từ nguồn vốn chương trình cho vay nhà ở xã hội tại huyện Châu Thành.
Khó tiếp cận
Ông Hồ Thanh Thiện, ngụ khu phố Thanh Hà, thị trấn Gò Dầu (huyện Gò Dầu) cho biết, sau nhiều năm lập gia đình và sống cùng với cha mẹ, tháng 3.2021 vừa qua, anh làm hồ sơ vay vốn đề nghị phòng giao dịch NHCSXH huyện Gò Dầu tạo điều kiện vay vốn xây dựng nhà ở theo Nghị định 100.
Tuy nhiên, để được vay vốn, anh phải đáp ứng nhiều tiêu chí khá khó khăn, để hoàn thiện bộ hồ sơ vay vốn, anh đã phải tiêu tốn hơn 10 triệu đồng cho các chi phí như: thuê đơn vị thẩm định tài sản, ký hợp đồng xây dựng... đồng thời, mất không ít thời gian đi lại, xác nhận hồ sơ. Thế nhưng, đến nay anh vẫn chưa được vay vốn từ nguồn vốn này.
“Không chỉ rắc rối đáp ứng trình tự thủ tục hồ sơ mà điều kiện vay vốn của NHCSXH trong quá trình xây dựng nhà là phải có hoá đơn đỏ khi mua vật liệu xây dựng tức là giá mua sẽ cao hơn 10% so với mặt bằng mua bán kiểu thông thường.
Với giá trị căn nhà hàng trăm triệu đồng, thì việc tính thêm 10% tiền thuế như trên sẽ làm tăng chi phí xây dựng ngôi nhà lên cao hơn khi so với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng, như vậy người dân không được hưởng lợi như chính sách ban đầu”, ông Thiện chia sẻ thêm.
Còn theo một người dân xin giấu tên, gói tín dụng chính sách theo Nghị định 100 dù được triển khai hơn 3 năm, những người được vay lại đa phần là cán bộ, công chức còn lại gần như chưa có người dân nào được vay.
Ngoài việc nguồn vốn phân bổ hàng năm về các địa phương rất ít, thì nguyên nhân chính khiến các hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn chưa thể tiếp cận được còn là việc định giá tài sản thế chấp của ngân hàng quá thấp, chưa bằng 50% giá trị mua bán thực tế tại địa phương.
Bên cạnh đó, để hoàn chỉnh hồ sơ vay vốn, người dân còn phải đáp ứng nhiều tiêu chí khác do chính quyền địa phương xét duyệt, trong khi đối với các hộ là hộ nghèo, gia đình khó khăn thì mức thu nhập bảo đảm được được vay vốn là gần như không thể đáp ứng được.
Hơn 110 hộ được vay
Theo đại diện NHCSXH Tây Ninh, sau hơn 3 năm triển khai, đến cuối năm 2021 ngân hàng đã giải ngân cho 111 hộ vay với tổng dư nợ trên 37,2 tỷ đồng để mua, thuê nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo quy định của Nghị định 100 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi 4,8%/năm. Đây là chương trình ưu đãi dành cho đối tượng hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp có điều kiện an cư lạc nghiệp, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Người dân làm thủ tục nhận tiền giải ngân từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Châu Thành để làm nhà.
Năm 2021, Tây Ninh được NHCSXH Việt Nam phân bổ 20 tỷ đồng dành cho chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100, hiện NHCSXH Tây Ninh đã phân khai về cho các địa phương, trung bình mỗi huyện, thị xã và thành phố khoảng 2 tỷ đồng. Trong đó ưu tiên giải ngân cho các hộ vay mua các dự án nhà ở xã hội đang xây dựng tại địa phương.
Cũng theo đại điện NHCSXH Tây Ninh, các quy định về hoá đơn chứng từ khi thực hiện giải ngân nguồn vốn theo quy định của Nghị định 100 là hợp lý, bảo đảm minh bạch trong hoạt động cho vay và thu hồi vốn đối với khách hàng.
Hiện nay, NHCSXH Tây Ninh có quy trình, thủ tục cho vay rất rõ ràng. Các hộ vay vốn được bình xét từ hệ thống tổ tiết kiệm và vay vốn của các tổ chức chính trị xã hội và thông qua chính quyền địa phương, bảo đảm nguồn vốn giải ngân đúng đối tượng thụ hưởng. Trong quá trình giải ngân vốn, ngân hàng kết hợp với địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra và nghiệm thu thực tế, bảo đảm hỗ trợ tốt nhất cho người vay vốn.
Theo đại diện Phòng giao dịch NHCSXH huyện Gò Dầu, từ năm 2018 đến nay, Phòng đã giải quyết cho vay 11 hộ với số tiền 3 tỷ 598 triệu đồng với lãi suất ưu đãi và thời hạn cho vay từ 15 năm đến 25 năm theo quy định của Nghị định 100, qua đó đã tạo điều kiện cho các hộ vay có nhà ở ổn định, phát triển kinh tế gia đình, đáp ứng nhu cầu của đối tượng thụ hưởng khó khăn về nhà ở. Năm 2021 NHCSXH huyện mới được giao thực hiện 2 tỷ đồng cho vay chương trình này.
Đối với trường hợp của ông Hồ Thanh Thiện, việc ông Thiện làm hồ sơ vay vốn theo Nghị định 100 là ông tự tìm hiểu, phía nhân viên giao dịch của phòng hướng dẫn ông Thiện là do quen biết nên hướng dẫn theo trình tự thủ tục, đúng quy định.
Bên cạnh đó, do thời điểm ông Thiện làm hồ sơ xin vay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Gò Dầu chưa nhận được phân khai vốn của NHCSXH Tây Ninh nên không thể xét duyệt hồ sơ. Sau khi được phân khai vốn cụ thể, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Gò Dầu sẽ chuyển về các xã, thị trấn để triển khai đến tất cả người dân có nhu cầu vay, khi đó ông Thiện có thể liên hệ để Phòng xét duyệt hồ sơ theo quy định.
Nguyên An