Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo kế hoạch (dự thảo) của Tỉnh uỷ, lãnh đạo các ban, ngành trong tỉnh cần quán triệt nghị quyết nghiêm túc để cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc về tình hình, nguyên nhân, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Lãnh đạo Hội đồng Nhân dân tỉnh khảo sát công tác đầu tư thiết bị y tế tại Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, vừa qua, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện nghị quyết.
Theo kế hoạch (dự thảo) của Tỉnh uỷ, lãnh đạo các ban, ngành trong tỉnh cần quán triệt nghị quyết nghiêm túc để cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc về tình hình, nguyên nhân, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Các cơ quan, đơn vị phải nghiên cứu, xác định những nội dung, nhiệm vụ cần làm ngay cũng như những nội dung nhiệm vụ cần thực hiện theo lộ trình.
GIẢM CHI TRỰC TIẾP TỪ NGÂN SÁCH
Về mục tiêu cụ thể, theo kế hoạch, giai đoạn từ nay đến năm 2021, Tây Ninh thực hiện giảm mạnh các đầu mối, phấn đấu giảm 10% đơn vị sự nghiệp; giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2015.
Chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ những đơn vị đã bảo đảm tự chủ tài chính). Toàn tỉnh phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011-2015.
Hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện trở thành công ty cổ phần theo quy định của Trung ương (trừ bệnh viện và trường học). Đến thời điểm nêu trên, các ngành liên quan phải hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.
Năm 2025, tiếp tục giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương trực tiếp từ ngân sách so với năm 2021. Đến thời điểm này, phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính; 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần; tiếp tục giảm bình quân 10% chi phí trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016-2020.
Năm 2030 tiếp tục thực hiện việc giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý Nhà nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu. Đến giai đoạn này, giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2025 và giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021-2025.
Đặc biệt trong năm 2018, thực hiện nghiêm chỉ tiêu về giảm số lượng đơn vị và biên chế của các đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể, giảm 2,5% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh so với năm 2015; giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với số biên chế được giao năm 2015.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, cần thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp một cách khoa học. Trong đó, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các cơ quan đơn vị tiến hành rà soát, hoàn thiện và thực hiện quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo từng ngành, từng lĩnh vực.
Thực hiện sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ.
Không thành lập mới các đơn vị sự nghiệp công lập, trường hợp cần thiết phải thành lập mới thì đơn vị đó phải bảo đảm toàn bộ về tài chính (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu). Cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả.
SÁP NHẬP, THU GỌN ĐẦU MỐI
Đối với lĩnh vực y tế, khẩn trương hoàn thiện đề án nâng cao chất lượng Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong năm 2018, sang năm 2019 chuyển sang thực hiện theo cơ chế tự chủ về chi thường xuyên. Rà soát, kiện toàn chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm để thực hiện đủ các nhiệm vụ kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn về dược phẩm, thực phẩm và thiết bị y tế.
Hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng thuộc Sở Y tế thành Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (thực hiện xong trong năm 2018, kể cả sáp nhập Trung tâm Phòng, chống HIV-AIDS, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế và Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản). Rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của trung tâm y tế huyện, thành phố theo hướng thực hiện đa chức năng.
Các trung tâm y tế huyện, thành phố trực tiếp quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn và phòng khám đa khoa khu vực trên địa bàn (nếu có). Rà soát, sắp xếp các phòng khám đa khoa khu vực hoạt động không hiệu quả. Giải thể, sáp nhập các trạm y tế xã, phường, thị trấn ở những nơi đã có phòng khám đa khoa khu vực, trung tâm y tế huyện, thành phố.
Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ, trong năm 2018 sáp nhập Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng trực thuộc Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng vào Trung tâm Thông tin - Ứng dụng tiến bộ khoa học thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, bảo đảm Sở Khoa học và Công nghệ chỉ có một đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Đối với lĩnh vực văn hoá, thể dục thể thao, sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị sự nghiệp văn hoá, thể dục thể thao theo hướng tinh gọn chuyên nghiệp, hiệu quả. Thực hiện hợp nhất Trung tâm Văn hoá tỉnh, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng và Đoàn Nghệ thuật tỉnh thành một đầu mối.
Sáp nhập các trung tâm văn hoá, trung tâm thể thao, nhà văn hoá, thư viện, đài truyền thanh… trên địa bàn huyện, thành phố thành một đầu mối. Giải thể các Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng hoạt động không hiệu quả.
Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: hợp nhất Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông, Khuyến ngư huyện, thành phố thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực thuộc Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố và chuyển một số chức năng nhiệm vụ về quản lý Nhà nước ở các đơn vị này về Phòng Nông nghiệp hoặc Phòng Kinh tế huyện, thành phố.
Chuyển Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sang thực hiện cơ chế tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, đồng thời hạch toán như doanh nghiệp. Sáp nhập Ban quản lý khu rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc vào Ban quản lý Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.
Về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, chuyển Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường về trực thuộc Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố quản lý.
Trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, chăm sóc người có công, ngành Thương binh - Xã hội có nhiệm vụ tổ chức lại các cơ sở trợ giúp xã hội theo hướng hỗ trợ chăm sóc phục hồi chức năng, trợ giúp các nhóm đối tượng dựa vào cộng đồng. Phát triển các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hợp nhất các trung tâm bảo trợ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng thành trung tâm bảo trợ đa chức năng.
Việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như kinh tế, quản lý cửa khẩu, tư pháp, công thương và cả các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.
Những thiết chế văn hoá hoạt động không hiệu quả sẽ bị giải thể.
CỖ MÁY SẮP CẠN NHIÊN LIỆU
Sắp xếp, tổ chức lại bộ máy Nhà nước, tinh giản biên chế theo tinh thần của Hội nghị Trung ương 6 (khoá XII) đã trở nên hết sức cấp bách. Vẫn biết rằng mỗi hình thức, mô hình tổ chức bộ máy Nhà nước bao giờ cũng phù hợp với một giai đoạn phát triển nhất định.
Nhưng cũng phải thẳng thắn mà nhìn nhận, suốt một thời kỳ dài, chúng ta đã quá đà trong việc phát triển quy mô, nặng tính hình thức nhưng lại ít chú ý đến tính hiệu quả. Điều đó dẫn đến bộ máy Nhà nước được tổ chức cồng kềnh, lãng phí cả về nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất.
Có đại biểu Quốc hội đã phát biểu rằng, bộ máy Nhà nước hiện nay được ví như một cỗ máy cồng kềnh, nặng nề, cần nhiều nhiên liệu để hoạt động, nhưng “nhiên liệu” đã gần cạn. Vì vậy, Nghị quyết 19 của Trung ương Đảng vừa ban hành là để khắc phục, thậm chí “sửa sai” những vấn đề nêu trên.
Sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp và tinh giản biên chế là một vấn đề không hề đơn giản. Bởi vì khi giải quyết vấn đề này sẽ tác động, “động chạm” đến từng tổ chức, từng con người cụ thể và chắc chắn khó tránh khỏi những vấn đề nảy sinh. Có những vấn đề, những lĩnh vực thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của địa phương nhưng cũng có nhiều lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Trung ương.
Nghị quyết mà Trung ương vừa ban hành đã cụ thể hoá những việc cần làm ngay và hoàn toàn có làm ngay được. Tuy vậy, để bảo đảm tính đồng bộ, song hành giữa nghị quyết của Đảng và các văn bản pháp luật của Nhà nước, việc sửa đổi, bổ sung nhiều luật và cả văn bản dưới luật (nghị định, thông tư) là vấn đề cần được đặt ra lúc này.
VIỆT ĐÔNG
(Trích dự thảo kế hoạch của tỉnh)