Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hội đồng nhân dân tỉnh làm việc với Sở Giáo dục - Đào tạo:

Tây Ninh không nhất thiết phải có trường đại học

Cập nhật ngày: 23/09/2015 - 06:13

Ứng viên tham gia dự tuyển vào ngành Giáo dục, năm học 2015 – 2016.

Chủ trương xây trường đại học, mở rộng loại hình trường lớp dạy hai buổi một ngày, chất lượng đào tạo, chất lượng giáo viên, học sinh bỏ học… là các nội dung được quan tâm tại buổi giám sát của HĐND tỉnh đối với Sở Giáo dục - Đào tạo diễn ra sáng hôm qua, 22.9.

HOÀN THÀNH PHỔ CẬP GIÁO DỤC MẦM NON 5 TUỔI

Báo cáo với HĐND tỉnh về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 và phương hướng nhiệm vụ của giai đoạn 2016 - 2020, lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết, theo Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2011 - 2015, đến năm 2015 toàn tỉnh có 95/95 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi.

Đến nay có 95/95 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, đạt tỷ lệ 100%. Mặc dù tỷ lệ trẻ trong độ tuổi ra lớp đã đạt tỷ lệ theo quy định nhưng Tây Ninh chưa được Bộ Giáo dục - Đào tạo công nhận đạt chuẩn, vì tỷ lệ trẻ 3 tuổi ra lớp còn thấp, chưa đến 70% trong khi cả nước bình quân đạt gần 90%.

Cũng liên quan đến phổ cập giáo dục, ở cấp tiểu học, toàn tỉnh tiếp tục duy trì 9 huyện, thành phố với 95 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học chung của toàn tỉnh đạt 93,3%.

Tương tự như vậy, cấp THCS cũng đang duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tại 95/95 xã, phường, thị trấn. Đối với cấp trung học phổ thông, hiện cả tỉnh có 24/95 xã phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập. Công tác xoá mù chữ tiếp tục được củng cố, duy trì và phát huy hiệu quả. Cụ thể: tỷ lệ người biết chữ độ tuổi 15-35 trên dân số đạt 99,7%; tỷ lệ người biết chữ độ tuổi 36-60 trên dân số đạt 97,4%. Toàn tỉnh có 95/95 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xoá mù chữ.

Về việc thực hiện các đề án, nhiệm vụ, kế hoạch, lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết, Đề án phát triển Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha (xây mới hoàn toàn) đang trình UBND tỉnh cho chủ trương quy mô đầu tư. Đối với Đề án phát triển bán trú ở các cấp học, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 99 trường mầm non và 31 trường tiểu học tổ chức bán trú.

Ở bậc giáo dục chuyên nghiệp, cao đẳng và dạy nghề, Đề án nâng cấp Trường cao đẳng sư phạm Tây Ninh lên đại học và Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật lên trường cao đẳng đã thực hiện theo đúng quy trình thành lập trường đại học, cao đẳng và đã trình Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa được phê duyệt. Riêng đề án nâng cấp Trường trung cấp Y tế lên cao đẳng đang hoàn chỉnh hồ sơ chuẩn bị đầu tư.

Liên quan đến đầu tư phát triển cơ sở vật chất dành cho ngành, lãnh đạo Sở cho biết, trong thời gian qua, các cơ sở giáo dục đào tạo, dạy nghề được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Đến nay có 7 trung tâm giáo dục thường xuyên đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, gồm một trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh và sáu trung tâm của các huyện. Trong giai đoạn 2011-2015 đã có 47 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, luỹ kế đến nay toàn tỉnh có 116 trường đạt chuẩn quốc gia.

Đánh giá về chất lượng giáo dục đào tạo, theo lãnh đạo Sở, số học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng. Cụ thể như sau: Năm học 2013-2014, số học sinh trúng tuyển đại học trên tổng số dự thi là 2.200/10.195, đạt 21,6%; năm học 2014 - 2015, số học sinh trúng tuyển đại học trên tổng số dự thi 2.200/10.195, đạt 21,57%. Các con số vừa nêu chưa tính số thí sinh trúng tuyển vào hệ cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.

VÙNG SÂU - CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

Nhìn lại quãng thời gian từ 2011 - 2015, lãnh đạo ngành Giáo dục cho rằng đã làm được nhiều việc. Trong đó, mạng lưới trường lớp các cấp học được quy hoạch phù hợp theo từng địa bàn để huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp.

Cơ sở vật chất được đầu tư theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá. Số phòng học kiên cố được xây dựng ngày càng nhiều hơn, có đủ phòng học, phòng chức năng, sân chơi, bãi tập, hàng rào, nhà vệ sinh... Tài liệu, các phương tiện, thiết bị dạy học được bổ sung thường xuyên, bảo đảm tối thiểu yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục.

Tỷ lệ huy động trẻ mầm non các độ tuổi ra lớp đều tăng hằng năm. Trong đó, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt và vượt tiêu chuẩn công nhận phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Các huyện, thành phố hoàn thành công tác phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi đúng tiến độ theo kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2010 - 2015.

Cũng liên quan đến bậc học mầm non, tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học ở một số xã còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh. Trong đó, xã Tân Thành, huyện Tân Châu chỉ mới đạt 82,2%; xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên đạt 81,5%; xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành đạt 86,9% (mặt bằng chung của tỉnh là hơn 93%).

Giải thích cho hiện tượng nêu trên, lãnh đạo ngành cho rằng nguyên nhân một phần là do chất lượng dạy và học còn hạn chế. Hiện tượng di cư từ nơi khác về sinh sống và làm việc tại các nông, lâm trường cũng là nhân tố làm cho  việc nâng tỷ lệ đạt chuẩn ở một số xã gặp không ít khó khăn. Một mục tiêu nữa không đạt, đó là kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011 - 2015, chỉ thực hiện được 47/130 trường.

HƠN 80% HỌC SINH TIỂU HỌC SẼ HỌC HAI BUỔI MỖI NGÀY

Báo cáo với HĐND tỉnh, lãnh đạo ngành Giáo dục cho biết, trong thời gian tới (giai đoạn 2016 - 2020), toàn ngành sẽ đẩy mạnh việc mở rộng loại hình trường dạy - học hai buổi mỗi ngày. Trong đó, ở cấp tiểu học, 85% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày; 100% học sinh tiểu học từ lớp 3 đến lớp 5 được học ngoại ngữ.

Đối với cấp THCS, sẽ có khoảng 50% học sinh được học 2 buổi/ngày. Trong những năm tới, ngành Giáo dục nỗ lực để duy trì đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tiến tới phổ cập giáo dục trung học tự nhiên và bền vững. Đối với giáo dục thường xuyên, phấn đấu nâng tỷ lệ người biết chữ ở độ tuổi 15-35 lên 99,8%, trên 35 tuổi là 96,5%.

Về giáo dục chuyên nghiệp, theo kế hoạch của Sở, trong những năm tới, toàn ngành phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở đi học trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề; phát triển giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm tỷ lệ lao động qua đào tạo và dạy nghề đạt 70%.

Trong những năm tới, ngành Giáo dục tập trung xây dựng trường mầm non tại các khu, cụm công nghiệp (Trảng Bàng, Gò Dầu và Dương Minh Châu) để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ nhà trẻ (6 tháng tuổi đến dưới 3 tuổi) của người lao động.

Ngành Giáo dục tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học, tập trung dạy phương pháp học, phương pháp tư duy và tự học, phù hợp với từng cấp học.

Chuyển quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo; chuyển từ chủ yếu thực hiện chương trình giáo dục trên lớp học sang tổ chức đa dạng các hình thức thực hiện chương trình giáo dục; lấy người học làm trung tâm trong hoạt động dạy - học; tăng cường các hoạt động xã hội, nghiên cứu khoa học của người học.

Một thông tin đáng chú ý được lãnh đạo Sở nêu lên tại buổi giám sát là sáp nhập Trung tâm giáo dục thường xuyên thành phố Tây Ninh vào Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

KHÔNG NHẤT THIẾT PHẢI CÓ TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Phát biểu tại buổi giám sát, có ý kiến bày tỏ lo ngại về tình hình phổ cập giáo dục, vì hiện nay học sinh bỏ học vẫn còn nhiều, ngành Giáo dục cần tìm giải pháp để hạn chế số học sinh bỏ học. Theo ông Nguyễn Thành Tuân, Phó Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh, ngành cần đánh giá chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh; đồng thời đánh giá đúng thực tế tình hình phân luồng sau THCS.

Ông Tuân cho rằng, cần xem xét cho sáp nhập luôn Trung tâm giáo dục thường xuyên Hoà Thành, Trung tâm giáo dục thường xuyên TP. Tây Ninh vào Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh. Ông Nguyễn Thành Tuân cũng đề nghị xem lại tình hình đào tạo, tuyển sinh ở Trường CĐSP Tây Ninh vì nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp không tìm được chỗ làm trong ngành.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Ban Pháp chế HĐND tỉnh nêu: tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia thấp, vậy lúc lập kế hoạch, ngành Giáo dục căn cứ vào đâu, dựa vào cơ sở nào để đưa con số xây dựng trường chuẩn quốc gia? Ông Lê Anh Tuấn, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị ngành Giáo dục đánh giá đúng thực chất chất lượng của giáo viên, giảng viên xem chất lượng có tương đương với số lượng không.

Ông Tuấn cũng cho rằng đánh giá số lượng, tỷ lệ sinh viên vào đại học cần khách quan, toàn diện, không thể nói rằng, số sinh viên đậu đại học nhiều chứng tỏ chất lượng đào tạo tăng, vì nhiều trường đại học đang tìm mọi cách để thu hút sinh viên.

Ông Lâm Tấn Đông, Uỷ viên Thường trực HĐND tỉnh đề nghị Sở Giáo dục - Đào tạo giải thích tại sao giáo dục ngoài công lập ở Tây Ninh khó phát triển, nhất là ở bậc học phổ thông. Bà Nguyễn Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh cho rằng không nhất thiết phải xây trường đại học ở Tây Ninh, vì nhiều tỉnh lân cận có trường đại học nhưng tuyển sinh không được. Đề cập vấn đề xây dựng trường lớp ở các xã nông thôn mới, bà Phan Thị Điệp, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng có thể đang có tình trạng lãng phí, vì công suất, quy mô của trường lớn hơn nhiều so với số dân cư.

Kết thúc phiên họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hùng Việt ủng hộ đề xuất của lãnh đạo ngành Giáo dục là không đưa Trường CĐSP Tây Ninh vào kế hoạch nâng cấp thành trường đại học. Chủ tịch Võ Hùng Việt đề nghị lãnh đạo Sở GD - ĐT rà soát lại các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành trong 5 năm tới để bảo đảm tính hợp lý, tính khoa học. Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị lãnh đạo ngành xem xét việc thuyên chuyển giáo viên đang công tác ở vùng sâu vùng xa, vì nhiều người đã hết hạn công tác theo quy định.

Tại buổi làm việc, ông Đổng Ngọc Lập, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo giải trình những vấn đề mà thành viên đoàn giám sát nêu lên. Trong đó, ông cho biết, việc thuyên chuyển giáo viên vùng sâu trở về nội địa sẽ khó khăn, vì phải xem nơi đến còn thiếu giáo viên hay không, giáo viên đó đi khỏi trường có người thay thế hay không.

VIỆT ĐÔNG

Các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, gồm: Phổ cập mẫu giáo 5 tuổi đạt 98,3%; tỷ lệ trẻ em 6 tuổi ra lớp hằng năm đạt 99,99%; tỷ lệ trẻ hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,3%; tiếp tục duy trì và giữ vững chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1; duy trì chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở; kiên cố hoá trường lớp học (kế hoạch giai đoạn 2011 - 2015: 1200 phòng), đã hoàn thành đưa vào sử dụng 1.433 phòng học.