Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh - Long An: Liên kết, hợp tác cùng phát triển trên lĩnh vực công thương 

Cập nhật ngày: 04/11/2023 - 00:10

BTN - Sáng 3.11, Sở Công Thương Tây Ninh tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện kế hoạch liên tịch thoả thuận hợp tác phát triển lĩnh vực công thương giai đoạn 2022-2023, gắn với kết nối xúc tiến tiêu thụ sản phẩm hàng hoá giữa doanh nghiệp hai tỉnh Tây Ninh và Long An.

Khách hàng tham quan sản phẩm mãng cầu của HTX DVNN Minh Trung, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Nhi Trần

Đoàn công tác Sở Công Thương tỉnh Long An do bà Châu Thị Lệ- Phó Giám đốc Sở làm trưởng đoàn dự hội nghị.

Giao thương, kết nối ngày càng đi vào chiều sâu

Từ năm 2022-2023, hoạt động liên kết, hợp tác phát triển công thương giữa Tây Ninh và Long An thực hiện được nhiều nội dung công việc theo bản kế hoạch ký kết. Trong đó, hai tỉnh đã tổ chức các hoạt động kết nối để làm cầu nối giúp doanh nghiệp tìm hiểu nhu cầu tiến tới ký kết hợp đồng, hợp tác sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hoá, tham gia bình ổn thị trường; đặc biệt giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng hai tỉnh. Ngoài ra, hai tỉnh cũng thường xuyên trao đổi công tác quản lý Nhà nước giúp nâng cao hoạt động quản lý của ngành Công Thương hai tỉnh.

Để phát triển giao thương, kết nối ngành Công Thương hai tỉnh ngày càng thiết thực và đi vào chiều sâu, lãnh đạo hai đơn vị đều cho rằng cần tập trung đẩy mạnh nhiều hoạt động, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã hai địa phương hợp tác tiêu thụ sản phẩm của nhau, nhất là hàng hoá nông sản đặc trưng, thế mạnh của mỗi tỉnh như: triển khai các hợp đồng ghi nhớ, hợp đồng nguyên tắc đã được ký kết; tạo thuận lợi cho hàng hoá của hai bên tiếp cận đến người tiêu dùng qua các kênh phân phối trực tiếp giúp giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Trong thời gian tới, ngành Công Thương hai tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ trên các lĩnh vực liên kết hợp tác, chú trọng mời gọi đầu tư khai thác các lĩnh vực, các ngành mà mỗi địa phương có lợi thế như công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu, công nghiệp thay thế hàng nhập khẩu, cụm công nghiệp, năng lượng tái tạo, thương mại điện tử, kinh tế số; vận động, hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu, mở rộng hợp tác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; khuyến khích doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của nhau nhằm xây dựng chuỗi cung ứng hàng hoá ổn định, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Vận động, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại hai tỉnh, kết nối cung - cầu hàng hoá; chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về các khu, cụm công nghiệp nhằm xúc tiến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hoá, mở rộng mạng lưới phân phối bán buôn, bán lẻ hàng hoá tại hai tỉnh; tham gia bình ổn thị trường.

Ngoài ra, hai đơn vị cũng phối hợp trao đổi thông tin xây dựng chính sách về khuyến công và công nghiệp hỗ trợ, trong tham mưu quản lý phát triển dịch vụ logistics; đẩy mạnh trao đổi thông tin, kinh nghiệm thực tiễn về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực công thương, công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển thuộc lĩnh vực ngành.

Kết nối xúc tiến tiêu thụ sản phẩm hàng hoá

Cũng trong ngày 3.11, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại của hai tỉnh Tây Ninh, Long An và các đơn vị có liên quan tổ chức “Hội nghị kết nối xúc tiến tiêu thụ sản phẩm hàng hoá giữa doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An năm 2023”.

Khách hàng tham quan các sản phẩm của Công ty TNHH đông dược Vĩnh Xuân, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Nhi Trần

Tham dự có lãnh đạo Sở Công Thương 2 tỉnh, các Hiệp hội Doanh nghiệp, lãnh đạo Tập đoàn Central Retail, Siêu thị Go - Hoà Thành, doanh nghiệp tham gia kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm hàng hoá của 2 tỉnh Tây Ninh và Long An.

Buổi kết nối được tổ chức từ ngày 3-5.11.2023. Dịp này, các cơ sở, doanh nghiệp, HTX của hai tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm và kết nối trực tiếp với hệ thống phân phối.

Lãnh đạo Sở Công Thương Tây Ninh cho biết, việc kết nối doanh nghiệp giữa 2 tỉnh là hoạt động được Tây Ninh và Long An tổ chức thường niên, góp phần tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp 2 tỉnh liên kết, phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá trong nước; phát triển kênh phân phối bán buôn, bán lẻ, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, sản xuất trong nước.

Ngoài ra, chương trình tạo cầu nối cho doanh nghiệp của 2 tỉnh Tây Ninh - Long An trực tiếp trao đổi, giới thiệu các sản phẩm đặc sản - đặc trưng tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh có nhu cầu kết nối tiêu thụ với nhau để mở rộng mạng lưới phân phối bán buôn, bán lẻ tại địa phương.

Khách hàng tham quan sản phẩm từ nấm bào ngư của Cơ sở sản xuất nấm bào ngư Thanh Nhàn, tỉnh Long An. Ảnh: Nhi Trần

Tại hội nghị, Sở Công Thương Long An giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh thương mại của địa phương để các doanh nghiệp, nhà phân phối lựa chọn sản phẩm đưa vào hệ thống phân phối, tìm kiếm, hợp tác đầu tư. Đồng thời, thảo luận, đánh giá, phân tích và đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển sản xuất, kết nối thị trường hàng hoá giữa 2 tỉnh trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình kết nối tại các kênh phân phối, siêu thị nói chung và đối với Tập đoàn Central Retail nói riêng; đề xuất một số giải pháp phát triển sản xuất và kết nối thị trường hàng hoá giữa các tỉnh trong thời gian tới; tìm hiểu những quy định, quy trình, hồ sơ pháp lý khi làm việc, kết nối với các hệ thống phân phối, kênh siêu thị của Tập đoàn Central Retail hiện nay.

Tại buổi kết nối, Sở Công Thương Tây Ninh ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Central Retail. Tây Ninh sẽ tạo điều kiện cho các chi nhánh, siêu thị, trung tâm thương mại kết nối và thực hiện phân phối hàng hoá vào các điểm bán tại siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ của Tập đoàn; hỗ trợ mời gọi các nhà sản xuất tại địa phương tham gia kết nối, giao thương, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp của địa phương hợp tác, liên kết kinh doanh, tìm kiếm, khai thác thị trường tiêu thụ hàng hoá tại các chi nhánh của Tập đoàn.

Phía Central Retail sẽ hỗ trợ kết nối, tiêu thụ hàng hoá và thường xuyên quảng bá cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phầm OCOP, nông sản chủ lực của tỉnh Tây Ninh tại các chuỗi cửa hàng, siêu thị; phối hợp, tổ chức, các chương trình hội nghị giao thương, kết nối cung - cầu, các hội chợ, triển lãm do tỉnh Tây Ninh tổ chức để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của địa phương đến với người tiêu dùng.

Ngoài ra, Sở Công Thương 2 tỉnh đã ký thoả thuận hợp tác và các cơ sở, doanh nghiệp, HTX ký kết nhiều hợp đồng, biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm hàng hoá. Qua đó, phát huy lợi thế, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, góp phần phát triển ngành Công Thương nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung của 2 địa phương.

Trúc Ly - Nhi Trần