Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Đến những ngày đầu tháng 10.2022 thì thường xuyên là 0m90 đến 0m95. Cao nhất có hôm tới 1m05. Vậy nước đã tràn bờ sông Vàm Cỏ Đông rồi đó.
Sông Vàm Cỏ Đông khi lũ tràn bờ.
Nước đã tràn bờ cả tháng nay rồi. Đấy là anh bạn nông dân mới quen của tôi ở Xóm Ruộng, xã Trí Bình bảo thế! Và tôi nhớ. Những bản tin thời tiết của Đài TTV11 bao giờ cũng có mục mực nước ở chân cầu Gò Dầu. Thì đúng là cả tháng nay đã có thông tin mực nước lên cao hơn 0m65. Đến những ngày đầu tháng 10.2022 thì thường xuyên là 0m90 đến 0m95. Cao nhất có hôm tới 1m05. Vậy nước đã tràn bờ sông Vàm Cỏ Đông rồi đó.
Hôm mùng 5.10, bạn rủ đi thăm ruộng. Bạn bảo, nước đã tràn bờ lên khắp ruộng, chẳng có việc gì làm nhưng nhớ ruộng thì đi. Bạn dẫn lên nhà ở phía Nam cầu Bến Sỏi. Qua cầu quẹo trái chỉ 300 mét đã thấy ngôi nhà mấp mé bên mí nước. Sau nhà có bến đậu hai cái vỏ lãi composite và một con phà nhỏ chuyên dùng chở máy nông nghiệp. Rõ là mối mang của bạn tôi, khi nhà anh cũng có tới vài ba cỗ máy cày, máy xới. Vào các mùa vụ khác trong năm, anh cũng phải chạy máy tới đây để nhờ ghe tàu của bạn chở sang bên ruộng. Bên này Trí Bình đường bờ ruộng nhỏ không đi được. Còn hôm nay cũng con phà rộng rênh này, chỉ chở theo 2 người đi thăm ruộng mà thôi.
Có gì mà thăm thú nhỉ? Tôi tự hỏi khi phà đã ra đến giữa sông, giữa mênh mông trời nước. Chẳng còn biết đâu là sông, đâu là ruộng nữa khi nước tràn bờ. Cũng có thể nhận ra bờ bởi những hàng cây chồi phơ phất giữa một dải lục bình còn quyến luyến bờ sông chưa muốn trôi đi. Cũng có khi bờ là một rặng cây cao ngất, giờ đã trở nên bơ vơ giữa nền trời trống hoác. Chỉ trong thoáng chốc, cây cầu Bến Sỏi luôn có xe chạy qua nay đã thành mỏng manh như một nét mày.
Nhìn sang bên tả ngạn- là Xóm Ruộng, xã Trí Bình chỉ thấy trắng phơ nước dưới trời xanh lơ lững lờ mây trắng. Bên hữu ngạn- là Thành Long và tiếp nối Ninh Điền cũng chỉ phơ phất những hàng cây với vài ngôi nhà nổi giữa nước như những con tàu trắng.
À không! Không chỉ có cảnh quan, mà bên phía Xóm Ruộng còn có những cánh cò trắng chao lên liệng xuống. Chợt nhớ ra mùa nước nổi thường đã có các bầy cò di cư hối hả bay về đất Tây Ninh. Một trong những nơi chúng lựa chọn làm nơi nghỉ qua đêm là một vườn tràm thuộc khu phố 4, phường 3.
Năm nay thì tràm đã bị chặt bỏ rồi, nên không biết chúng sẽ về đâu nữa. Hỏi thăm anh lái phà. Anh bảo còn chưa thấy nơi nào để chúng bay về, chỉ thấy chúng tản mác kiếm ăn ban ngày trên ruộng. Mà đã thấy có những tốp người đem súng thể thao đi rình bắn. Súng có kính ngắm hiện đại lắm, bắn đâu trúng đó. Nếu tiếp tục cảnh này nữa thì mai đây liệu có còn những cánh cò bay trên đất nước quê mình? Mà bao đời nay, cò đã là người bạn thân thiết của nông dân.
Vượt lũ ở cầu Bến Đình năm 2016.
Rồi cũng tới cái nơi cần tới. Là chân ruộng 6 ha của anh bạn mới. Tất cả cũng đã chìm nghỉm vào làn nước sông có màu hồng đậm phù sa và sóng nhẹ lăn tăn. Nơi phà cập bờ là cái gò nhỏ mang tên gò Miễu. Vì xa xưa nơi đây từng có ngôi miếu ông Tà. Bạn bảo ngôi miễu có từ thời các ông bà. Qua mấy thế hệ rồi nay đến lượt anh chăm lo cho ngôi miếu. Thì cũng là sửa sang để miếu luôn có tường, có mái, có bình bông, bát nhang để dân ruộng đến dâng hương, trái cây và cúng bái theo lệ cũ.
Vậy thôi! Anh lái phà thấy tôi ngần ngại nhìn dòng nước láng lênh trước mũi phà, bảo:- Cứ bước xuống mà đi thoải mái. Đất gò cứng chứ không lầy. Vậy là tôi và các bạn xăn quần lội ruộng. Chân gò là vệt rau muống cọng đỏ lá xanh rờn. Vài bước lội là tới ngay trước miếu.
Miếu nhỏ, lợp tôn nhưng cũng được xây ngay ngắn, có tấm đan bê tông và tường gạch đàng hoàng. Miếu nhỏ xíu nhưng tư thế và vị trí thì “oai lắm”. Mặt nhìn ra sông, lưng tựa vào một bụi gừa cao to rậm rịt những thân cành. Bụi cây rậm, rễ rủ dày, dây leo vấn vít nên nổi bật dáng hình như một cây da cổ thụ thường che chở các mái đình trong thôn ấp. Khác là quanh gò chỉ mênh mông toàn nước mà thôi. Dường như tôm cá theo sông vào ruộng còn chưa kịp lớn, nên suốt 30 phút trên sông chỉ gặp duy nhất một người đang ngụp lặn, cắm đăng lưới đánh bắt cá mà thôi.
Và cũng gặp vài cái chòi chăn vịt nổi lênh đênh như chiếc lá giữa bao la nước. Chòi chỉ là một tấm bạt giăng trên sợi dây buộc ngang trên cây mọc ven bờ. Chung quanh là đàn vịt tự do tha hồ rỉa lông và mò kiếm cá, ốc suốt mùa nước nổi. Lại nhớ mùa này luôn có mấy chị, mấy cô bán hột vịt gần chân cầu Gò Chai.
Từng rổ từng khay hột vịt lấm lem bùn đất. Các chị bảo, vịt chạy đồng đấy, ăn nhiều cá ốc mùa nước nên hột nào hột nấy lòng đỏ to và đỏ như son. Hỏi sao không rửa bùn đi cho sạch đẹp. Các chị bảo, cứ để nguyên thế thì để cả tuần trứng vẫn còn tươi tốt.
Câu cá bên quốc lộ 22B trước chùa Gò Kén.
Ở Tây Ninh ta, mùa nước nổi tháng 9, tháng 10 có năm nước lớn, năm thì nước ít. Nhưng năm nào mà không có nước tràn bờ. Đi tuyến đường nào ta cũng gặp. Như quốc lộ 22B qua Gò Kén, Cẩm Giang. Như 786 qua vùng đất ngũ long. Hay trên cả những tuyến lên rừng như 788 qua Phước Vinh, Hoà Hiệp.
Dường như có một nét văn hoá Tây Ninh trong mùa nước nổi. Văn hoá liên giao giữa Trời và Đất, giữa Đất, Nước và Người. Đất chờ nước về để được tắm táp, nghỉ ngơi, lại được bồi đắp biết bao phù sa cùng tôm cá. Người cũng nhờ thế mà có những mùa vụ chắc ăn, nhất là vụ Đông Xuân sau lũ. Lúa tốt bời bời, thu hoạch từ 7 đến 10 tấn một héc-ta. Con người còn náo nức vui cả trong những mùa nước lũ. Thì đấy, xe chạy mỗi ngày qua khu chùa Gò Kén thì thấy ngay cả những đoàn người đi câu cá. Họ ngồi từng tốp bên đường, chuyện trò râm ran.
Bên cạnh còn là những anh chàng đi cất vó hay đi chăn vịt, vịt bơi trôi nổi khắp đồng… Nhưng vui nhất, có lẽ là xóm Bến Đình ở ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam. Năm nào lũ lớn là cả xóm ồn ào sôi động. Ghe chài tấp tới cập bờ, các nhà dân đều bị nước tràn vô. Thì người dân vẫn rất vui xăn quần lên mà đón, mà bán, mà mua từng mẻ cá tươi ròng vừa vớt. Rồi cá lên sọt, lên khay buộc vào xe máy chở đi các chợ. Có năm, nước tràn bờ lớn quá ngập đường, làm cản trở lối đi lại của dân. Nhưng không thấy ai than phiền hay trách móc thở than gì cả.
Mưu sinh mùa nước nổi.
Nhớ nhất là mùa lũ năm 2016, cầu Bến Đình vừa khánh thành cuối tháng 8, thì sang tháng 10 lũ lớn ngập cả con đường từ Cẩm Giang ra bến. Thế là xe máy cày của dân kéo rơ-moóc ra hỗ trợ người vượt lũ. Xe máy được kéo lên rơ-moóc, rồi đầu máy cày kéo móc chạy băng băng. Móc có ngật ngưỡng như say thì người càng vui vẻ, cười nói râm ran trên nước.
Cũng nhờ thế mà con đường ra bến được thi công sau đó được xây vượt cao trình vượt lũ. Để cho những năm sau đó, các loại xe lại bon bon mặt nhựa băng băng. Cũng vào mùa lũ, hai bên con đường này rực rỡ còn những tím hồng màu hoa súng. Để ai tới rồi đều tự nhủ với lòng sẽ còn trở lại những năm sau!
TRẦN VŨ