|
Tự nguyện chặt bỏ cây cao su trồng sai mục đích ở huyện Tân Châu. |
Trong những năm gần đây, công tác trồng mới rừng ở Tây Ninh luôn gặp khó khăn. Từ khi chuyển sang thực hiện Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ (gọi tắt là Chương trình 661) vào năm 1999 thì diện tích trồng mới rừng ở Tây Ninh mỗi năm một giảm- từ 1.000 ha/năm xuống còn 700 ha/năm và mấy năm gần đây chỉ còn trên dưới 100 ha/năm. Tuy nhiên năm 2009 thì lại khác, diện tích trồng mới rừng có thể nói là đạt kỷ lục so với nhiều năm trước đây.
Việc diện tích trồng mới rừng ở Tây Ninh mỗi năm một giảm chủ yếu là do đất lâm nghiệp bị bao chiếm sử dụng sai mục đích. Lúc đầu diện tích bị bao, lấn chiếm lên đến khoảng hơn 10.000 ha. Sau nhiều năm nỗ lực giải quyết, diện tích đất lâm nghiệp bị bao chiếm giảm đáng kể. Đến đầu năm 2009 ở các dự án rừng và VQG Lò Gò- Xa Mát còn gần 3.000 ha đất lâm nghiệp bị bao chiếm sử dụng không đúng mục đích, trong đó đã trồng hơn 1.000 ha cây cao su và gần 800 ha cây ăn trái.
Để tăng cường công tác trồng mới rừng, trong năm 2009 này, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quyết tâm giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích. Tháng 5.2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định 875 về giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích để chuyển sang trồng rừng. Bên cạnh đó, kế hoạch trồng mới rừng năm 2009 thuộc Chương trình 661 ở các dự án và Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát được nâng lên là 700 ha, cao gấp 7 lần kế hoạch trồng mới rừng năm 2008 (chỉ có 100 ha). Trong đó Dự án rừng phòng hộ Dầu Tiếng có diện tích kế hoạch trồng mới rừng lớn nhất - 410 ha, kế đến là Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát- 150 ha và rừng Văn hoá- Lịch sử Chàng Riệc- 140 ha.
Bước sang tháng 6.2009, tất cả chính quyền các địa phương có rừng đồng loạt tiến hành triển khai thực hiện Quyết định 875 của UBND tỉnh, vận động nhân dân chấp hành và đăng ký cam kết chặt bỏ cây trồng sai mục đích. Song song đó, BQL các dự án rừng tiến hành thiết kế diện tích trồng mới rừng trên các diện tích đất bao, lấn chiếm sẽ giải toả. Trên các diện tích bao, lấn chiếm người dân tự nguyện chặt bỏ cây trồng sai mục đích thì các BQL tiến hành trồng lại rừng ngay. Từ những nỗ lực của chính quyền các địa phương có rừng, các chủ rừng và sự đồng thuận của nhiều hộ vi phạm tự nguyện chặt bỏ cây trồng sai mục đích mà diện tích trồng mới rừng theo Chương trình 661 trên địa bàn tỉnh tăng rất nhanh.
Theo con số thống kê của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến giữa tháng 10.2009- thời điểm cơ bản kết thúc vụ trồng mới rừng thì tổng diện tích rừng trồng mới theo Chương trình 661 ở các dự án rừng thực hiện được 778 ha- vượt kế hoạch hơn 10% và tăng hơn 6,5 lần so với diện tích trồng mới năm 2008 (118 ha). Trong đó vượt kế hoạch cao nhất là Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát- trồng mới được 170,8 ha rừng/150 ha chỉ tiêu, tăng hơn 13,8% so với kế hoạch. Kế đến là rừng VH-LS Chàng Riệc trồng mới được 155 ha rừng/140 ha chỉ tiêu, vượt 10,7% so với kế hoạch. Riêng Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, kế hoạch trồng mới là 410 ha nhưng đến giữa tháng 9 mới trồng được có 340 ha. Thế nhưng trong 1 tháng qua UBND huyện Tân Châu đã hết sức nỗ lực trong việc vận động các hộ vi phạm tự nguyện chặt bỏ cây trồng sai mục đích để chuyển sang trồng rừng và BQL rừng cũng nhanh chóng thiết kế, đưa các diện tích đất đã giải quyết bao lấn chiếm vào trồng lại rừng giúp diện tích rừng trồng mới tăng rất nhanh. Kết quả đến giữa tháng 10, rừng phòng hộ Dầu Tiếng cũng đã thực hiện trồng mới được 452 ha- vượt kế hoạch hơn 10%.
Ngoài diện tích 778 ha trồng mới rừng theo Chương trình 661, trên địa bàn tỉnh còn có thêm một số đơn vị thực hiện trồng mới rừng. Trong đó, Tỉnh đội đã trồng mới được thêm 92,5 ha rừng ở đảo Nhím trong hồ Dầu Tiếng và Trung tâm tái hiện di tích lịch sử cách mạng miền Nam cũng trồng được 48 ha rừng tại Bời Lời huyện Trảng Bàng. Như vậy, nếu tính cả trong và ngoài Chương trình 661, năm 2009 toàn tỉnh Tây Ninh thực hiện trồng mới rừng được 918,6 ha. Đây là kết quả kỷ lục trong công tác trồng mới rừng so với nhiều năm trước đây.
|
Trồng lại cây rừng trên đất bao, lấn chiếm. |
Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn vướng mắc về giá cây con giống trồng mới rừng. Mặc dù trước khi vào vụ trồng rừng năm 2009, ngành chức năng cũng đã tích cực chuẩn bị cây con giống phục vụ công tác trồng mới rừng, nhưng một phần do diện tích trồng rừng năm nay tăng hơn những năm trước đến 7 lần, một phần do thời tiết không thuận lợi khiến cho một số hạt giống nẩy mầm không đạt yêu cầu nên số lượng cây con giống trong tỉnh không đủ cung cấp cho nhu cầu trồng mới rừng- nhất là trong lúc tập trung cao độ. Do đó, các chủ rừng phải tìm mua cây con giống từ ngoài tỉnh với giá thành cao hơn hơn nhiều so với giá định mức của tỉnh. Hiện tại các chủ rừng lúng túng vì chưa biết sẽ quyết toán giá cả cây con giống như thế nào khi kết thúc thời vụ trồng mới rừng trong năm 2009.
Sơn Trần