Xã hội   An toàn giao thông

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh: Ngành vận tải “gồng mình” trong dịch bệnh Covid-19 

Cập nhật ngày: 13/08/2020 - 10:55

BTNO - Dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại khiến nhiều ngành nghề kinh doanh ảnh hưởng nặng nề. Nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách và vận tải hàng hoá phải "gồng mình" tìm giải pháp để duy trì hoạt động kinh doanh.

Ảnh minh họa

Đại diện Hợp tác xã vận tải (HTX)  xe buýt Đồng Tiến cho biết, kể từ giữa tháng 7 đến nay, khi dịch bệnh Covid-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại, lượng hành khách sụt giảm khoảng 50%.

Trước đó, khi dịch Covid-19 được khống chế, không còn giãn cách xã hội, hoạt động vận tải bằng xe buýt có chút khởi sắc. Tuy nhiên, chỉ được hơn một tháng, dịch bệnh Covid-19 lại diễn biến phức tạp, nhiều người dân e ngại sử dụng loại phương tiện công cộng để di chuyển. Hiện nay, hành khách chủ yếu là những người đi khám bệnh, công nhân đi làm, học sinh…

Mặt khác, HTX đang khai thác tuyến Tây Ninh – Củ Chi, sợ dịch bệnh, người dân hạn chế đi thành phố Hồ Chí Minh, nên lượng khách giảm hẳn. May mắn là, thời gian qua, giá nhiên liệu cũng giảm giá, phần nào bù đắp được chi phí.

Tuy nhiên, trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, có thể trong thời gian tới HTX sẽ có văn bản gửi Sở GTVT Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh để xin điều chỉnh biểu đồ chạy với giãn cách giữa các chuyến xe nhiều hơn, giảm chuyến, nhằm giảm bớt chi phí, hạn chế lỗ.

Theo Đại diện HTX xe buýt Đồng Tâm, hành khách sử dụng phương tiện xe buýt giảm  khoảng 40% kể từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trở lại. Do HTX khai thác tuyến xe buýt nội tỉnh, người dân e ngại, dù chủ các phương tiện thực hiện đầy đủ quy định về phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành giao thông, kinh doanh cũng không có lãi.

Đại diện Công ty Huệ Nghĩa cho biết, hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định của doanh nghiệp mới đi vào ổn định được khoảng 2 tháng sau khi dịch bệnh tạm lắng. Tuy nhiên, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trở lại (từ giữa tháng 7 đến nay) lượng hành khách đi xe tuyến cố định thành phố Hồ Chí Minh – Tây Ninh và ngược lại đã giảm khoảng 50%. Doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì hoạt động đúng biểu đồ khai thác tuyến đã đăng ký với ngành giao thông, dù lượng hành khách sụt giảm, hoạt động kinh doanh gặp không ít khó khăn.

Công ty vận tải Đồng Phước cho biết, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến lượng hành khách sụt giảm 50% là một bài toán nan giải cho doanh nghiệp. Theo đại diện doanh nghiệp này, có chuyến xe Limuosine vận chuyển hành khách đi tuyến cố định Tây Ninh – thành phố Hồ Chí Minh, loại 9 chỗ ngồi, chỉ có 3-4 hành khách trên xe. Còn xe 29 chỗ, mỗi chuyến xuất bến chỉ có khoảng hơn 10 hành khách.

Trước tình trạng hành khách sụt giảm như vậy, hiện nay hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chỉ đủ chi phí duy trì hoạt động và đóng lãi ngân hàng chứ không thể thanh toán phần nợ vay, đây là một khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải kể từ khi dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp trở lại.

Lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi cũng tương tự. Đại diện chi nhánh một doanh nghiệp taxi tại Tây Ninh cho biết, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại, số lượng hành khách có nhu cầu sử dụng phương tiện xe taxi để đi lại giảm khoảng 50% so với 2 tháng trước đó. Với việc lượng hành khách sụt giảm mạnh như thế, hoạt động kinh doanh không hiệu quả, thậm chí doanh nghiệp còn phải bỏ chi phí ra để bù vào việc trả lương cho nhân viên.

Lĩnh vực vận tải hàng hóa cũng lao đao vì dịch bệnh Covid-19. Đại diện một doanh nghiệp vận tải hàng hóa làm dịch vụ logistic ở thị xã Hòa Thành cho biết, lượng hàng hoá mà doanh nghiệp này vận chuyển giảm khoảng 50% so với trước đây.

Đó là chưa kể những khó khăn do công tác xuất nhập khẩu tại cửa khẩu phải thêm nhiều thủ tục kiểm dịch y tế nên việc giao nhận hàng hóa không đúng thời gian, không có hàng để chở về vì việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất của nhiều ngành cũng đang gặp khó khăn.

Trước tình hình trên, doanh nghiệp nỗ lực tìm giải pháp để duy trì hoạt động cũng như bảo đảm quyền lợi cho khách hàng. Doanh nghiệp hy vọng dịch bệnh Covid-19 nhanh chóng được khống chế để hoạt động kinh doanh được phục hồi.

Thế Nhân