Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tây Ninh: Nghiên cứu tạo “đòn bẫy” phát triển du lịch
Thứ ba: 21:21 ngày 27/06/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp, triển khai thực hiện của các ngành, địa phương, ngành du lịch Tây Ninh đã thực hiện tốt việc khai thác, phát triển những tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch hiện có.

Món ăn chay – một trong những nét đặc sắc của ẩm thực Tây Ninh được du khách quan tâm - Ảnh minh họa.

Ngành cũng đã định vị được những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, xác định trọng điểm mời gọi đầu tư; hoạt động quảng bá, xúc tiến có nhiều đổi mới, mời gọi được nhiều nhà đầu tư; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch cho tỉnh nhà. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, du lịch Tây Ninh còn nhiều vấn đề cần được tháo gỡ, giải quyết sớm để tăng tốc!

Những giá trị tích cực

Sự phát triển của du lịch đã góp phần tích cực thúc đẩy cơ cấu kinh tế tỉnh nhà chuyển dịch theo hướng tích cực, giúp tăng thu ngân sách, giải quyết được việc làm cho người lao động, từ đó góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn, phát triển đô thị...

Chuyển biến của ngành du lịch giúp chuyển biến nhận thức của các ngành, các cấp và người dân về du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, xã hội hóa cao, có khả năng đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho nhiều ngành khác phát triển.

Một số khu, điểm du lịch đã được đầu tư nâng cấp, các sản phẩm, dịch vụ du lịch được cải thiện về số lượng và chất lượng, lượng khách du lịch đến tham quan tại các khu, điểm du lịch ngày càng nhiều, tiêu thụ nhiều sản phẩm hàng hoá, lương thực, thực phẩm, đặc sản và hàng thủ công mỹ nghệ sẵn có trên địa bàn.

Du lịch đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân trong tỉnh; nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, giữ gìn bản sắc văn hoá, phong tục tập quán và phát huy truyền thống cách mạng.

 Đến nay, người dân, doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến việc phát triển du lịch trên địa bàn như: sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn quy định; sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, duy trì phát triển các làng nghề truyền thống; hình thành các mô hình nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), mô hình du lịch nông trại kết hợp nghỉ dưỡng (farmstay)...

Bò tơ Tây Ninh – món ngon nổi tiếng góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Tây Ninh - Ảnh minh họa.

Còn “non trẻ”, manh mún

Tuy nhiên, hiện ngành du lịch Tây Ninh đang còn không ít tồn tại, hạn chế như hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tại các di tích lịch sử - văn hóa còn thiếu: Bãi đỗ xe chung cho du khách, thiếu các nhà hàng ẩm thực, nơi chuyên bán đặc sản Tây Ninh...  Nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu và yếu trên nhiều phương diện, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của du khách. Lao động trong các doanh nghiệp du lịch còn thiếu, tính chuyên nghiệp chưa cao, hầu hết chưa qua đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là kỹ năng phục vụ và ngoại ngữ.

Bên cạnh đó, tổ chức, bộ máy cán bộ làm du lịch từ tỉnh đến huyện, xã còn thiếu; số lượng cán bộ có chuyên ngành đào tạo về du lịch rất hạn chế. Trung tâm Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố không có biên chế cán bộ du lịch, hầu hết không có chuyên môn về du lịch. Công tác mở lớp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch còn hạn chế. Mục tiêu giai đoạn 2017 - 2021 của tỉnh là đào tạo 1.810 người phục du ngành du lịch nhưng thực tế chỉ đào tạo khoảng gần 700 người.

Ngoài ra, chất lượng, hiệu quả trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chưa cao, quy mô nhỏ, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương và sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch; thiếu sự tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tại các sự kiện. Việc gắn kết du lịch với giới thiệu sản phẩm hàng hóa của địa phương còn hạn chế...

Chùa Bà (núi Bà Đen) - Ảnh minh họa.

Xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển du lịch

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Tây Ninh, có nhiều nguyên nhân dẫn tới những tồn tại, hạn chế trên. Trong đó, về khách quan, Tây Ninh là một tỉnh mới phát triển du lịch, nguồn lực phát triển du lịch của địa phương còn hạn chế, các chính sách hỗ trợ để phát triển du lịch hầu như chưa có nên việc triển khai còn lúng túng. Trong khi đó, đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, làm ảnh hưởng xấu đến doanh thu, hoạt động phát triển du lịch, khiến cho giai đoạn 2020 – 2021, số lượng khách du lịch giảm mạnh, hiệu quả hoạt động du lịch thấp, người dân không có nguồn vốn đầu tư cho du lịch.

Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn chủ yếu quy mô nhỏ, tình hình kinh doanh còn khó khăn dẫn đến doanh thu thấp. Một số ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt trong công tác phát triển du lịch, chưa thực sự quan tâm sâu sát để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Công tác phối, kết hợp với các cơ quan chuyên môn trong quản lý nhà nước, quảng bá, xúc tiến đầu tư, du lịch chưa chặt chẽ; đội ngũ cán bộ chuyên môn về du lịch ở cơ sở còn thiếu chưa đáp ứng nhu cầu.  

Đáng chú ý là đến nay, tỉnh chưa xây dựng được cơ chế chính sách phù hợp,  ưu đãi tạo động lực phát triển du lịch phù hợp với địa phương, đặc biệt là chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Nguồn lực đầu tư cho hoạt động phát triển du lịch của tỉnh còn khó khăn. Nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch còn hạn chế về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ. Nhận thức của người dân về phát triển du lịch cộng đồng, bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch còn chưa bảo đảm.

Đến nay, tỉnh cũng chưa xây dựng được cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi để phát triển du lịch phù hợp. Kết cấu hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ cho phát triển du lịch của tỉnh còn cần được đầu tư tốt hơn để thu hút được nhiều nhà đầu tư. Tỉnh cũng đang thiếu các khu vui chơi, giải trí, khách sạn, nhà hàng có quy mô lớn, hiện đại... nên khó giữ chân du khách ở lại Tây Ninh dài ngày.

Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa đầu tư phát triển dịch vụ du lịch còn chưa tương xứng với tiềm năng. Doanh nghiệp chưa đầu tư nhiều vào các dịch vụ du lịch chất lượng cao. Một số hộ kinh doanh còn khó khăn về kinh tế nên chưa có điều kiện để tham gia công tác xúc tiến quảng bá du lịch của đơn vị mình...

Để du lịch Tây Ninh phát triển bền vững cả chiều rộng và chiều sâu, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tài nguyên thiên nhiên phát triển, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác, đồng thời từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, được biết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến đề xuất UBND tỉnh trình HĐND xây dựng Nghị quyết “Quy định một số Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển Du lịch trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030” với các chính sách về: hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; hỗ trợ xây dựng bãi đỗ xe, xây dựng khu ẩm thực kết hợp bán đặc sản Tây Ninh tại các di tích lịch sử- văn hóa… trên địa bàn tỉnh.

An Khang

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục