BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh: Niên vụ 2011- 2012, diện tích mía dự kiến trên toàn tỉnh là 28.000 ha

Cập nhật ngày: 22/09/2011 - 10:48

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Quang chủ trì Hội nghị

(BTNO) - Sáng 22.9, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất - chế biến mía đường niên vụ 2010 – 2011 và kế hoạch niên vụ 2011 – 2012. Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Quang, Giám đốc Sở NN&PTNT Vương Quốc Thới cùng lãnh đạo các công ty, nhà máy sản xuất - chế biến mía đường trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở NN&PTNT Tây Ninh, vào vụ ép 2010 – 2011, giá đường thế giới và trong nước có biến động nhất định nhưng luôn tăng và giữ mức cao, đặc biệt là vào tháng 01 và tháng 02.2011, khoảng 768 USD/tấn. Đây là cơ hội cho các nhà máy đường thu mua mía với giá cao, khuyến khích người trồng mía đầu tư thâm canh, chăm sóc tốt nên năng suất mía tăng cao. Các nhà máy đường đã chủ động đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía, thực hiện đồng bộ các giải pháp về giống, kỹ thuật thâm canh, đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng cơ giới hoá... để tăng năng suất và chất lượng mía. Bên cạnh đó, để ổn định và phát triển vùng nguyên liệu, tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất tiền vay cho  trồng mới để khuyến khích người dân trồng mía.   

GS-TS Võ Tòng Xuân - cố vấn Công ty CP Bourbon Tây Ninh phát biểu tại Hội nghị.

Theo số liệu của Cục Thống kê, trong niên vụ 2010 – 2011 vừa qua, tổng diện tích mía trên toàn tỉnh là 23.271 ha, năng suất 71,57 tấn/ha, sản lượng 1.708.441 tấn.

Diện tích mía các nhà máy đường trong tỉnh đã ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu là 21.806,22 ha – tăng 247,1 ha (1,14%) so với vụ 2009 – 2010, năng suất mía nguyên liệu đưa vào chế biến bình quân đạt 72,51 tấn/ha. Sản lượng mía của các nhà máy đường đưa vào ép vụ 2010 – 2011 đạt 1.581.113,46 tấn, trong đó Công ty CP Bourbon Tây Ninh đạt cao nhất – 933.168 tấn. So với vụ 2009 – 2010, sản lượng mía tăng 479.499 tấn (43,52%), sản xuất được 155.164,63 tấn đường – tăng 52.708,64 tấn (51,44%).

Nguyên liệu cho chế biến của Công ty CP đường Nước Trong đạt 181,8% so với công suất thiết kế; Công ty CP Bourbon Tây Ninh đạt 116,65%; Nhà máy đường Biên Hoà – Tây Ninh đạt 82%.

Tuy nhiên, trong niên vụ vừa qua, do thời tiết khô hạn sớm, tình trạng mía chín tập trung và khô nhanh bất thường so các vụ trước, dẫn đến áp lực thu hoạch của bà con trồng mía tăng cao trong những tháng cuối vụ. Mặc dù các nhà máy đường đã chạy vượt công suất thiết kế nhưng vẫn không thể đáp ứng hết nhu cầu thu hoạch của người trồng mía, nên nhiều nông dân tự đốt mía để được thu hoạch sớm. Trong cơ cấu giống, tỷ lệ giống mía mới còn thấp. Việc tổ chức thu mua chưa hợp lý nên khó mở rộng diện tích, chính sách đầu tư vốn sản xuất của các nhà máy đường cho người sản xuất trong thời gian qua thấp, hạn chế khả năng thâm canh, năng suất mía thấp...

Theo kế hoạch sản xuất niên vụ 2011 – 2012, diện tích mía dự kiến là 28.000 ha, năng suất 73 tấn/ha, sản lượng 2.044.000 tấn. Để phát triển vùng nguyên liệu mía trong thời gian tới, Hội nghị cũng đã đề ra một số giải pháp, trong đó Chi cục BVTV tăng cường công tác dự báo tình hình sâu bệnh hại và đưa ra các giải pháp phòng trừ kịp thời; Trung tâm Khuyến nông xây dựng và phổ biến các mô hình thâm canh tăng năng suất, chất lượng mía, đặc biệt là mô hình trồng giống mía mới có năng suất, chất lượng cao để phổ biến cho người trồng mía; áp dụng các biện pháp cơ giới hoá đối với canh tác mía ở Tây Ninh.

Hội nghị cũng cho rằng, để có vùng nguyên liệu mía ổn định, các nhà máy đường cần quan tâm hơn nữa đến việc chia sẻ lợi ích đối với người trồng mía. Khi giá đường tăng cần điều chỉnh ngay giá mua mía theo khuyến cáo của Bộ NN&PTNT để người trồng mía gắn bó lâu dài với nhà máy. Tăng cường đầu tư cho người trồng mía thâm canh, tăng năng suất và sản lượng, đáp ứng nguyên liệu cho chế biến, ổn định sản xuất.

Sử dụng cơ cấu giống chín sớm, chín muộn và bố trí thời vụ trồng thích hợp theo hướng rải vụ để đáp ứng đủ nguyên liệu cho đầu vụ và cuối vụ ép, góp phần kéo dài thời gian ép của các nhà máy đường. Các nhà máy đường cũng cần có chính sách hỗ trợ phát triển diện tích trồng giống mía mới thông qua đầu tư, hỗ trợ giá giống, thu mua giống mới với giá cao hơn giống cũ.

Cơ giới hoá việc thu hoạch mía

Tiếp tục đầu tư nâng cao, mở rộng công suất các nhà máy đường, giảm tiêu hao nguyên liệu mía, tăng khả năng thu hồi đường, đồng thời giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, góp phần tăng giá thu mua để ổn định sản xuất mía.

Nhân dịp này, UBND tỉnh cũng đã tặng Bằng khen cho 13 tập thể và 11 cá nhân có nhiều đóng góp trong việc phát triển mía đường niên vụ 2010 – 2011 vừa qua.

Đặng Hoàng Thái