Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Những năm qua, tỉnh Tây Ninh đã tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân, nhất và với đồng bào dân tộc thiểu số để ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Tây Ninh là tỉnh có đường biên giới giáp Campuchia dài 240 km. Toàn tỉnh có 6 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố trực thuộc tỉnh, 94 xã, phường, thị trấn (có 20 xã biên giới thuộc 5 huyện, thị). Dân số toàn tỉnh gần 1,2 triệu người; trong đó. có 21 dân tộc thiểu số với hơn 5.551 hộ và 20.415 khẩu, sống tập trung chủ yếu ở các huyện biên giới.
Được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Trung ương, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành những chính sách giúp cho đời sống của đồng bào DTTS, từng bước phát triển, bộ mặt xã hội khởi sắc, đời sống của đồng bào DTTS có chuyển biến tích cực trên các tất cả các mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, một số dân tộc vẫn còn giữ những phong tục, tập quán lạc hậu. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn diễn ra tại một số nơi trên địa bàn tỉnh.
Theo kết quả tổng điều tra Kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2019, Tây Ninh có tỷ lệ hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc thiểu số là 0,1%, tỷ lệ tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số là 26,89%.
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, vận động, các giải pháp ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết rất được tỉnh Tây Ninh quan tâm. Năm 2021 tỉnh tiếp tục thực hiện giai đoạn 2, Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, giai đoạn 2015-2025". UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Kế hoạch số 475/KH-UBND ngày 22/02/2021 và kiện toàn lại Ban chỉ đạo cấp tỉnh.
Từ năm 2022, thực hiện Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025, Tây Ninh đã triển khai Kế hoạch thực hiện Tiểu Dự án 2 - Dự án 9 "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số" trên địa bàn tỉnh. Với tổng nguồn vốn sự nghiệp được phân bổ năm 2022- 2023 là 1,65 tỷ đồng, giao cho Sở Nội vụ thực hiện. Mục tiêu, đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS xuống 1,5%.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động, các giải pháp ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết rất được tỉnh Tây Ninh quan tâm.
Sở Nội vụ tỉnh Tây Ninh cho biết, đơn vị đã phối hợp tổ chức 2 buổi tọa đàm phát sóng trực tiếp và 6 buổi tọa đàm ghi hình phát sau tại địa bàn các xã có đông đồng bào DTTS với nội dung tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết với từng chủ đề khác nhau đến đồng bào DTTS và học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh. Qua đó, đã truyền tải đầy đủ thông tin, nhằm kéo giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Năm 2023, Sở Nội vụ tỉnh Tây Ninh tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện Tiểu Dự án 2 của Dự án 9 trong Chương trình Mục tiêu quốc gia với tổng kinh phí thực hiện là 1,45 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, phối hợp với 3 đơn vị: Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh; Báo Tây Ninh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền các nội dung giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Nội vụ tỉnh Tây Ninh, trong thời gian tới, để đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết đạt hiệu quả, tỉnh sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể: Huy động sự chung tay của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân để hoàn thành mục tiêu giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trong đó, có vai trò của già làng, người có uy tín, các cán bộ cơ sở... trong vùng đồng bào DTTS là nhân tố chính để thực hiện công tác tuyên truyền.
Các địa phương và ngành giáo dục, ngành y tế tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật có liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng như chỉ ra những hệ lụy do vấn nạn này gây ra. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, đưa nội dung phòng tránh việc có thai ngoài ý muốn trong các chương trình ngoại khóa tại các trường THCS, THPT cũng như trong cộng đồng dân cư, nhất là trong các buổi tuyên truyền của các hội đoàn thể: đoàn thanh niên, phụ nữ....
Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên, các ban ngành của xã, cộng tác viên dân số ở cơ sở.
Ngoài ra, sẽ tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, chú trọng vào các hình ảnh nêu bật lên tác hại, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống với các từ ngữ đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu để phát huy tác dụng, tạo sự tò mò kích thích, ăn sâu vào nhận thức của người dân./.
Nguồn toquoc