Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tây Ninh nỗ lực trở thành tỉnh phát triển về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Thứ bảy: 18:53 ngày 10/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhận diện rõ tiềm năng và lợi thế hiện có, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần XI xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị là một trong 4 đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh.

Tây Ninh là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Trong đó, nguồn lực đất đai rộng lớn và hệ thống thuỷ lợi đã và đang được đầu tư sẽ bảo đảm nguồn nước tưới ổn định không chỉ đủ phục vụ nhu cầu trồng trọt và chăn nuôi, mà còn cung cấp nước cho hoạt động sản xuất công nghiệp và sinh hoạt... Nhận diện rõ tiềm năng và lợi thế hiện có, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần XI xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị là một trong 4 đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh.

Ông Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam.

Qua nửa nhiệm kỳ, việc cơ cấu lại nông nghiệp của tỉnh tiếp tục được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, từ trồng trọt, chăn nuôi, đến lâm nghiệp, thuỷ sản. Tây Ninh đã tập trung đầu tư, phát triển hạ tầng đồng bộ, nhất là quy hoạch các vùng ứng dụng công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm để xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo hướng gia tăng chuỗi giá trị, gắn sản xuất, bảo quản với chế biến và xuất khẩu để tạo lan toả cho người nông dân, nâng cao giá trị sản xuất.

Trang trại ứng dụng công nghệ 4.0 đầu tiên tại Tây Ninh

Trang trại bò sữa Vinamilk tại xã Long Khánh, huyện Bến Cầu là mô hình trang trại ứng dụng công nghệ cao gây ấn tượng mạnh trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh, đây là một trong những trang trại thuộc hệ thống trang trại đạt chuẩn Global G.A.P lớn nhất châu Á của Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk).

Ông Đoàn Quốc Khánh- Giám đốc Điều hành Phát triển Vùng nguyên liệu Vinamilk cho biết, trang trại Vinamilk tại Tây Ninh được khánh thành từ năm 2019 với tổng diện tích 685 ha, quy mô chăn nuôi 8.000 bò, bê và tổng kinh phí đầu tư trên 1.200 tỷ đồng. Đây là dự án trọng điểm của tỉnh và cũng là trang trại bò sữa độc lập lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay. Nhìn từ trên cao, trang trại được phủ một màu xanh của hơn 500 ha cỏ và bắp, xung quanh là các hồ nước với tổng diện tích trên 180.000m2.

Theo ông Khánh, trang trại được Vinamilk áp dụng công nghệ 4.0 toàn diện từ đầu vào đến đầu ra trong toàn bộ quy trình chăn nuôi và quản lý, nhằm bảo đảm đàn bò có sức khoẻ tốt, năng suất sữa cao, chất lượng sữa tốt nhất, hệ thống này bao gồm: Quản lý khẩu phần tiên tiến, giúp theo dõi, đo lường và kiểm soát chất lượng thức ăn phù hợp với các giai đoạn phát triển của bò; Toàn bộ đàn bò đều được đeo các chip điện tử đời mới nhất để kiểm soát tình hình sức khoẻ, khả năng thụ thai, sinh sản của từng cá thể bò, để có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc cần thiết. Ngoài ra, hệ thống này còn phát hiện được mức độ căng thẳng (stress). Mỗi con bò được nhận dạng tại dàn vắt sữa thông qua chip điện tử và hệ thống phần mềm thuốc thú y giúp quản lý lịch sử bệnh cũng như theo dõi lộ trình điều trị của từng cá thể.

Hệ thống chuồng nuôi được làm mát tự động có quy mô lớn, với công suất 2.000 bò/chuồng, bên trong được trang bị hệ thống thu gom phân tự động và đệm nằm mềm mại. Các chổi massage cùng hệ thống cấp nước uống, rải thức ăn đã tạo nên một môi trường sống thoáng mát sạch sẽ, thoải mái.

Theo ông Đoàn Quốc Khánh, với quy mô lớn, trang trại hiện được trang bị gần 60 xe cơ giới và 300 thiết bị máy móc, được quản lý bằng phần mềm. Đến đầu năm 2023, trang trại Vinamilk Tây Ninh được lắp đặt hoàn thiện năng lượng mặt trời, song song đó, toàn bộ chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi được thu gom bằng hệ thống hiện đại và xử lý với công nghệ biogas. Tạo ra phân bón hữu cơ cho cây trồng và khí đốt dùng đun nóng nước thanh trùng sữa cho bê, sấy cỏ và các hoạt động khác của trang trại, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng tiền điện mỗi tháng khi dùng năng lượng khí đốt từ biogas thay thế.

Bên cạnh đó, trang trại ký hợp đồng thu mua trực tiếp, bao tiêu về giá và đầu ra sản phẩm thức ăn thô xanh cho bà con nông dân trên địa bàn với giá trị hơn 300 tỷ đồng. Tạo ra công ăn việc làm cho hơn 1.000 hộ dân bao gồm các hộ dân trồng bắp, nhân công chăm sóc, thu hoạch, gắn kết lâu dài, bền vững ổn định, đồng hành cùng bà con nông dân phát triển, mang lại giá trị kinh tế xã hội thiết thực tại địa phương.

Hiện Công ty Vinamilk chuẩn bị đầu tư xây dựng tổ hợp nhà máy sữa và trang trại bò sữa số 2 tại Tây Ninh, có công suất chế biến sữa 100 tấn/ngày (khoảng 36 triệu lít/năm) với tổng mức đầu tư cả tổ hợp dự án: 1.500 tỷ đồng.  Mục tiêu dự án là sản xuất, chế biến sữa thành phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường; cùng với mở rộng nguồn cung sữa tươi nguyên liệu từ trang trại Vinamilk Tây Ninh.

Toàn cảnh trang trại Vinamilk Green Farm Tây Ninh.

Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn đầu tư lên đến 2.500 tỷ đồng

Ông Gabor Fluit - Chủ tịch EuroCham đồng thời là Tổng Giám đốc châu Á của De Heus cho rằng, Tây Ninh có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dễ dàng kết nối với thị trường Campuchia và trong thời gian tới khi tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện rất tốt các doanh nghiệp đầu tư các dự án cây trồng, chăn nuôi quy mô lớn, nhà máy chế biến thực phẩm hiện đại.

Ông Vũ Mạnh Hùng- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) cho biết, tại “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023” vào tháng 6.2023, liên doanh De Heus và Hùng Nhơn (liên doanh DHN) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) với UBND tỉnh Tây Ninh về việc khảo sát, nghiên cứu đầu tư một số dự án lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2023-2030 tại Tây Ninh với tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng.

Tiếp đó, đầu tháng 7.2023, Liên doanh DHN đã tổ chức lễ khởi công Dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh, giai đoạn 1 của Dự án có quy mô hơn 39,5ha, tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng, gồm các hạng mục lớn như xây dựng trang trại sản xuất gà giống; trang trại sản xuất lợn giống cụ kỵ; trang trại nuôi gà thịt xuất khẩu. Đi liền với cụm trang trại chăn nuôi, DHN cũng bắt tay vào xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm nhằm hoàn thiện chuỗi chăn nuôi khép kín từ đầu vào đến đầu ra. Đây là một trong những dự án thành phần của chuỗi Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn đầu tư lên đến 2.500 tỷ đồng, đã được Tập đoàn Hùng Nhơn và De Heus cam kết đầu tư vào Tây Ninh.

Theo ông Hùng, Liên doanh DHN đang huy động tất cả các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ để kịp khánh thành và đưa vào hoạt động dự án khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao vào khoảng giữa tháng 5.2024, đây là trang trại đầu tiên của chúng tôi tại Tây Ninh. Đồng thời, ngay sau đó Liên doanh DHN sẽ khởi công đồng loạt sáu dự án thành phần của Dự án trong năm 2024 nhằm chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030.

Tạo điều kiện tốt để thu hút đầu tư

Phát biểu tại lễ khởi công Dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh, ông Nguyễn Thanh Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá việc Liên doanh DHN khởi công dự án chỉ trong vòng 1 tháng kể từ ngày ký MoU đã cho thấy Hùng Nhơn và De Heus là những doanh nghiệp có uy tín, năng lực và thật sự tâm huyết đầu tư vào Tây Ninh. Dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN tại Tây Ninh được xem là dự án điểm, tiêu biểu cho việc thu hút đầu tư và hỗ trợ giải quyết thủ tục đầu tư nhanh của địa phương, góp phần thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra và xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Tây Ninh.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, từ nay đến năm 2030, Tây Ninh định hướng phát triển 20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó, giai đoạn 2022-2025 phát triển 9 vùng (5 vùng trồng trọt với diện tích 2.950 ha, 3 vùng chăn nuôi gà thịt với quy mô 972.000 con/lứa và 1 vùng hỗn hợp trồng trọt và chăn nuôi với diện tích 1.646,1 ha); giai đoạn 2026 - 2030 phát triển 11 vùng (8 vùng trồng trọt với diện tích 5.714,7 ha, 2 vùng chăn nuôi bò sữa, lợn thịt với quy mô 50.000 con/năm và 1 vùng hỗn hợp trồng trọt và chăn nuôi với diện tích 1.000 ha). Mỗi vùng sản xuất được chứng nhận phải hình thành ít nhất 1 chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm. 

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần XI đặt mục tiêu diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phải đạt giá trị sản phẩm 150 triệu đồng/ha vào năm 2025 và 180 triệu đồng/ha vào năm 2030. Nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030.

Cùng với trồng trọt, ngành chăn nuôi trong những năm qua được tỉnh rất quan tâm. Hiện ngành chăn nuôi đang từng bước phát triển và đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Theo đó, tổng đàn gia súc tỉnh Tây Ninh hiện có 344.917 con, 628 trang trại, tăng 5,7% so với năm 2021. Gia cầm có 9.000.000 con, 107 trang trại, tăng 20,88% so với năm 2021.

Để tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ông Nguyễn Đình Xuân cho biết, hiện Tây Ninh đang triển khai thực hiện một số chính sách về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Hỗ trợ lãi vay thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, hiện đã có 14 dự án được thụ hưởng, tổng diện tích thực hiện là 233,74 ha, kinh phí hỗ trợ: 5,79 tỷ đồng; hỗ trợ liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, giai đoạn 2019-2025 đã hỗ trợ được 11 dự án, gồm: 4 dự án liên kết chăn nuôi bò; 5 dự án liên kết trồng lúa; 1 dự án liên kết trồng nấm và 1 dự án nuôi cá lóc, tổng diện tích thực hiện là 2.230,9 ha và 850 con bò với 967 hộ được thụ hưởng chính sách, tổng kinh phí hỗ trợ 33,4 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản, giai đoạn 2022-2025 Sở NN&PTNT đã tiếp nhận 34 hồ sơ đăng ký; trong đó, có 24 hồ sơ được phê duyệt hỗ trợ, với kinh phí 736,9 triệu đồng.

Máy đẩy cỏ tự động cho bò ăn tại trang trại Vinamilk Green Farm Tây Ninh.

Sẽ có nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới

Tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023 được tổ chức ngày 2.6.2023, UBND tỉnh ký kết nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) với các hiệp hội và doanh nghiệp. Đầu tiên là biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh với VIDA và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) về việc triển khai công nghệ số hoá nông sản ở thị trường Tây Ninh. Theo thoả thuận, VIDA hỗ trợ kết nối với các sở, ban, ngành trong mảng nông nghiệp để dễ dàng trong việc tiếp cận thông tin nhà sản xuất, nông sản địa phương; EuroCham hỗ trợ kết nối các đối tác trong và ngoài nước trong lĩnh vực nông nghiệp.

Song song đó, UBND tỉnh, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn cùng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc khảo sát, nghiên cứu đầu tư một số dự án lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Tây Ninh. Theo đó, Hùng Nhơn dự kiến đầu tư xây dựng các dự án về lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng. Dự án bao gồm các hạng mục như: tổ hợp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, khu canh tác nông nghiệp công nghệ cao, nhà máy giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi, vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trung tâm nghiên cứu công giống.

Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh và Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam trong việc thực hiện dự án Tổ hợp sản xuất và chế biến thịt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Dự án có tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng, công suất 50.000 tấn thịt/năm. Và biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh và Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) trong việc thực hiện dự án Tổ hợp nhà máy sữa và trang trại bò sữa trên địa bàn tỉnh. Dự có tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, bao gồm: nhà máy chế biến sữa công suất 36 triệu lít/năm và trang trại bò sữa số 2 quy mô 8.000 con.

Minh Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục