Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo Ban Chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Tây Ninh, hiện toàn tỉnh có 45 xã đạt tiêu chí giao thông và tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (chiếm tỷ lệ 63%); 71 xã đạt tiêu chí thủy lợi, điện và thông tin truyền thông (chiếm tỷ lệ 100%); 47 xã đạt tiêu chí trường học (chiếm tỷ lệ 66%); 66 xã đạt tiêu chí chợ (chiếm tỷ lệ 93%); 69 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư (chiếm tỷ lệ 97%).
Thu hoạch mía giống bằng cơ giới (ảnh minh hoạ).
Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã cố gắng phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; đã triển khai thực hiện (định vị) phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử KIPUS cho 22/50 tổ chức, cá nhân với tổng diện tích 220,7 ha trên các loại cây bưởi, chuối, mãng cầu, sầu riêng, xoài, nhãn, táo...
Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện các chỉnh sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp như: Chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025 (theo Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND ngày 17.6.2019); chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025 (theo Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 28.6.2019), hiện thực hiện 5 dự án với tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến gần 50 tỷ đồng; chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025 (theo Quyết định số 20/2020/QĐ-UBND ngày 12.6.2020), đang thực hiện 2 dự án với tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ khoảng 5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh đang xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi heo, bò sữa, bò thịt giai đoạn 2021-2025; xây dựng đề án phát triển vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Tân Châu để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, ứng dụng công nghệ cao chế biến nông nghiệp và xây dựng mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ với nông dân địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp làm việc với nông dân trồng lúa để xây dựng chuỗi liên kêt sản xuất trên cây lúa ở các huyện Gò Dầu, Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng.
Nông dân Trảng Bàng trồng thành công giống lúa chất lượng cao.
Xác định phát triển kinh tế tập thể là điều kiện, tiền đề, là cầu nối quan trọng để liên kết nông dân với doanh nghiệp, hình thành, phát triển các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung, thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Sở và các địa phương hỗ trợ phát triển các hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác và các trang trại sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các HTX tham gia các dự án sản xuất liên kết theo mô hình chuỗi giá trị.
Theo Ban Chỉ đạo Xây dựng NTM tỉnh Tây Ninh, hiện nay, tỉnh còn gặp một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: Nguồn vốn sự nghiệp Trung ương hỗ trợ năm 2021 đến nay vẫn chưa được bố trí nên nhiều nhiệm vụ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM chưa thể triển khai theo kế hoạch. Vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, trong khi nguồn lực huy động từ doanh nghiệp và Nhân dân tại các huyện, thị xã, thành phố còn thấp.
Trong những tháng còn lại của năm, thành phố Tây Ninh sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tỉnh duy trì 45/71 xã đã đạt chuẩn NTM và 1 xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao. Phấn đấu tăng thêm 10 xã đạt chuẩn NTM (nâng tổng số xã đạt chuẩn đến cuối năm 2021 là 55/71 xã, chiếm 77,5%); 100% xã biên giới đạt chuẩn NTM; 16 xã còn lại, trung bình mỗi xã tăng ít nhất 1 tiêu chí. Có từ 10 - 15 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (đạt từ 3 - 4 sao).
Công trình đưa nước thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà vượt sông Vàm Cỏ Đông (ảnh minh hoạ).
Để thuận lợi hơn trong quá trình xây dựng NTM ở thời gian tới, tỉnh đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành các văn bản quy định, triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 để địa phương tổ chức thực hiện; đồng thời sớm phân bổ vốn (ngân sách Trung ương) thực hiện Chương trình năm 2021.
An Khang