Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tây Ninh: Phấn đấu đến năm 2030, Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn
Chủ nhật: 11:52 ngày 12/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo UBND tỉnh, trong giai đoạn 2016-2020, ngành Du lịch tỉnh Tây Ninh đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, hiệu quả hoạt động kinh doanh tăng. Sự phát triển của ngành du lịch đã thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giúp tăng thu ngân sách, giải quyết được việc làm cho người lao động, cải thiện bộ mặt nông thôn, phát triển đô thị.

Hệ thống cáp treo lên Điện Bà.

Thời gian qua, xác định du lịch là một trong những đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh tập trung nhiều giải pháp để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chọn Khu du lịch núi Bà Đen là trọng tâm đầu tư, tạo động lực lan toả cho du lịch của tỉnh.

Tỉnh đã mời gọi được một số nhà đầu tư chiến lược như: Tập đoàn Vingroup, Sungroup... đầu tư một số dự án lớn như: Khu hỗn hợp trung tâm thương mại, shophouse, khách sạn 5 sao Vincom plaza; hệ thống các tuyến cáp treo lên đỉnh núi Bà Đen và các công trình phụ trợ…

Các sản phẩm, dịch vụ du lịch được cải thiện về số lượng và chất lượng, lượng khách đến tham quan tại các khu, điểm du lịch ngày càng nhiều. Doanh thu du lịch đạt 4.320 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần giai đoạn 2011-2015.

Chưa thật sự hấp dẫn khách du lịch

Tuy nhiên, UBND tỉnh nhìn nhận, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Du lịch Tây Ninh phải đối mặt cạnh tranh thị trường khách du lịch với các tỉnh lân cận; thời gian di chuyển giữa Tây Ninh với trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước là thành phố Hồ Chí Minh còn dài, ảnh hưởng không nhỏ đến thu hút thời gian lưu trú và tâm lý của các nhà đầu tư cho các dịch vụ du lịch.

Thiếu những điểm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách đến tham quan, vui chơi và lưu trú; không có những loại hình vui chơi giải trí về đêm; Hạ tầng phục vụ du lịch chưa đồng bộ, hệ thống các dịch vụ bổ trợ, các cơ sở vui chơi giải trí còn thiếu.

Những cơ sở hiện có chưa đạt chuẩn và còn ở quy mô nhỏ, khả năng phục vụ đáp ứng nhu cầu du khách số lượng lớn trong các dịp lễ hội, sự kiện còn hạn chế; Nguồn nhân lực du lịch, đội ngũ làm công tác thuyết minh, hướng dẫn khách tham quan tại các điểm tham quan du lịch vẫn còn thiếu và yếu.

Cáp treo lên đỉnh núi Bà Đen.

Chưa thu hút được nhiều khách du lịch quốc tế, nhất là khách đến từ Campuchia mặc dù có lợi thế về đường biên giới và khách du lịch qua lại các cửa khẩu quốc tế của Tây Ninh. Các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch, lữ hành số lượng còn ít, quy mô còn nhỏ, giai đoạn này chưa hình thành được doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực du lịch.

Số lượng khách du lịch đến Tây Ninh so với khu vực và cả nước ở mức khá, nhưng doanh thu du lịch rất thấp vì chủ yếu là khách đi hành hương về Tòa Thánh Cao Đài và hệ thống chùa núi Bà Đen.

Các sản phẩm du lịch còn hạn chế, chưa có nhiều sản phẩm nổi trội để có sức hấp dẫn khách du lịch, chưa có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu khách quốc tế.

Những tồn tại, hạn chế trên không chỉ do xuất phát điểm du lịch Tây Ninh thấp hay theo truyền thống khách du lịch đến Tây Ninh chỉ để du lịch về tâm linh, lễ hội, mà còn do tính chủ động, tích cực phối hợp trong công tác quản lý, khai thác tiềm năng, phát triển du lịch ở nơi này hoặc nơi khác chưa cao; còn bất cập về tổ chức quản lý, biên chế, năng lực nhân sự, kinh phí.

Năng lực về vốn của các tổ chức, cá nhân còn hạn chế, dẫn đến đầu tư nhỏ, manh mún, ít hiệu quả; doanh nghiệp chưa có truyền thống làm du lịch; doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong đầu tư hoạt động Farmstay do vướng mắc về thủ tục đất đai, xây dựng; chưa phát triển về du lịch đường sông do vướng về thủ tục đất đai xây dựng, đường kết nối đường bộ vào các cảng hành khách.

Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Tây Ninh chưa đủ tầm; nội dung, giải pháp tuyên truyền quảng bá chưa đa dạng; kinh phí đầu tư cho công tác quảng bá, xúc tiến chưa nhiều.

Tượng Phật bà Tây bổ đà sơn trên đỉnh núi Bà Đen.

Phấn đấu đến năm 2030, Du lịch đóng góp trên 10% GRDP

Trước những tồn tại, hạn chế đó, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh yêu cầu khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc, đưa Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực và cả nước.

Nâng cao chuỗi giá trị, tăng tỷ trọng du lịch trong GRDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phấn đấu đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Giữ gìn và khai thác tốt tài nguyên tự nhiên và văn hoá; chú trọng phát triển du lịch văn hoá, bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hoá dân tộc.

Xây dựng sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch đa dạng, chuyên nghiệp, có hệ thống, có cơ sở kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm có chất lượng cao, đa dạng, có sức cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu du khách trong nước và quốc tế.

Áp dụng công nghệ 4.0 trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; từng bước phát triển du lịch thông minh; đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân; nâng cao năng lực cạnh trạnh của du lịch Tây Ninh.

Theo đó, mục tiêu mà tỉnh đặt ra đến năm 2025, Khu du lịch núi Bà Đen đạt tiêu chuẩn khu du lịch cấp quốc gia, trở thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực và quốc gia, là tâm điểm dẫn dắt, kết nối lan tỏa du lịch địa phương và khu vực Đông Nam bộ.

Giải quyết được khoảng 7.400 lao động làm việc có liên quan đến ngành du lịch trong đó lao động trực tiếp khoảng 2.600 người, lao động gián tiếp của xã hội khoảng 4.800 người.

Doanh thu du lịch giai đoạn 2021-2025 đạt 9.000 tỷ đồng; Doanh thu dịch vụ lữ hành giai đoạn 2021-2025 đạt 130 tỷ đồng; Khách tham quan du lịch giai đoạn 2021-2025 đạt 18 triệu lượt.

Đến năm 2030, Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GRDP, thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch tăng bình quân hằng năm từ 25%/năm trở lên. Chi tiêu bình quân khách du lịch đến Tây Ninh đạt trên 1,3 triệu đồng/người/ngày.

Giải quyết được khoảng 21.000 lao động làm việc có liên quan đến ngành du lịch trong đó lao động trực tiếp khoảng 7.000 người, lao động gián tiếp của xã hội khoảng 14.000 người.

Doanh thu du lịch giai đoạn 2026-2030 đạt 35.000 tỷ đồng; Doanh thu dịch vụ lữ hành giai đoạn 2026-2030 đạt 235 tỷ đồng; Khách tham quan du lịch giai đoạn 2026-2030 đạt 37 triệu lượt.

Rất đông du khách đến Khu di lịch núi Bà Đen trong dịp Tết.

Phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch

Để đạt được những mục tiêu trên, bên cạnh việc tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch của các cấp, các ngành, người dân, UBND tỉnh nhấn mạnh việc tập trung thu hút đầu tư phát triển du lịch. Rà soát, đơn giản hoá thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh theo hướng đơn giản, tạo điều kiện cho việc đăng ký thành lập doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp với chính sách ưu đãi nhất trong đầu tư phát triển du lịch.

Tạo thuận lợi tối đa và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư thực hiện vai trò “đầu tàu” cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển.

Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1.1.2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021. Công khai, minh bạch thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư và đăng ký doanh nghiệp, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong thu hút đầu tư. Tăng cường công tác hậu kiểm đối với các dự án đầu tư chậm triển khai, các dự án triển khai nhưng không hiệu quả. 

Về phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng các dự án kết nối Tây Ninh với các tỉnh giáp ranh và các dự án trọng điểm, như: cao tốc Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà, đường kết nối từ ĐT.784 (Tây Ninh) đến ĐT.744 (Bình Dương), đường ĐT.782-ĐT.784, đường liên tuyến kết nối vùng N8-ĐT.787B-ĐT.789, cầu An Hoà.

Thực hiện đầu tư các dự án giao thông theo quy hoạch và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, chú trọng các tuyến đường kết nối các Khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, các trục giao thông chính của Thành phố Tây Ninh (bao gồm: đường Trường Chinh, đường Hoàng Lê Kha nối dài, đường Nguyễn Chí Thanh nối dài, đường Nguyễn Trọng Cát).

Du lịch đường sông tiềm năng rất lớn nhưng chưa được khai thác

Phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động các loại hình, phương tiện vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu đưa vào khai thác các tuyến vận tải khách cố định, xe buýt kết nối đến các Khu du lịch, điểm du lịch. Phối hợp Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu phương án mở tuyến xe buýt chất lượng cao từ Tây Ninh đi các quận nội thành Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tập trung xây dựng nguồn nhân lực du lịch và đa dạng hoá thị trường khách du lịch. Phát triển các loại hình du lịch như nghỉ dưỡng, văn hoá – lễ hội, du lịch nông nghiệp, sinh thái, về nguồn, tìm hiểu lịch sử, các sản phẩm du lịch mới…

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào xúc tiến, quảng bá du lịch, trong đó chú trọng vào việc thu thập thông tin và xây dựng nguồn dữ liệu; phát huy tối đa hiệu quả các ứng dụng Du lịch thông minh tỉnh Tây Ninh vào công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch.

Phối hợp tổ chức các đoàn báo chí, các công ty lữ hành, đoàn làm phim, các kênh truyền hình, các đơn vị báo chí chuyên đề du lịch tới khảo sát điểm đến, viết bài, thực hiện phóng sự, làm phim về Du lịch Tây Ninh; xây dựng chương trình du lịch theo mô hình liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ; truyền tải trên các nền tảng kỹ thuật số.

Thực hiện các ấn phẩm, phim ngắn (clip, trailer) chuyên đề theo từng thị trường quảng bá; đa dạng phong phú về phim tư liệu tại các điểm du lịch. Tăng cường truyền thông cổ động trực quan như xây dựng hệ thống Pa-nô cổ động tấm lớn tại các tuyến đường cửa ngõ vào địa phận tỉnh Tây Ninh và các cửa khẩu quốc tế: Mộc Bài, Xa Mát và Tân Nam…

Hy Uyên

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục