BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh phấn đấu trở thành tỉnh phát triển công nghiệp hiện đại 

Cập nhật ngày: 24/11/2018 - 06:19

BTN - Để đạt được các mục tiêu trên, trong thời gian tới, Tây Ninh tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp theo hướng đáp ứng nguyên tắc về lợi thế cạnh tranh của tỉnh, là ngành có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; có ý nghĩa nền tảng, có tác động lan toả cao đến các ngành kinh tế khác…

Nhà máy xi măng Fico. Ảnh: Trịnh Thế Hùng

Theo UBND tỉnh, phấn đấu đến năm 2030, Tây Ninh cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá; một số sản phẩm công nghiệp chế biến, nhất là sản phẩm chế biến xuất khẩu có sức cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong nước và từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Tây Ninh cũng phấn đấu đến năm 2045 trở thành tỉnh phát triển công nghiệp hiện đại, đạt mức độ khá trong khu vực Đông Nam bộ.

Đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP của tỉnh dự kiến đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 30%. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hằng năm đạt 14,5% trở lên. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt trên 70%. Trong thời gian tới, tỉnh cũng nỗ lực hoàn thiện và khai thác hiệu quả các khu, cụm công nghiệp, một số doanh nghiệp công nghiệp trong tỉnh có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Để đạt được các mục tiêu trên, trong thời gian tới, Tây Ninh tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp theo hướng đáp ứng nguyên tắc về lợi thế cạnh tranh của tỉnh, là ngành có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; có ý nghĩa nền tảng, có tác động lan toả cao đến các ngành kinh tế khác; sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường; có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao; một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động mà tỉnh đang có lợi thế.

Từ nay đến năm 2030, tỉnh tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như: sản xuất các sản phẩm tinh sau chế biến các mặt hàng nông - lâm - thuỷ sản, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Tỉnh vẫn tiếp tục phát triển công nghiệp dệt may, da giày và thu hút vào các khu - cụm công nghiệp.

Trong đó ưu tiên cho các dự án tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hoá; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực cơ khí như: máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế...

Dây chuyền công nghệ dệt hiện đại ở một doanh nghiệp FDI.

Đến giai đoạn 2030-2045, Tây Ninh sẽ tập trung ưu tiên phát triển các thế hệ mới của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông; phổ cập công nghệ kỹ thuật số, tự động hoá, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, thiết bị sinh học... Tỉnh cũng sẽ thực hiện cơ cấu lại công nghiệp theo hướng hiện đại, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và mức độ thông minh, mô hình nhà máy thông minh, phát triển sản xuất các sản phẩm, thiết bị thông minh...

Nhằm thúc đẩy công nghiệp phát triển, trong thời gian tới, tỉnh quyết tâm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án. Trong đó có việc bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, kinh tế và an toàn xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư... Đề xuất cơ chế đặc thù hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp thông minh.

Tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp công nghiệp để lực lượng này trở thành một động lực quan trọng trong phát triển công nghiệp của tỉnh; đẩy mạnh thu hút trực tiếp đầu tư nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực quan trọng, được khuyến khích đầu tư, phát triển; quan tâm phát triển đúng mức nguồn nhân lực cho công nghiệp.

ĐÌNH CHUNG