Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ:

Tây Ninh phát triển ấn tượng 

Cập nhật ngày: 30/11/2022 - 05:54

BTN - Chiều 29.11, tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện thoả thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2020-2025. Gần 500 đại biểu đến từ 6 tỉnh, thành trong khu vực tham dự hội nghị.

Lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh cùng các địa phương tham quan gian hàng tỉnh Tây Ninh trưng bày tại hội nghị.

Tham dự hội nghị có ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cùng lãnh đạo UBND các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ. Dẫn đầu đoàn đại biểu tỉnh Tây Ninh tham dự hội nghị là ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, việc triển khai thực hiện nội dung thoả thuận liên kết hợp tác du lịch vùng Đông Nam bộ được các địa phương chủ động triển khai quyết liệt. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương trung tâm đầu mối liên kết, hợp tác phát triển du lịch của cả vùng, trong quá trình tổ chức các sự kiện du lịch đã gắn kết du lịch các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của từng địa phương nói riêng và du lịch vùng nói chung.

Hoạt động xúc tiến, quảng bá về du lịch cơ bản được tập trung tổ chức hiệu quả gắn với việc quảng bá tại các sự kiện hội chợ, triển lãm do các tỉnh, thành phố tổ chức và trên các phương tiện truyền thông.

Tuy nhiên, hội nghị cũng đánh giá, dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng trực tiếp, kéo dài và gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động du lịch. Kế hoạch của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về triển khai thoả thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2020-2021 không triển khai thực hiện được, hoặc tiến độ triển khai bị chậm lại như: công tác hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các chương trình kích cầu du lịch kết nối từ Thành phố Hồ Chí Minh đến 5 tỉnh Đông Nam bộ.

Các nội dung thực hiện liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành theo chương trình ký kết đạt hiệu quả chưa cao, mới chỉ thực hiện tốt được việc tổ chức và tham gia các sự kiện quảng bá du lịch do các tỉnh, thành tổ chức.

Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong cho biết, Tây Ninh được biết đến với Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Bà Đen, có Toà thánh Cao Đài Tây Ninh- nơi khai sinh tôn giáo Cao Đài; Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam; Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát được công nhận là Vườn di sản ASEAN của cả nước và duy nhất ở Đông Nam bộ, cùng nhiều danh lam thắng cảnh khác.

Ẩm thực Tây Ninh cũng độc đáo, đậm đà như tình người Tây Ninh, nổi tiếng cả nước với bánh canh, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, muối ớt tôm, mãng cầu Bà Đen, bò tơ Tây Ninh…

Năm 2016, nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; và đầu năm 2022, “Nghệ thuật chế biến món ăn chay ở Tây Ninh” vinh dự được đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể.

Ông Trong cũng chia sẻ thêm, thời gian qua, nhờ chú trọng vào việc cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh đã thu hút và mời gọi được nhà đầu tư chiến lược là tập đoàn Sungroup- một trong những tập đoàn hàng đầu hiện nay trong lĩnh vực vui chơi, giải trí, du lịch của Việt Nam- đã, đang và sẽ đầu tư nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, chất lượng, đẳng cấp vào Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen… mang đến những trải nghiệm mới cho du khách.

Các đại biểu tham dự tham quan gian hàng tỉnh Tây Ninh trưng bày tại hội nghị.

Về định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới, lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh đề xuất tăng cường công tác trao đổi thông tin về quản lý nhà nước lĩnh vực du lịch; chú trọng công tác quy hoạch trong phát triển du lịch của vùng; xây dựng môi trường du lịch thân thiện, an toàn, nhằm đem lại sự thoải mái, an tâm, tạo ra những cơ hội đầu tư cho du lịch phát triển.

Song song đó, tăng cường liên kết vùng trong phát triển sản phẩm và thực hiện công tác quảng bá, truyền thông về du lịch, có thể nghiên cứu chương trình quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch của nhau trên hệ thống thông tin đại chúng của địa phương mình.

Ngoài ra, kết hợp các điểm du lịch chủ lực của mỗi địa phương trong vùng để xây dựng các chương trình du lịch, tuyến tham quan mới, đặc sắc chung của vùng; không ngừng đổi mới, sáng tạo và hoàn thiện sản phẩm hơn nữa, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của du lịch vùng.

Đức An