Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tây Ninh phục hồi kinh tế sau đại dịch
Thứ năm: 23:52 ngày 11/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trở lại thời điểm giữa tháng 7.2021, khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, Tây Ninh là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng.

Đoàn công tác của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc làm trưởng đoàn khảo sát dự án cảng quốc tế Long An ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. (Ảnh chụp ngày 1.4.2022)

Có 240km đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia và tiếp giáp các tỉnh Bình Dương, Long An, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh- tâm dịch của cả nước lúc bấy giờ, những đặc điểm này khiến công tác phòng, chống dịch của Tây Ninh càng trở nên phức tạp, nóng bỏng. Trải qua 3 đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mọi hoạt động bị ngưng trệ, tốc độ tăng trưởng các ngành kinh tế đạt thấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Hơn một năm kể từ đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, đến nay, vaccine phòng Covid-19 được bao phủ tỷ lệ cao trong cộng đồng, dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế của tỉnh từng bước phục hồi và tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm 2022.

DU LỊCH TĂNG TRƯỞNG ẤN TƯỢNG

Du lịch là ngành chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Trong hai năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng dịch bệnh, lượng khách đến tham quan tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen và các các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh giảm mạnh do phải đóng cửa nhiều đợt để phòng chống dịch. Năm 2021, khách du lịch đến Tây Ninh chỉ đạt trên 2,6 triệu lượt khách, giảm 56,4% so với năm 2019; doanh thu du lịch đạt 600 tỷ đồng, giảm 45,5% so với năm 2019 khi chưa có dịch.

Để thích ứng với tình hình dịch bệnh, một mặt các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch chấp hành các quy định phòng chống dịch, mặt khác tận dụng thời gian tạm nghỉ để bảo dưỡng cơ sở vật chất, trang trí cảnh quan; tiêm vaccine phòng Covid-19, đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức cho đội ngũ nhân sự và xây dựng phương án đón khách phù hợp với quy định phòng, chống dịch. Các

hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch trên các nền tảng số được Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Tây Ninh và các doanh nghiệp đẩy mạnh- nhất là trên mạng xã hội. Đó là sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho ngày mở cửa trở lại hoạt động du lịch.

Sau gần 3 tháng đóng cửa vì dịch Covid-19, ngày 18.10.2021, Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen mở cửa đón đoàn du khách đầu tiên đến với Tây Ninh theo chương trình liên kết phục hồi du lịch giữa UBND tỉnh Tây Ninh và UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

Chuyến du lịch này được thiết kế khép kín “một cung đường, hai địa điểm” để phù hợp với trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.

Với sự mở đầu thuận lợi như vậy, du lịch của tỉnh dịp Tết Nguyên đán năm 2022 và những tháng đầu năm 2022 tăng trưởng ấn tượng cả về số lượng khách và doanh thu. Riêng trong 9 ngày tết, Tây Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút khách tham quan với hơn 800.000 lượt.

Ước thực hiện trong 7 tháng đầu năm 2022, lượng khách lưu trú đạt trên 1,7 triệu lượt, tăng 58% so cùng kỳ; khách lữ hành đạt 14.500 lượt, tăng 1.626% so cùng kỳ; khách tham quan các khu, điểm du lịch đạt gần 3,6 triệu lượt, tăng 142% so cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch đạt 975 tỷ đồng, tăng 89% so cùng kỳ.

Để tạo đà cho du lịch tăng trưởng mạnh mẽ, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trương Văn Hùng cho biết, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1833/KH-UBND về phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với những mục tiêu quan trọng nhằm nâng cao chuỗi giá trị, tăng tỷ trọng du lịch trong GRDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phấn đấu đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Công tác xúc tiến du lịch được Sở chủ động thực hiện với nhiều hình thức.

Vừa qua, Sở phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh thực hiện xúc tiến du lịch ở phía Bắc, tổ chức famtrip từ phía Bắc vào Tây Ninh; famtrip của người nổi tiếng (có sự tham gia của Á hậu Vũ Hoàng My, Hoa hậu Ngọc Châu, các traveller, blogger nổi tiếng) để quảng bá hình ảnh Tây Ninh trên mạng xã hội.

Hay mới đây, đã tổ chức đoàn xúc tiến du lịch sang thành phố Phnom Penh và thành phố Siem Reap, Vương quốc Campuchia rất thành công. Kết quả ban đầu từ việc xúc tiến này là lượng khách Campuchia đến núi Bà tăng, sắp tới sẽ là hoạt động lữ hành hai chiều giữa Campuchia và Việt Nam.

Ông Hùng cho biết thêm, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh tích hợp những nội dung về phát triển du lịch vào trong quy hoạch tỉnh đang được xây dựng (như dành quỹ đất để xây dựng trạm dừng chân, khách sạn, nhà hàng, bãi giữ xe); tháo gỡ khó khăn trong đầu tư phát triển loại hình du lịch farmstay.

Với lượng du khách đến Tây Ninh lưu trú bắt đầu đông, Tây Ninh cần xây dựng khu phố đêm để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, “níu chân” du khách lâu hơn. Sau chuyến bay thử nghiệm thành công, tới đây, tỉnh sẽ thành lập Liên đoàn Dù lượn và tổ chức bay thường xuyên khu vực ngã ba bờ hồ Dầu Tiếng.

Song song đó, đưa giá trị đa mục tiêu của hồ Dầu Tiếng vào quy hoạch tỉnh, làm cơ sở khai thác hoạt động du lịch nơi đây; tiếp tục quan tâm phát triển du lịch về nguồn Căn cứ Trung ương Cục miền Nam và duy trì các hoạt động lễ hội truyền thống.

Tỉnh cũng sẽ tổ chức lễ công bố di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Nghệ thuật chế biến món chay ở Tây Ninh; thực hiện số hoá 95 di tích lịch sử trên địa bàn, tạo thành nguồn dữ liệu số để dễ dàng tiếp cận với du khách.

Du khách trải nghiệm bay dù lượn thể thao ngắm hồ Dầu Tiếng và núi Bà Đen từ trên cao dịp lễ 30.4 - 1.5.2022

PHỤC HỒI, TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khoá X, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế của tỉnh tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19, những tác động xấu từ cuộc xung đột Nga - Ukraine dẫn đến lạm phát, giá cả vật tư, hàng hoá tiêu dùng tăng cao, ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế, sản xuất kinh doanh, công tác xây dựng cơ bản và đời sống nhân dân.

Song, với nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, sáng tạo của các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh đạt kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, kinh tế phục hồi và tăng trưởng khá cao.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 5,2%, tuy chưa đạt mức tăng trưởng bình quân của cả nước nhưng là mức tăng trưởng khá ấn tượng, thể hiện nỗ lực lớn trong điều kiện khó khăn tưởng chừng khó vượt qua sau 2 năm chịu tác động của đại dịch và tình trạng lạm phát gia tăng hiện nay.

So với cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đứng 46/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 4/8 tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm và xếp thứ 9/19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Nổi bật, giá trị sản xuất các ngành nông - lâm, ngư nghiệp - công nghiệp - thương mại, dịch vụ đều tăng khá cao, tỷ trọng công nghiệp - thương mại, dịch vụ chiếm 76% trong GRDP.

Thu ngân sách đến nay đạt trên 62% dự toán, có khả năng đạt và vượt dự toán năm 2022 trước thời hạn. Kim ngạch xuất khẩu duy trì ở mức khá cao, tăng 17,7% so với cùng kỳ, đạt 3,2 tỷ USD. Đặc biệt, ngành du lịch phục hồi nhanh và tăng trưởng cao ngoạn mục cả về lượng khách và doanh thu, Tây Ninh là một trong 3 địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ phục hồi và tăng trưởng du lịch.

Tỉnh cũng đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, chăm lo cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tính đến nay đã chi hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho trên 550.000 đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với tổng kinh phí 1.006,7 tỷ đồng, không để xảy ra tình trạng hộ thiếu đói trong đại dịch.

Tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế, những tháng cuối năm 2022, UBND tỉnh nhận diện các khó khăn, hạn chế, đề ra các nhóm giải pháp khắc phục. Trong đó, công tác phòng, chống dịch Covid-19 và theo dõi diễn biến dịch đậu mùa khỉ được quan tâm, nhằm nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ người dân và tạo điều kiện cho khôi phục, phát triển kinh tế. UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, nhất là khắc phục, khơi thông về cơ bản những bất cập, điểm nghẽn liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng; triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ cho phục hồi kinh tế.

Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược, tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện triển khai nhanh các dự án đầu tư trọng điểm; nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; phấn đấu thu ngân sách đạt và vượt dự toán; tăng cường xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu. Tỉnh cũng sẽ tập trung hoàn thành quy hoạch tỉnh bảo đảm chất lượng, tiến độ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư.

“Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 mà Nghị quyết Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh đề ra, cũng như để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững mang tính đột phá, thu ngắn khoảng cách phát triển với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ngoài nỗ lực lớn, quyết tâm cao của chính quyền các cấp rất cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Đây là nhân tố quyết định sự thành công và phát triển đi lên của địa phương, đặc biệt là sự sẻ chia khó khăn, đồng hành vượt qua thách thức, hiến kế về giải pháp khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, thúc đẩy sự gắn kết, liên kết vùng mạnh mẽ, toàn diện và hiệu quả, tạo động lực mới cho sự phát triển của địa phương trong thời gian tới”- Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh.

PHƯƠNG THUÝ - XUÂN VŨ

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh