Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tây Ninh quan tâm phát triển năng lượng tái tạo.
Thứ bảy: 09:43 ngày 28/08/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Năng lượng sinh khối được coi là trụ cột quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững do tận dụng tối đa các nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp như bã mía, biogas để phát điện, góp phần bảo vệ khí hậu.

Một dự án điện năng lượng mặt trời trên địa bàn Tây Ninh.

Nhìn chung, vài năm trở lại đây, năng lượng mặt trời phát triển mạnh tại Tây Ninh. Trong khi đó, năng lượng sinh khối vẫn chưa được khai thác đúng mức. Năng lượng sinh khối được coi là trụ cột quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững do tận dụng tối đa các nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp như bã mía, biogas để phát điện, góp phần bảo vệ khí hậu.

Số lượng các nhà máy điện sinh khối trên địa bàn tỉnh nếu tăng khá sẽ đưa Tây Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung nhanh chóng đạt được các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính trong Đóng góp Quốc gia tự quyết định (NDC)…

 Những vấn đề trên đã được tỉnh nghiên cứu, đánh giá và đưa ra các giải pháp nhằm phát triển hiệu quả năng lượng tái tạo trong tương lai gần.

Tây Ninh là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm và có dân số đứng thứ sáu khu vực trọng điểm phía Nam, có tổng diện tích tự nhiên là 4.041,3 km2. Tây Ninh nằm ở vị trí tiếp giáp với các địa phương có nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế phía Nam và tỉnh Bình Dương. Tây Ninh cũng được xem là một tỉnh giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đặc điểm vị trí, địa lý, điều kiện tự nhiên của Tây Ninh có nhiều thuận lợi cho việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo so với các địa phương lân cận. Tây Ninh là khu vực có lượng bức xạ cao, dao động từ 4.750- 5.250 w/m2 so với mặt bằng chung của cả nước, cùng với tổng số giờ nắng trên 2.400 giờ/năm.

Ngoài ra, địa phương còn quỹ đất tự nhiên tương đối lớn, đứng thứ 4 trong 8 tỉnh của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Đất đai bằng phẳng, ít đồi núi, thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp, vận chuyển. Kết cấu địa chất thuận lợi trong việc bố trí mặt bằng xây dựng các công trình, công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Hiện tại, Tây Ninh có tiềm năng phát triển 2 nguồn năng lượng tái tạo chính, bao gồm năng lượng mặt trời và năng lượng sinh khối. Trong đó, điện mặt trời chiếm tỉ lệ cao nhất (99,48%). Tây Ninh đang tập trung phát triển 2 loại hình đầu tư điện mặt trời gồm: Nhóm dự án điện mặt trời thuộc quy hoạch điện quốc gia, quy hoạch phát triển điện của tỉnh và nhóm dự án điện mặt trời áp mái quy mô hộ gia đình, doanh nghiệp.

Bã mía là nguồn nguyên liệu để đồng phát nhiệt - điện của Tập đoàn Thành Thành Công.

Tính đến cuối năm 2020, Tây Ninh có 10 dự án nhà máy điện mặt trời được đưa vào vận hành với tổng công suất thiết kế là 808 MW. Trong đó, có 3 dự án nhà máy điện mặt trời đấu nối cấp điện áp 220kV với tổng công suất lắp đặt 500 MWp (~ 400 MW), chiếm 51,35% phụ tải của toàn tỉnh. Sản lượng điện phát trong năm 2020 đạt 763.650 MWh, chiếm tỷ lệ 16,22% sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh.

Có 7 dự án nhà máy điện mặt trời đấu nối cấp điện áp 1l0kV với tổng công suất lắp đặt 308 MWp (-246 MW), chiếm 31,63% phụ tải của toàn tỉnh. Sản lượng điện phát trong năm 2020 đạt 290.820 MWh, chiếm tỷ lệ 6,18% sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh.

Về hệ thống điện mặt trời mái nhà đấu nối lưới trung hạ áp, có khoảng 4.298 hệ thống với tổng công suất lắp đặt 306,9 MWp (~245 MW), chiếm 31,52% phụ tải toàn tỉnh. Sản lượng điện phát trong năm 2020 đạt 46.161 MWh, chiếm tỷ lệ 0,98% sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh.

Về cơ bản, các dự án điện mặt trời phát triển tương đối đồng đều giữa các khu vực, tuy nhiên đa phần là các dự án có công suất nhỏ (<100 kW).

Đối với năng lượng sinh khối, hiện nay trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 1 dự án phát điện từ bã mía của Tập đoàn Thành Thành Công. Dự án tận dụng khoảng 351 nghìn tấn bã mía trong quá trình sản xuất để đồng phát nhiệt - điện với tổng công suất phát điện 2 tổ máy là 37MWh (đang hoạt động tốt). Sản lượng điện phát trong năm 2020 đạt 44.638 MWh, chiếm tỷ lệ 0,95% sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh.

Một người dân lắp đèn năng lượng mặt trời cho sân vườn

Bên cạnh đó, các nhà máy chế biến khoai mì trong tỉnh đang sử dụng hệ thống xử lý chất thải bằng công nghệ biogas cũng có thể đầu tư phát điện. Nhìn chung, phế phẩm từ nông nghiệp chủ yếu làm thức ăn cho gia súc, gia cầm hoặc xử lý bằng phương pháp đốt bỏ, chưa được tận dụng cho mục đích tái tạo năng lượng.

Đối với năng lượng thủy điện, Tây Ninh hiện có 2 nhà máy khai thác thuỷ điện trên hệ thống thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng (nhà máy thủy điện Dầu Tiếng xây dựng năm 2004 và Nhà máy thủy điện CS2 xây dựng năm 2012), công suất mỗi nhà máy là 1,5MW. Sản lượng điện phát trong năm 2020 đạt 5,82 MWh, chiếm tỷ lệ 0,12% sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 2 con sông chính là sông Sài Gòn và Vàm cỏ Đông với vận tốc dòng chảy thấp, thế năng dòng nước nhỏ, do đó việc phát triển thủy điện hầu như không khả thi.

Đối với năng lượng gió, trên địa bàn tỉnh chỉ có khu vực núi Bà Đen và Hồ Dầu Tiếng là có tốc độ gió lớn nhất. Tuy nhiên, do đặc điểm địa lý nên những khu vực này dù có gió lớn nhất tỉnh nhưng so với yêu cầu sản xuất năng lượng điện quy mô lớn cỡ MW trở lên thì vẫn chưa đáp ứng được. Còn nếu triển khai các dự án sản xuất điện từ gió với quy mô nhỏ lẻ thì không khả thi, không hiệu quả kinh tế do đầu tư cho phát triển điện gió khá cao.

Đến 31.12.2020, tổng công suất từ các nguồn năng lượng tái tạo đã đi vào vận hành trên địa bàn tỉnh là 971 MW. Tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo trong năm 2020 đạt 24,33% so với sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh.

Năng lượng sinh khối (biomass energy) là năng lượng được tạo ra từ các vật liệu dư thừa như trấu, rơm rạ, bã mía hoặc chất thải từ các hoạt động sinh hoạt của con người (rác, bùn/nước cống). Sinh khối là sử dụng các vật liệu này chuyển hóa thành điện năng (sinh hóa, hóa học) hoặc nhiệt năng (đốt).

AN KHANG

Tin cùng chuyên mục