Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tây Ninh sẽ phát triển nhiều trung tâm thương mại và siêu thị
2011-03-17 10:20:00

Tây Ninh có 107 chợ, trong đó chỉ có 8 chợ được xếp hạng II, còn lại 99 chợ được xếp hạng III. Hoạt động hệ thống chợ theo kiểu truyền thống, trong đó lực lượng tham gia kinh doanh hầu hết là hộ cá thể và những người trực tiếp sản xuất hàng hoá.

Khu A,B TTTM Long Hoa đã đưa vào hoạt động

Theo đà phát triển kinh tế- xã hội trong những năm gần đây, hoạt động bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Đến năm 2010 toàn tỉnh Tây Ninh có gần 25.000 đơn vị tham gia kinh doanh, bán buôn, bán lẻ hàng hoá. Ngoài ra còn có hơn 8.200 quầy, sạp tham gia bán buôn, bán lẻ trong hệ thống chợ. Tuy nhiên, so với tốc độ phát triển kinh tế- xã hội thì số lượng cơ sở bán buôn, bán lẻ theo hướng hiện đại như trung tâm thương mại (TTTM) và siêu thị trên địa bàn tỉnh vẫn còn quá ít, chưa đáp ứng được với sức mua ngày càng tăng và nhu cầu hiện đại hoá trong hoạt động thương mại ở những khu dân cư tập trung.

Theo thống kê của Sở Công thương, đến nay trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 107 chợ, trong đó chỉ có 8 chợ được xếp hạng II, còn lại 99 chợ được xếp hạng III. Hoạt động hệ thống chợ theo kiểu truyền thống, trong đó lực lượng tham gia kinh doanh hầu hết là hộ cá thể và những người trực tiếp sản xuất hàng hoá. Riêng loại hình bán buôn, bán lẻ theo hướng hiện đại thì toàn tỉnh chỉ mới có được 3 TTTM và 8 siêu thị mà thôi. Trong 3 TTTM hiện có thì có đến 2 TTTM nằm trong Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là Hiệp Thành và Phi Long. TTTM còn lại là TTTM Long Hoa thuộc huyện Hoà Thành thì đến nay chỉ mới xây dựng xong và đưa vào hoạt động khoảng phân nửa diện tích nên quy mô phát triển vẫn còn hạn chế. Còn về 8 siêu thị hiện có thì có đến 5 nằm trong Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Hầu hết các siêu thị thực hiện việc bán lẻ hàng miễn thuế là chính.

Đánh giá về thực trạng hoạt động của các TTTM và siêu thị đang có trên địa bàn tỉnh, Sở Công thương cho rằng không chỉ số lượng còn quá ít mà quy mô tổ chức bán cũng còn nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tên gọi và cũng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển thương mại nội địa theo hướng văn minh, hiện đại. Nguyên nhân chính khiến cho hệ thống TTTM và ST trên địa bàn tỉnh Tây Ninh phát triển chậm là do thiếu vốn đầu tư và chính sách ưu đãi đầu tư chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư có tiềm lực đến với Tây Ninh.

Căn cứ dự báo về tình hình phát triển kinh tế- xã hội trong 5 năm tới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thì đến năm 2015 thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng hơn gấp đôi so với năm 2010. Cụ thể, năm 2010 thu nhập bình quân đầu người ở Tây Ninh vào khoảng hơn 1,5 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến giai đoạn 2011 - 2015 mức thu nhập bình quân đầu người tăng 16,1%/năm thì đến năm 2015 thu nhập bình quân đầu người ở Tây Ninh sẽ đạt đến hơn 3,2 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập tăng thì sức mua sẽ tăng theo. Từ đó dự báo đến năm 2015 tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh sẽ đạt đến hơn 52.000 tỷ đồng- cũng tăng hơn gấp đôi so với năm 2010. Đồng thời xu hướng phát triển thương mại hiện đại sẽ trở nên thông dụng, sẽ dần thay thế các chợ truyền thống- trước tiên là ở các khu vực thị xã, thị trấn và các khu dân cư tập trung.

Trong quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011-2015, một trong những quan điểm được đề ra là “Phát triển thương mại bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh cần bảo đảm kết hợp giữa mạng lưới bán buôn, bán lẻ hiện có với việc mở rộng và phát triển thêm hệ thống bán buôn, bán lẻ mới, hiện đại…”. Từ quan điểm như vậy, Sở Công thương đã đề xuất xây mới thêm 8 TTTM và 11 siêu thị tại các huyện thị. Cụ thể giai đoạn 2011-2015 dự kiến trên địa bàn thị xã Tây Ninh sẽ xây dựng thêm 2 TTTM- 1 tại phường 2 (đất Quân y cũ) và 1 TTTM tại phường 4, đồng thời xây dựng thêm 3 siêu thị tổng hợp ở các vị trí như: bến xe cũ, ngã tư Bách hoá và CoopMart ở phường 3. Riêng các huyện thì mỗi huyện sẽ xây dựng 1 TTTM và từ 1 đến 2 siêu thị tuỳ điều kiện phát triển kinh tế- xã hội.  Như vậy trong vòng 10 năm tới, Tây Ninh sẽ có 11 TTTM và 19 siêu thị hoạt động bán buôn và bán lẻ hiện đại, đủ đáp ứng yêu cầu mua sắm của người dân.

Siêu thị miễn thuế ở Khu KTCK Mộc Bài

Tuy nhiên, một trong những vấn đề khó khăn khi triển khai thực hiện quy hoạch phát triển TTTM và siêu thị ở Tây Ninh là nguồn vốn đầu tư. Theo tính toán của cơ quan chức năng thì tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống TTTM và siêu thị theo dự kiến vào khoảng hơn 1.200 tỷ đồng, chủ yếu là huy động từ các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước. Để tăng cường khả năng thu hút cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn tham gia, đồng thời Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp qua việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật đến hàng rào các công trình TTTM và siêu thị mà nhà đầu tư tham gia xây dựng.

Sơn Trần

 

Từ khóa:
Tin liên quan