Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tây Ninh: Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm
Thứ ba: 09:17 ngày 07/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thời gian gần đây, tại Campuchia ghi nhận 2 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 tại tỉnh Prey Veng, trong đó có 1 trường hợp đã tử vong.

UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm và lây nhiễm sang người, ngày 2.3, UBND tỉnh Tây Ninh có Công văn số 555/UBND-KT về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, đặc biệt là phòng, chống bệnh cúm gia cầm lây lan sang người.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí các nguồn lực để triển khai kịp thời, có hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Trong đó, phối hợp với các địa phương triển khai tiêm phòng đợt 1 năm 2023 cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức thực hiện tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm từ ngày 1.3 đến hết ngày 1.4.2023.

Phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Người chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi.

Sở Y tế phối hợp với Bộ đội Biên phòng và các cơ quan liên quan tăng cường công tác giám sát người nhập cảnh tại các cửa khẩu và chợ gia cầm sống, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm gửi các đơn vị chuyên môn xét nghiệm, nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

Các bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế. Trung tâm Kiếm soát bệnh tật sẵn sàng thuốc, vật tư, hoá chất, phương tiện và các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời hỗ trợ cho các địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế và các đơn vị có liên quan tuyên truyền sâu rộng về nguy cơ, tác hại của bệnh cúm và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và các biện pháp phòng tránh lây nhiễm cúm gia cầm sang người; khuyến cáo người dân không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không ăn tiết canh và các sản phẩn từ gia cầm bị ốm, chết không rõ nguyên nhân.

Cục Quản lý thị trường (Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) tăng cường kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép không rõ nguồn gốc trên địa bàn tỉnh.

Các huyện, thị xã, thành phố chủ động giám sát các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao, kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm khi phát hiện.

Hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi và khu vực có nguy cơ cao; ngăn chặn và tiêu diệt các loài véc tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, dẫn đến dịch bệnh lây lan, gây ảnh hưởng cho người dân và cộng đồng.

Phối hợp với cơ quan thú y tổ chức tiêm vaccine phòng các bệnh nguy hiểm trên vật nuôi, bảo đảm tỷ lệ vật nuôi được tiêm phòng đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm triển khai. Đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật, các chuỗi chăn nuôi khép kín.

Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm từ động vật trái phép. Trường hợp bắt các lô hàng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp, phải tiêu huỷ ngay (trước khi tiêu huỷ, cần lấy mẫu gửi các cơ quan chuyên môn xét nghiệm xét nghiệm theo quy định).

Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, cả nước có trên 25 ổ dịch cúm A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8 tại 22 tỉnh, thành phố, buộc tiêu huỷ trên 100.000 con gia cầm; 1.260 ổ dịch tả heo châu Phi tại 54 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 60.000 con heo; 260 ổ dịch viêm da nổi cục tại 17 tỉnh với 2.300 con trâu, bò mắc bệnh; 22 ổ dịch bệnh lở mồm long móng tại 8 tỉnh với 570 con gia súc mắc bệnh. Đến nay, các ổ dịch cơ bản được kiểm soát tốt.

Minh Dương

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục