BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh: Tăng cường áp dụng biện pháp kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây trồng 

Cập nhật ngày: 12/05/2020 - 09:05

BTNO - Đối với cây ăn trái, trên cơ sở định hướng quy hoạch của tỉnh, vùng, Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý, giám sát thực hiện bảo đảm phát triển đúng định hướng, xác định cụ thể diện tích từng loại cây thông qua quản lý vùng trồng gắn với việc xây dựng hệ thống thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ.

Thu hoạch mãng cầu- Ảnh minh hoạ

Áp dụng một số biện pháp kỹ thuật canh tác như tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ hoai kết hợp các vi sinh có ích, nhất là các dòng nấm Trichoderma đối kháng trừ nhóm nấm gây hại trong đất để hạn chết bệnh vàng lá thối rễ. Giai đoạn đầu vụ gặp nắng nóng, khô hạn, nông dân cần áp dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm; tủ gốc, tỉa bớt cành nhánh, bón phân lân, kali và phun một số loại phân trung vi lượng qua lá để nâng cao khả năng chống chịu cho cây.

Vào đầu mùa mưa, rễ cây ăn trái thường yếu do mưa nhiều làm đất yếm khí, đồng thời thuận lợi cho các dòng nấm trong đất phát sinh gây hại, do đó, cần bón các loại phân có tỷ lệ dinh dưỡng cân đối; tiêu thoát nước tốt, không để vườn ngập trong điều kiện mưa nhiều.

Bên cạnh đó, bón vôi vào đầu hay cuối mùa mưa vì vôi có tác dụng giải phóng các dinh dưỡng bị keo đất giữ chặt, cung cấp canxi trực tiếp cho cây, giúp chất lượng trái ngon hơn. Vào đầu mùa mưa, dùng nước vôi quét vào gốc cây để hạn chế các loài xén tóc đục thân, cành đẻ trứng và nấm Phytopthora sp. phát sinh.

Vườn sầu riêng tại xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu- Ảnh minh hoạ

Theo ngành chức năng, trong điều kiện thời tiết còn tiếp tục nắng nóng đến nửa đầu tháng 5.2020, cần lưu ý các đối tượng gây hại thuộc nhóm côn trùng chích hút: nhện đỏ, rệp sáp, sâu đục trái… và bệnh chổi rồng trên cây nhãn. Ngay sau khi có các cơn mưa giao mùa, chú ý phòng trừ kịp thời các loài xén tóc đục thân, cành. Trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, lưu ý bệnh vàng lá thối rễ, đốm lá, thán thư, bệnh do vi khuẩn gây ra.

Đối với cây công nghiệp dài ngày, nông dân cần tăng cường đầu tư, áp dụng các kỹ thuật canh tác tiến bộ vào sản xuất, tưới nước tiết kiệm, sử dụng giống mới có khả năng kháng sâu bệnh, thích nghi với sự biến đổi khí hậu, thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ dịch hại.

Trồng cam xoàn ở xã Tân Bình, huyện Tân Biên- Ảnh minh hoạ

Các địa phương khuyến cáo người sản xuất chủ động kiểm tra vườn thường xuyên, phát hiện sâu bệnh kịp thời và có biện pháp phòng trừ thích hợp. Tăng cường vệ sinh đồng ruộng, thu gom tàn dư thực vật, cắt tỉa cành khô, cành bị sâu bệnh, làm cho vườn cây thông thoáng, tạo điều kiện tốt cho cây sinh trưởng phát triển, hạn chế sâu bệnh gây hại.

Giang Hà