Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tây Ninh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực có tốc độ đô thị hoá cao của cả nước. Giai đoạn 2016-2020, bộ mặt các đô thị trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc, các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được đầu tư, chỉnh trang, nâng cấp đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu phát triển.
Trung tâm thương mại Vincom Plaza. Ảnh: Đ.H.T
Tăng cường chỉnh trang đô thị
Theo UBND thành phố Tây Ninh, trong những năm qua, Thành phố đã mời gọi, thu hút được nhiều nhà đầu tư với những dự án lớn, đã và đang xây dựng, đưa vào sử dụng như khu dịch vụ thương mại Thành Thành Công; đại lý ô tô Toyota Lý Thường Kiệt - chi nhánh Tây Ninh; khu dân cư Phú Thịnh; tổ hợp Trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao và khu nhà phố thương mại shophouse - Vincom Tây Ninh của Tập đoàn VinGroup; dự án Khu du lịch núi Bà Đen được Tập đoàn Sun Group và một số nhà đầu tư chiến lược khác đầu tư… góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng gia tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị được tập trung đầu tư từng bước hoàn thiện, đồng bộ; các đường chính nội thành, hẻm nội thành được nhựa hoá, bê tông hoá đạt hơn 90%; đường giao thông nông thôn được nhựa hoá, bê tông hoá, cứng hoá đạt 97,09%; hệ thống chiếu sáng công cộng đạt 86%; các công viên được chỉnh trang, nâng cấp, đầu tư mới… góp phần cải thiện đáng kể bộ mặt, mỹ quan đô thị và nhu cầu của đời sống xã hội.
Cùng với thành phố Tây Ninh, Hoà Thành là một trong những địa phương hình thành đô thị sớm nhất của tỉnh, được quy hoạch hệ thống giao thông bài bản, lâu đời. Những năm gần đây, hệ thống giao thông đường bộ trên toàn đô thị đã và đang được tiếp tục đầu tư phát triển, tạo thành mạng lưới kết nối với tất cả các địa bàn trong đô thị và liên thông với các vùng lân cận, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đô thị. Nhiều tuyến đường giao thông quan trọng của Thị xã được nâng cấp đã làm thay đổi rõ rệt diện mạo của địa phương.
Kinh tế phát triển mạnh qua từng năm- nhất là hoạt động thương mại, nông nghiệp, dịch vụ… đã đưa Hoà Thành trở thành một trong những địa phương có thu nhập đầu người cao nhất của tỉnh. Đến nay, người dân khu vực trung tâm đã dần hình thành nếp sống văn minh đô thị, chung tay cùng chính quyền xây dựng bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Cùng được công nhận là thị xã như Hoà Thành, những năm qua, Trảng Bàng được xem là đô thị phía Đông của Tây Ninh và là cửa ngõ phía Nam của tỉnh kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh (trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội của khu vực phía Nam) và các tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
5 năm qua, thị xã Trảng Bàng đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Trong đó, giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản tăng bình quân hằng năm trên 2,2%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hằng năm 13,21%. Trên địa bàn thị xã hiện có 3 khu công nghiệp và 1 khu chế xuất hoạt động, thu hút 250 dự án đầu tư. Trong đó, có 202 dự án FDI và 48 dự án trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.219,66 triệu USD và 6.022,91 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho trên 50.000 lao động. Ngoài ra, Thị xã còn có 27 dự án ngoài các khu công nghiệp với ngành nghề dệt, may mặc, sản xuất sản phẩm từ da và từ cao su, nội thất bằng gỗ…
Thời gian gần đây, nhiều công trình giao thông công cộng, phúc lợi, dân sinh thiết yếu được đầu tư như cầu An Phước, đường 787B, dự án thu gom và xử lý nước thải đô thị Trảng Bàng công suất 10.000m3/ngày… đã góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Cầu Quan. Ảnh: Nguyễn Minh Thiện
Bên cạnh đó, huyện Gò Dầu được tập trung đầu tư bảo đảm đầy đủ các tiêu chí để có thể được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV ngay trong năm 2020 và được định hướng phát triển thành thị xã. Ngoài ra, các thị trấn của các huyện Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Bến Cầu và Châu Thành đều đã được công nhận là đô thị loại V.
Định hướng phát triển đô thị bền vững
Bộ mặt đô thị của tỉnh ngày càng thay đổi, kết cấu hạ tầng được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp - dịch vụ; hoạt động thương mại - dịch vụ - du lịch phát triển mạnh với quy mô lớn.
Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng, công tác phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng của địa phương. Việc xây dựng và phát triển các đô thị trên địa bàn tỉnh không chỉ đơn thuần xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng đô thị, phát triển kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, đạt mục tiêu đô thị thông minh và tăng trưởng xanh mà còn phải đi đôi với việc xây dựng đời sống văn hoá, văn minh đô thị, an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và sự phát triển chung của đô thị một cách bền vững. Do đó, đòi hỏi các ngành, các cấp phải có quyết tâm chính trị cao, bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ đã đề ra trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.
Để đô thị Tây Ninh tiếp tục phát triển, theo Sở Xây dựng, các địa phương trong tỉnh cần nâng cao nhận thức về công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị trong toàn hệ thống chính trị và trong mọi tầng lớp nhân dân. Muốn phát triển đô thị bền vững, trước hết phải triển khai thực hiện và quản lý tốt công tác quy hoạch xây dựng, đầu tư phát triển có kế hoạch, đồng bộ, không phát triển vội vã và tránh dàn trải; quản lý đô thị phải khoa học, nắm rõ quy luật và phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành.
Tỉnh tiếp tục kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đáp ứng yêu cầu triển khai dự án, trong đó có dự án với quy mô lớn, hình thành khu đại đô thị công nghiệp mang tầm cỡ quốc gia nhằm kịp thời đón dòng đầu tư chuyển dịch từ các quốc gia lân cận, tạo sự đột phá mạnh mẽ về phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh nhà trong thời gian tới.
Quảng trường tượng đài Anh hùng Liệt sĩ 30.4, thành phố Tây Ninh. Ảnh: Huỳnh Đông
Định hướng trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục xây dựng và phát triển các đô thị hiện hữu: thành phố Tây Ninh là đô thị loại II; các thị xã Hoà Thành, Trảng Bàng đạt tiêu chí đô thị loại III; đô thị Gò Dầu lên thị xã, đạt 75% tiêu chí đô thị loại III; huyện Bến Cầu (thị trấn Bến Cầu và khu đô thị mới Mộc Bài), huyện Dương Minh Châu (mở rộng thị trấn Dương Minh Châu), huyện Tân Biên được định hướng đạt tiêu chí đô thị loại IV; các thị trấn còn lại tập trung hoàn thành các tiêu chí đô thị loại V. Phấn đấu tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh đến năm 2025 đạt trên 50% và đến năm 2030 là 90%
Minh Dương