Cái khó hiện nay của Tây Ninh là việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đây là tiêu chí số 1 trong 19 tiêu chí, nhưng cấp xã và cả cấp huyện vẫn không đủ năng lực để thực hiện, hầu hết phải thuê tư vấn.
(BTNO)- Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 – 2020) đã chủ trì phiên họp của Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Tây Ninh.
Sau khi thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo tỉnh và các huyện/thị xã đã tích cực triển khai chương trình. Các huyện/thị đã khảo sát 19 tiêu chí của bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, Tây Ninh không có xã nào đạt trên 10 tiêu chí; có 10 xã đạt 9 tiêu chí, 45 xã đạt được từ 5 đến 7 tiêu chí và 27 xã chỉ đạt được 5 tiêu chí. Ban chỉ đạo tỉnh đã chọn 25 xã có số tiêu chí đạt khá để triển khai thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015.
Cái khó hiện nay của Tây Ninh là việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đây là tiêu chí số 1 trong 19 tiêu chí, nhưng cấp xã và cả cấp huyện vẫn không đủ năng lực để thực hiện, hầu hết phải thuê tư vấn. Sở Xây dựng Tây Ninh đã thành lập tổ quy hoạch xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ các xã, hiện nay 25 xã đã tiếp cận với đơn vị tư vấn và đã có 3 xã được tập huấn xây dựng đề án. Hiện có hai xã Tân Hưng, Tân Hoà thuộc huyện Tân Châu đã lập xong đề án xây dựng nông thôn mới và được UBND huyện Tân Châu thông qua đề cương chi tiết.
Trước tình hình số xã chưa có nhiều tiêu chí đạt so với quy định, đại diện các sở, ngành tỉnh đã đề nghị với Thường trực Ban chỉ đạo cần có phân kỳ đầu tư để đầu tư tập trung cho xã có số tiêu chí đạt khá nhằm hoàn thành dứt điểm xây dựng nông thôn mới ở một số xã trong giai đoạn nhất định. Theo ông Vương Quốc Thới – Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh thì cần chọn 2 tiêu chí làm khâu đột phá, đó là hạ tầng giao thông nông thôn và kiên cố hoá kênh nội đồng. Đây là 2 tiêu chí khó khăn nhất và sẽ tiêu tốn nhiều kinh phí nhất, bởi hệ thống giao thông nông thôn ở cấp xã chưa hoàn chỉnh. Nhiều năm qua, Tây Ninh đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, trong đó có hệ thống giao thông, kể cả huy động thưc hiện giao thông nông thôn theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, song nhu cầu thực tế cao trong khi nguồn lực còn hạn chế. Hiện tại còn rất nhiều tuyến đường nông thôn ở xã cần được đầu tư nâng cấp hoặc sửa chữa. Việc hoàn thành 2 tiêu chí nêu trên sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn một cách nhanh chóng.
Hiện Sở NN&PTNT Tây Ninh đang rà soát lại thực trạng theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới trong số 25 xã điểm của giai đoạn 2011 – 2015 nhằm phân loại xã nào có nhiều tiêu chí gần đạt nhất để đề xuất Ban chỉ đạo phân kỳ đầu tư.
Theo nhận định chung của Thường trực Ban chỉ đạo tỉnh, sự phối hợp giữa các sở, ngành, các huyện/thị và Ban quản lý các xã chưa được chặt chẽ. Hiện chỉ mới tổ chức đuợc 1 lớp tập huấn cấp tỉnh và huyện cho 82 cán bộ, 4 lớp tập huấn cho 180 cán bộ của 25 xã điểm. Chính vì vậy đa số cán bộ cấp cơ sở và người dân chưa hiểu hết ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới. Công tác tổ chức tuyên truyền, vận động người dân cũng chỉ mới được thực hiện ở một số sở, ngành, huyện/thị, chưa trở thành phong trào sâu rộng trong toàn dân. Trong thực tế, có Ban quản lý xây dựng nông thôn mới ở cấp xã khá lúng túng trong tổ chức thực hiện nên tiến độ triển khai chương trình trên địa bàn xã còn chậm.
Kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ yêu cầu các thành viên ban chỉ đạo, các sở, ngành và các huyện/thị cần tiếp tục tích cực quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương ra các ngành các cấp; phối hợp với Ban Tuyên giáo và UB.MTTQVN tỉnh tuyên truyền sâu rộng hơn trong nhân dân về cý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình. Thống nhất phân kỳ đầu tư cho 25 xã điểm giai đoạn 2011 - 2015. Sở Xây dựng sẽ tiếp tục hướng dẫn các xã lập quy hoạch, đến cuối quý 3.2011 phải hoàn thành quy hoạch 25 xã điểm và đến cuối năm 2011 sẽ quy hoạch xong 58 xã còn lại…
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, cần tập trung nguồn lực đầu tư cho 25 xã điểm để đến cuối năm 2014 Tây Ninh sẽ có số xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
Phương Nguyệt