Đến nay trên địa bàn đã có 33 đầu mối hệ thống các tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động. Trong đó có 13 ngân hàng thương mại, 1 ngân hàng chính sách xã hội, 1 ngân hàng phát triển và 18 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở.
Thực hiện chủ trương thu hút nguồn vốn đầu tư của tỉnh, đến nay trên địa bàn đã có 33 đầu mối hệ thống các tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động. Trong đó có 13 ngân hàng thương mại, 1 ngân hàng chính sách xã hội, 1 ngân hàng phát triển và 18 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Tổng nguồn vốn các tổ chức tín dụng đến cuối năm 2010 (ước) đạt trên 14.000 tỷ đồng, tăng 24% so đầu năm, trong đó nguồn vốn huy động là 11.000 tỷ đồng, chiếm 78,8% so tổng nguồn; dư nợ là 12.750 tỷ đồng, chiếm 89,7% so tổng nguồn, nợ xấu chiếm 1,25% so tổng dư nợ.
Các NHTMCP như Đông Á, Á Châu đã xây dựng trụ sở khang trang, Ngân hàng Vietinbank đang xây dựng trụ sở, một số ngân hàng khác như Vietcombank, Phương Tây, Techcombank… cũng đã liên hệ mua đất chuẩn bị xây dựng trụ sở để cùng tham gia vào hoạt động ngân hàng trên địa bàn.
Trụ sở Chi nhánh ACB Tây Ninh vừa được khánh thành hôm 29.12.2010 |
Một số ngân hàng có thế mạnh như NHNO &PTNT có hệ thống mạng lưới rộng, đang tập trung cho vay phát triển sản xuất khu vực nông nghiệp nông thôn. NHTMCP Đông Á có ưu thế về phát hành thẻ và thanh toán qua máy rút tiền tự động (ATM). Thực hiện phương châm “bình dân hoá hoạt động ngân hàng” để mọi thành phần kinh tế đều có thể tham gia, NHTMCP Đông Á đã đi tắt, đón đầu bằng cách triển khai lắp đặt hệ thống máy rút tiền tự động tại một số trung tâm kinh tế, thương mại tập trung của tỉnh như Thị xã, Hoà Thành, Dò Dầu, Bến Cầu… đồng thời cũng nhằm phục vụ thanh toán tiền lương qua tài khoản theo chủ trương Chính phủ (đến 31.12.2010 các tổ chức tín dụng đã lắp đặt 69 ATM, 71 máy POS và phát hành được 162.260 thẻ giao dịch). NHTMCP Á Châu với thế mạnh về đầu tư địa ốc cũng sẽ mở Trung tâm giao dịch địa ốc, cung cấp các dịch vụ thuê, mua bất động sản cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. NHTMCP Ngoại thương với nhiều sản phẩm, dịch vụ phục vụ hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu… sẽ tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất, nhập khẩu của địa phương.
Xu thế chung hiện nay trong hoạt động ngân hàng là từng bước chuyển dần từ loại hình ngân hàng truyền thống sang ngân hàng điện tử, tận dụng các thành tựu trong công nghệ, kỹ thuật đặc biệt là công nghệ thông tin, thực hiện đa dạng hoá sản phẩm nhằm tạo nhiều tiện ích cho khách hàng. Việc tập trung nhiều tổ chức tín dụng cùng hoạt động trên một địa bàn sẽ tạo áp lực cạnh tranh, để tồn tại mỗi tổ chức tín dụng sẽ cố gắng phát huy tối đa các lợi thế của mình nhằm tiết kiệm cho phí hạ giá thành và người được lợi nhiều nhất chính là khách hàng.
Hiện nay, tuyến quốc lộ 22B nối liền Gò Dầu - Thị xã đã được nâng cấp và mở rộng, các Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát… sẽ tạo động lực phát triển các loại hình du lịch, mua sắm kết hợp với du lịch truyền thống. Đây chính là cơ sở thu hút mạnh mẽ các tổ chức tín dụng cùng tham gia hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Trong tương lai gần khi Tây Ninh nâng cấp đô thị, với những điều kiện thuận lợi như gần các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam (cách TP.HCM 100km), có đường giao thông thuận lợi, đặc biệt tuyến đường Xuyên Á nối TP.HCM của Việt Nam với thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia, Bangkok của Thái Lan; các Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát; các khu du lịch Toà Thánh, núi Bà, Khu Di tích căn cứ Trung ương Cục, khu đầu mối hồ Dầu Tiếng… sẽ hình thành một thị trường đầy tiềm năng cho việc cung ứng các dịch vụ tiện ích ngân hàng. Việc thành lập và phát triển các loại hình tổ chức tín dụng, tài chính trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện nay chỉ còn là vấn đề thời gian.
NGUYỄN DŨNG